Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Lão Tử và Đạo Giáo

Lão Tử là một nhà triết học Trung Quốc sinh sống khoảng năm 500 TCN, là người sáng lập Đạo Giáo.



Tượng Lão Tử ở Núi Thanh Viễn - Ảnh: Thanato

Tác phẩm nổi tiếng nhất gắn liền với tên tuổi của Lão Tử là “Đạo đức kinh”, ghi chép lại những suy nghĩ, tư tưởng của ông. “Lão Tử” thực tế không phải là một cái tên mà chỉ là từ tiếng Trung mang nghĩa “lão già” hay “lão sư phụ”. Nhiều nhà sử học cho rằng Lão Tử chỉ là một nhân vật hư cấu tượng trưng cho hình ảnh “bô lão thông thái” trong truyền thuyết, hoặc là hình tượng hỗn hợp từ nhiều nhà hiền triết khi xưa. Trong khi đó, người Trung Quốc lại cho rằng Lão Tử không những có thật, mà còn là một nhân vật vô cùng đáng kính trong lịch sử.

Lão Tử và Đạo Giáo

Những ghi chú duy nhất về Lão Tử hiện diện trong bộ “Sử ký” của Tư Mã Thiên - một nhà sử học thời Hán (145/135 - 86 TCN). Mày mò những nguồn văn thư cổ sử trước kia, Tư Mã Thiên ghi chép rằng Lão Tử vốn là một nhà hiền triết phụ trách trông coi Thư viện Hoàng gia nước Sở. Ông lúc nào cũng mong muốn con người đồng cảm sâu sắc với nhau để chung sống hoà thuận và cho rằng Đạo chính là cái tạo ra vạn vật, kết nối vạn vật, thúc đẩy vạn vật, và đưa vạn vật về nguyên bản. Theo Lão Tử, hòa mình với Đạo cũng là hòa mình với vũ trụ, giúp cơ thể tinh tấn, tâm hồn thường lạc; còn chống lại Đạo chỉ mang đến cái khổ ải, cái thịnh nộ, và những hành động ác ý.

Đối tượng Lão Tử hướng tới nhiều nhất là các tướng lĩnh cầm quân. Đó là thời Chiến Quốc (481 - 221 TCN), khi 7 nước nhỏ cùng tranh ngôi vương. Nhà Chu lúc bấy giờ gần như tàn lụi và không còn sức ảnh hưởng nào; trong khi 7 nước nhỏ kẻ tám lạng người nửa cân, không ai chịu nhường bước ai. Nhiều trường phái triết học đã ra đời trong bối cảnh ấy với mong muốn kết thúc bạo loạn, tạo ra một triều đại mới, tốt đẹp hơn, lo lắng cho dân hơn. Theo Tư Mã Thiên, Lão Tử cố gắng khuyên nhủ mọi người sống theo Đạo, hòa hợp với mọi người và với đất trời. Nhưng vì không ai lắng nghe ông, Lão Tử đành bỏ mặc chốn nhiễu sự phía sau mà ở ẩn. Trước khi Lão Tử rời khỏi kinh thành, người gác cổng - Doãn Hỷ - đã can ngăn ông, khuyên ông hãy viết lại những tư tưởng của mình trước khi ra đi. Vậy là Lão Tử ngồi xuống viết lấy viết để, cho đến khi ông cảm thấy chẳng còn gì để viết nữa thì ông đặt bút xuống đứng dậy và đi biệt tích. Doãn Hỷ sau đó công bố những gì Lão Tử đã viết.

Ghi chép của Tư Mã Thiên khó mà xem là phản ánh đúng sự thật lịch sử; nhất là bởi Đạo Giáo, hay bất cứ nội dung nào khác thuộc “Đạo đức kinh”, đều đã được phát triển dưới thời nhà Thương (1600 - 1046 TCN), dựa trên các huyền thoại và tín ngưỡng dân gian vốn cũng là nền móng của “Kinh Dịch” - một tác phẩm bói toán dựa trên triết lý âm dương. Triết lý này sau đó được Trâu Diễn (305 - 204 TCN) tiếp thu, lập thành trường phái Âm Dương, từ đó phát triển thành Đạo Giáo cùng nhiều hệ tư tưởng khác thuộc Bách Gia Chu Tử - những tư tưởng nở rộ thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Cũng có thể cho rằng Trâu Diễn học được triết lý này từ Lão Tử, nhưng khả dĩ hơn là ông tiếp thu từ các triết lý có tuổi đời hàng nghìn năm. Tuy vậy, nhiều người hiện nay vẫn tin chắc rằng Lão Tử là tác giả cuốn “Đạo đức kinh” - cũng là những lời răn dạy cuối cùng của ông để lại cho hậu thế.



Hình tròn âm dương - biểu tượng của Đạo Giáo - Ảnh: Flickr

“Đạo đức kinh”

“Đạo đức kinh” là một tác phẩm chống lại chủ nghĩa toàn trị, cho rằng đạo đức xuất phát từ “vô vi” (nghĩa đen là “không làm gì”) và được thực hành qua việc nhận thức được Đạo - quy luật tự nhiên mang tầm vóc vũ trụ. Cũng như nước, Đạo chảy qua vạn vật mà không cần gắng sức; nơi nào Đạo đi qua, nơi đó sẽ thay đổi và sinh trưởng. Để nắm bắt được Đạo, ta cần thực hành “vô vi”, ở đây hiểu là làm mà không cố áp đặt kết quả. Những luật lệ nhân tạo, vì vậy, không giúp con người đạo đức hơn, hành động tốt hơn, tâm can thanh thản hơn, thấu cảm hơn bởi chúng không làm cho ta hoà hợp với thiên nhiên. Chỉ khi nào giác ngộ được Đạo, hiểu được mối liên hệ giữa vạn vật, ta mới có thể đạt được những điều kể trên.

Ta khó có thể chỉ dùng lý trí để giác ngộ Đạo, mà chỉ có thể trải nghiệm nó nhờ tự nhìn nhận bản thân mình và tương tác hài hòa với những người xung quanh. Giới lãnh đạo là nhóm đối tượng cần hiểu Đạo nhiều nhất, bởi họ sẽ là tấm gương cho những người bên dưới noi theo. Theo “Đạo đức kinh”, nhà lãnh đạo uy quyền nhất là người cai trị mà như không cai trị, tưởng chừng chẳng làm gì mà mọi chuyện vẫn đâu vào đấy (chương 17). Người sống thanh thản nhất là người giác ngộ ra dòng chảy của cuộc đời và nương theo đó, để dòng chảy cuốn mình đi, không luyến tiếc, không kháng cự, như chương 22 có viết: “Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh” hay “phải lùi một bước thì sau mới có đủ đầy; phải cong trước rồi sau mới có thể thẳng; phải trũng trước rồi sau mới có thể lấp đầy”.

Được xem là đoạn thể hiện tư tưởng chủ chốt của Đạo Giáo về phương pháp giữ cho tâm thanh thản, ba dòng trên có thể được diễn giải như sau.

Khúc tắc toàn: ta không thể tiếp thu được lời kẻ khác khi ta còn khư khư giữ lấy ý kiến của mình; hãy từ bỏ để có cơ hội phát triển bản thân.

Uổng tắc trực: ta không thể hoà hợp với người khác nếu ta không chịu thỏa hiệp và ta không thể sửa sai nếu cứ cứng đầu bỏ lời phê bình ngoài tai.

Oa tắc doanh: nếu không chịu mở lòng tiếp thu những ý tưởng, quan điểm mới, ta khó mà thành công được trong bất kỳ mục tiêu nào của cuộc sống.

Vậy là chương 22 thể hiện quan điểm cốt lõi của Đạo Giáo, rằng một khi đã hoà hợp với đất trời, với vũ trụ, ta có thể sống tốt hơn, thanh thản hơn mà không cần phải cố gắng hành động, cố gắng chống trả. Nói cách khác, thay vì dùng hết sức để từ chối, thậm chí là chống đối những ý tưởng mới lạ từ người khác, hãy xuôi theo họ, thu nhặt những gì có lợi cho mình, bỏ đi những thứ chẳng giúp ích, vậy là tâm thường an lạc.

Đạo Giáo của Lão Tử nhấn mạnh tầm quan trọng của “buông xuôi theo dòng” để cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy mà triết lý này đi ngược với tư tưởng của Khổng Tử: coi trọng giáo dục, xem tri thức là sức mạnh, tuân thủ các quy tắc xã hội, đề cao chữ “lễ” trong tu thân dưỡng tánh. Theo Lão Tử, càng nhiều luật lệ đặt ra, lại càng có nhiều tội phạm nổi lên; ngược lại, Khổng Tử lại khẳng định tu dưỡng đạo đức là cốt lõi giúp tạo ra một công dân tốt.

Đạo Giáo và Khổng Giáo

Tuy những điểm khác biệt như trên đã được nhiều người nhắc đến và đôi khi là phóng đại, cả hai hệ tư tưởng vẫn có những nét tương đồng nhất định. Cả hai đều thành hình trong thời kỳ Bách Gia Chu Tử và là hai trong số ba dòng tư tưởng vẫn còn ảnh hưởng đến văn hoá và truyền thống Trung Quốc đến tận thời nay, bên cạnh Pháp Gia. Trong suốt lịch sử, Pháp Gia là tư tưởng ít biến đổi nhất trong cả ba. Triết lý cốt lõi của nó cho rằng mỗi con người đều vị kỷ, không nghĩ đến lợi ích của bất kỳ ai ngoài bản thân, và vì vậy đều cần có luật lệ, phép tắc để uốn nắn, ngăn thực hiện những điều xằng bậy. Trong khi đó, cả Đạo Giáo lẫn Khổng Giáo đều thừa nhận một thế lực toàn năng có thể chi phối tất cả: với Khổng Giáo thì đó là Trời (tức Thiên), với Đạo Giáo thì đó là Đạo. Vì viện đến thế lực toàn năng, cả hai không chỉ là những tư tưởng triết học mà còn có thể xem là những tôn giáo. Một điểm tương đồng đáng chú ý nữa là cả hai đều được xây dựng trên triết lý âm dương.

Trước cả khi “Đạo đức kinh” được công bố, những người theo tư tưởng Đạo Giáo đã rất quen thuộc với tục cúng bái tổ tiên và vai trò của giác ngộ Đạo đối với mục tiêu đảm bảo cân bằng cho mỗi cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung. Tương tự, Khổng Giáo cũng đề cao việc thờ cúng tổ tiên - một khía cạnh của chữ “hiếu” - và cũng cho rằng Trời là thế lực giúp cân bằng vạn vật. Vậy thì, điểm khác biệt rõ ràng nhất cả hai vẫn là Đạo Giáo chối bỏ những lễ nghi trong khi Khổng Giáo xem trọng chúng.



Bản ghi chép “Đạo đức kinh” - Ảnh: Mawangdui Silk Manuscript

Lão Tử một mực tin rằng con người vốn dĩ là tốt và chỉ làm điều xấu do phải hứng chịu những luật lệ vô minh từ chính quyền yếu kém. Niềm tin này cũng được các học giả Khổng Giáo chia sẻ. Trên thực tế, chính Khổng Tử, cũng như nhà hiền triết Mạnh Tử theo sau, đã lặn lội khắp các nhà nước đối đầu nhau mà thuyết phục họ thực hiện các chính sách đề cao đạo lý, phẩm hạnh, và hoà bình.

Tất nhiên, hai luồng tư tưởng này thường được đặt trong thế đối chiều nhau là có lý do. Đó là khi ta bàn đến vấn đề giáo dục và tri thức. Tri thức nằm ở vị trí trung tâm trong học thuyết Khổng Giáo, như trong “Luận ngữ” có câu: “Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”, tức: “Bình thản mà thu nhận kiến thức, học không chán, dạy người không ngơi nghỉ”. Trong khi đó, Đạo Giáo lại chối bỏ cách học “sách vở” và khuyến khích mọi người họ hỏi tự thân, ngộ ra nhiều điều từ tự nhiên hơn, như thể hiện trong “Đạo đức kinh” qua lời dạy “tuyệt học vô ưu” hay “bỏ đi sự học cũng như trút được ưu phiền”. Câu nói này không nhằm chối bỏ tầm quan trọng của kiến thức nói chung mà chỉ nhằm chỉ trích kiểu học sách vở, trường lớp, cũng như cách kiểu học này được xã hội trọng vọng hơn là học từ thiên nhiên, từ giác ngộ.

Tổng kết

Khổng Giáo và Đạo Giáo, như bao luồng tư tưởng khác thuộc Bách Gia Chu Tử, đều bị cấm sau khi thời Chiến Quốc qua đi và nhà Tần (221 - 206 TCN) lên ngôi. Theo đó, tất cả sổ sách, ngoại trừ sách sử về nhà Tần, về Pháp Gia, và về đo lường, bị thiêu rụi. Song, nhờ một số người phải đạo lưu giữ mà một số cuốn sách về những triết lý này không hoàn toàn bị thất truyền. Sau khi nhà Tần tàn lụi và nhà Hán lên thay, các tác phẩm lưu truyền bấy lâu lại được phổ biến trở lại.

Tới thời nhà Đường (618 - 907 SCN), Đạo Giáo mới trở thành cương vị tư tưởng chủ đạo của quốc gia. Tuy nhiên, phiên bản Đạo Giáo này đã phát triển khá xa so với những điều răn dạy trong “Đạo đức kinh”, cụ thể là các giáo lý đã trở nên nghiêm ngặt hơn, đi theo hướng nghi thức hơn - một điều không được các nhà tư tưởng Đạo Giáo trước đây đón nhận. Trong cùng khoảng thời gian đó, Đạo Giáo dần biến chuyển, nhuốm màu tôn giáo nhiều hơn, và tất nhiên, Lão Tử vì vậy cũng được tôn lên bậc thánh nhân.

Thời hiện đại, Đạo Giáo không chỉ được xem như một triết lý, một tôn giáo, mà ở nhiều khía cạnh, còn là một hiện tượng văn hoá. Quan niệm về năng lượng vũ trụ chảy xuyên qua và kết nối vạn vật là nguồn cảm hứng cho “The Force” trong các bộ phim Star Wars kinh điển. Hình ảnh Lão Tử cùng những học giả theo chân ông là cơ sở tạo nên các “Chiến binh Jedi”. Có lẽ chuyện Lão Tử có thật hay không và có phải là người viết nên “Đạo đức kinh” hay không giờ không còn là vấn đề quan trọng nữa vì Đạo Giáo đã tự nó phát triển, tự nó biến hoá sau khi thu hút nhiều người tin theo và thực hành - những người muốn sống hoà hợp với tự nhiên thay vì vùng vẫy chống lại nó.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán