Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Tìm hiểu về lạm phát

Chắc chắn bạn không phải người duy nhất cảm thấy bùng tai khi nghe về lạm phát - một hiện tượng đơn giản dễ hiểu nhưng cũng phức tạp không tưởng. Vậy ta hãy bắt đầu từ điều cơ bản nhất nhé: Lạm phát xảy ra khi giá cả đồng loạt leo thang.



Ảnh: pxfuel

Từ “đồng loạt” là điểm đáng chú ý đấy, bởi giá từng mặt hàng luôn biến động tuỳ theo thị hiếu. Như một video TikTok nào đấy gây sốt và trong đó có sử dụng mầm cải Brussels, thế là mọi người đổ xô mua nó; và giá mầm cải cứ thế tăng lên. Trong khi đó, món mới nổi tháng trước - bông cải - giờ đang chật vật bán phá giá. Những biến động như thế xảy ra thường xuyên.

Lạm phát chỉ xảy ra khi giá cả trung bình của gần như mọi mặt hàng đều leo thang, từ thực phẩm, nhà cửa, xe cộ, đến quần áo, đồ chơi... Để người tiêu dùng đủ tiền chi trả, mức lương dành cho họ cũng phải tăng theo.

Lạm phát không phải lúc nào cũng là điều xấu. Trong vòng 40 năm trở lại đây (đặc biệt là trong thế kỷ hiện tại), người Mỹ thụ hưởng một nền kinh tế vận hành trơn tru với mức lạm phát chỉ nhích thêm khoảng 2% mỗi năm. Tất nhiên, giá một số mặt hàng và dịch vụ như nhà ở và chăm sóc y tế tăng vọt so với lúc trước, nhưng giá của đồ điện tử như ti vi hay máy tính lại giảm - khiến cho giá cả trung bình tăng tương đối ổn định.

Khi “lạm phát” là điều tồi tệ

Lạm phát trở thành vấn đề khi nền kinh tế không còn sủi tăm mà sôi sùng sục, tức “quá nhiệt”. Vì nhiều lý do, trong đó có đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu hiện tại sục sôi hơn bao giờ hết.

Tại Mỹ, giá cả chung đã tăng tới 6,2% - mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 1990, và gấp 3 lần so với hạn ngạch 2% mà Cục Dự trữ Liên bang đặt ra.

Đây là lúc kinh tế học cơ bản gặp mặt tâm lý học cơ bản. Hành vi kinh tế của cộng đồng có thể tạo ra hiện tượng lời tiên tri tự ứng nghiệm. Khi giá leo cao liên tục trong một thời gian đủ dài, người tiêu dùng bắt đầu kỳ vọng nó sẽ cứ tăng cao như vậy. Họ sẽ bắt đầu mua nhiều hàng tích trữ hơn, đề phòng giá ngày mai lại lên cao hơn nữa. Vậy là phần cầu bỗng tăng đột ngột, đẩy giá lên mạnh hơn. Vòng lẩn quẩn này cứ thế mà tiếp tục.

Vì sao chuyện lại đến nước này?

Câu trả lời là đại dịch.

Mùa xuân năm 2020, Covid-19 đột ngột “rút điện” nền kinh tế toàn cầu. Hàng loạt nhà máy khắp nơi đóng cửa; người người ngừng đến nhà hàng; các hãng hàng không cấm mọi chuyến bay. Hàng triệu người mất việc khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản trong một cái búng tay. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên 15% từ con số 3,5% vào tháng 2/2020. Nền kinh tế bị thu hẹp lại ở mức chưa từng có tiền lệ.

Đầu mùa hè 2021, phần cầu lại tăng đột biến. Quốc hội Hoa Kỳ và Tổng thống Joe Biden thông qua gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD vào tháng 3, gia tăng lượng tiền lưu thông và mức hỗ trợ thất nghiệp. Mọi người lại đổ xô đi mua sắm. Trong khi đó, cung không bật dậy để đuổi kịp cầu.

Một khi nền kinh tế toàn cầu bị rút phích, ta không thể đơn giản cắm lại phích vào ổ điện và hy vọng nền kinh tế lại vận hành bình thường như trước. Lấy xe hơi làm ví dụ, các hãng xe khi đứng trước dịch Covid-19 sẽ phản ứng theo cách hợp lý nhất - đóng cửa nhà máy nhằm cắt giảm thua lỗ. Nhưng vì nhà máy đóng cửa, nhu cầu xe hơi của người tiêu dùng sẽ tăng bởi mọi người sợ nhiễm bệnh khi di chuyển trên phương tiện công cộng hay bằng máy bay. Vậy là ngành sản xuất xe chịu một đòn giáng.

Muốn lắp ráp một chiếc xe hơi, ta cần có nhiều bộ phận được sản xuất ở những nhà máy đặt tại nhiều quốc gia khác nhau, và cũng cần nhân công có tay nghề tại nhiều quốc gia khác nữa. Phải mất rất nhiều thời gian mọi công đoạn mới có thể khởi động lại được, và càng mất nhiều thời gian hơn mới có thể đảm bảo công nhân không nhiễm bệnh khi trở lại làm việc.

Các nhà kinh tế thường miêu tả lạm phát là tình trạng tiền bạc thì dư dả mà hàng hoá lại khan hiếm. Và đó chính xác là những gì xảy ra với ngành xe hơi, cũng như với nhà ở, và với máy tập Peloton, cùng nhiều mặt hàng ngày càng đắt đỏ khác.

Vai trò của chuỗi cung ứng

Hẳn bạn đã nghe “nút thắt trong chuỗi cung ứng” rồi đúng không? Hãy trở lại với ví dụ về xe hơi. Ta biết rằng cầu cao + cung thấp = giá cả tăng. Nhưng cầu cao + cung thấp + trì trệ trong sản xuất = giá cả tăng lên đến chóng mặt.

Các dòng xe hiện đại đều cần các vi xử lý mới có thể vận hành được. Nhưng các loại vi xử lý này cũng là một phần thiết yếu trong điện thoại, đồ điện gia dụng, ti vi, laptop, và hàng tá món khác. Thật không may là tất cả đều là những thứ ta rất cần vào thời điểm này.

Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì các hãng ngày càng sản xuất ít xe hơi mới, người tiêu dùng buộc phải chuyển qua săn xe cũ. Nhu cầu xe cũ theo đó cũng tăng, tiếp tục đẩy mạnh lạm phát. Nhiều chủ xe cũ bán lại xe với giá cao hơn cả số tiền phải bỏ ra lúc mua.

Mọi chuyện rồi sẽ ra sao?

Giá cả và lương bổng sẽ tiếp tục tăng cao cho đến năm 2022, theo các nhà chức trách và chuyên gia kinh tế. Thời gian đà tăng này chậm lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Hiện ưu tiên hàng đầu của các nhà làm chính sách là gỡ nút thắt chuỗi cung ứng để giúp hàng hoá lưu thông theo đúng tiến độ trước dịch. Chuyện này nói ra dễ hơn là thực hiện. Chưa kể những biến cố mới có thể đẩy lùi tiến độ phục hồi - một biến thể Covid mới, một tàu hàng lớn chắn ngang kênh đào quan trọng, hay đơn giản là một thiên tai nào đó.

Giới kinh tế và đầu tư tại Mỹ kỳ vọng Cục Dự trữ sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất vay và giảm các gói kích cầu, làm chậm lại tiến trình lạm phát. Một khi tiền không còn dễ vay như trước, nền kinh tế sẽ từ mức sùng sục trở về trạng thái sủi tăm như mong muốn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán