Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Lễ Phục Sinh

Lễ Phục Sinh (Easter) là một sự kiện đặc biệt đánh dấu ngày Chúa Jesus phục sinh, và theo Kinh Tân Ước, sự kiện là nền tảng cho các tôn giáo Cơ đốc (hay còn gọi là Ki-tô).

Tuy là một ngày trọng đại đối với các Ki-tô hữu, nhiều nghi thức cũng như tập quán liên quan đến ngày lễ này lại bắt nguồn từ ngoại giáo - đặc biệt là các lễ hội liên quan đến nữ thần Eostre - cũng như lễ Vượt Qua của tín hữu Do thái và các phong tục dân gian.



Bức tranh “Sự phục sinh của Chúa Jesus” của hoạ sĩ Raffaello - Ảnh: Britannica

Tên gọi lễ Phục Sinh

Hiện có nhiều giả thuyết về tên gọi của lễ Phục Sinh (Easter). Thánh Bê-đa vào thế kỷ 8 cho rằng từ Easter bắt nguồn từ Eostre hay Eostrae - tên gọi của nữ thần mùa xuân và sinh sản trong tín ngưỡng người Anglo-Saxon. Tuy nhiên, cũng tương tự với các tranh cãi về nguồn gốc Giáng Sinh, nhiều học giả không đồng tình với giả thuyết các Ki-tô hữu chọn một cái tên có nguồn gốc ngoại giáo để gọi một trong những ngày lễ linh thiêng nhất trong năm.

Hiện tại, luồng ý kiến được nhiều nhà sử học đồng thuận là Easter bắt nguồn từ “albis”, số nhiều của “alba”, một từ Latin mang nghĩa “hừng đông”. Từ này sau đó du nhập vào tiếng Đức Cổ, chuyển thành “eosterum”, và rồi chuyển thành “Easter” trong tiếng Anh và “Ostern” trong tiếng Đức ngày nay. Một vài ngôn ngữ khác, như tiếng Hy Lạp và tiếng Latin, gọi ngày lễ này là “Pascha”, thể hiện mối liên hệ giữa nó với lễ Vượt Qua (Passover) của người Do thái. Đây cũng là nguồn gốc của tên gọi “Pâques” trong tiếng Pháp.

Lịch sử lễ Phục Sinh

Theo Kinh Tân Ước, do quan ngại về những mối nguy Jesus có thể mang lại, chính quyền La Mã đã bắt Người và đóng đinh lên Thánh giá. Jesus phải chịu án tử từ Pontius Pilate, thái thú vùng Judea từ năm 26-36 sau Công Nguyên. Sự kiện Jesus bị đóng đinh rồi phục sinh 3 ngày sau đó đã minh chứng Người là con của Chúa.

Theo 4 quyển Kinh Tân Ước hiện tại (Matthew, Mark, Luke, và John), những ai tin vào việc Jesus qua đời để rồi phục sinh sẽ được ban cho “sự sống vĩnh cửu”, tức là được chào đón ở “Vương quốc Thiên đường” sau khi tạ thế.

Nguồn gốc lễ Phục Sinh còn có thể truy về lễ Vượt Qua. Bữa tối Cuối cùng của Jesus và 12 Tông đồ, khoảnh khắc Jesus bị bắt, diễn ra vào đúng hôm lễ Vượt Qua. Đó là trong Kinh Cựu Ước, còn Kinh Tân Ước lại kể một câu chuyện khác, rằng Jesus cho các Tông đồ ăn matzah (hay bánh mì), gọi đó là “thể xác” của Người, và uống rượu, gọi đó là “máu” của Người. Những nghi thức này tượng trưng cho những hy sinh cao cả mà Jesus sắp thực hiện, và cũng là nguồn gốc của Bí tích Thánh Thể trong Ki-tô giáo.

Ngày tổ chức lễ Phục Sinh

Lễ Phục Sinh không rơi vào một ngày cố định. Chủ nhật Phục Sinh, cùng những lễ liên quan như thứ Tư lễ Tro hay Chủ nhật lễ Lá đều tuỳ biến theo năm.

Các Ki-tô hữu tại vùng Tiểu Á cho rằng ngày Jesus bị đóng đinh trùng vào lễ Vượt Qua - tức ngày 14 Nisan (lịch Do thái). Vì vậy, lễ Phục Sinh được tổ chức vào 2 ngày sau đó, ngày 16 Nisan, bất kể ngày hôm đó là thứ mấy trong tuần.

Ki-tô hữu phương Tây lại tổ chức lễ này vào Chủ nhật, ngày đầu tuần và cũng là ngày Jesus trở về từ cõi chết. Lễ Phục Sinh sẽ rơi vào bất kỳ ngày Chủ nhật nào ngay sau ngày rằm đầu tiên tính từ ngày xuân phân (tức 21 tháng 3), hay nói cách khác, bất cứ ngày Chủ nhật nào nằm trong khoảng 22 tháng 3 đến 25 tháng 4 hàng năm.

Các tín hữu Chính thống giáo phương Đông, vì ăn lễ theo lịch Julius chứ không phải lịch Gregory, nên luôn tổ chức lễ Phục Sinh muộn hơn các Ki-tô hữu phương Tây, tức ngày Chủ nhật trong khoảng từ ngày 4 tháng 4 đến ngày 8 tháng 5. Tôn giáo này cấm kỵ cử hành lễ Phục Sinh trước hay trùng ngày với lễ Vượt Qua. Chủ nhật Phục Sinh cũng đánh dấu thời điểm bắt đầu mùa Phục Sinh trong Chính thống giáo, vốn kéo dài 40 ngày và kết thúc với Lễ Thăng Thiên.

Các phong tục ngày lễ Phục Sinh

Bắt nguồn từ phong tục ăn thịt cừu vào ngày lễ Vượt Qua của người Do thái, các món ăn có thịt cừu cũng là một phần trong bữa tối lễ Phục Sinh. Con cừu (còn gọi là chiên) vừa là vật tế thần trong văn hoá Israel, vừa là hình ảnh tượng trưng cho Jesus - thường được nhắc đến trong Kinh Thánh là “con chiên của Chúa” - cũng như đức hy sinh của Người. Ngoài cừu, các Ki-tô hữu còn ăn thêm trứng, thịt nguội, phô mai, bánh mì, và bánh kẹo vào ngày này, đánh dấu thời điểm kết thúc của mùa chay.

Những quả trứng được tô vẽ nhiều màu sắc khiến mọi người nghĩ ngay đến lễ Phục Sinh thật ra chỉ bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 13. Tuy phần lớn các học giả đồng thuận hình ảnh quả trứng tượng trưng cho sự phục sinh của Jesus, vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh nguồn gốc biểu tượng này. Một số ý kiến cho rằng các nhà thờ xưa kia nghiêm cấm giáo dân ăn trứng trong suốt Tuần Thánh, vì vậy mà những quả trứng được đẻ trong khoảng thời gian này có ý nghĩa đặc biệt. Cũng như những con gà con sẽ phá vỏ trứng để bắt đầu cuộc sống mới, Jesus cũng đội mồ tái thế 3 ngày sau khi bị đóng đinh trên thập giá. Một số ý kiến khác lại nói phong tục này có nguồn gốc ngoại giáo, bởi niềm tin quả trứng đại diện cho sự sinh sôi nảy nở cũng có thể tìm được ở các tín ngưỡng này.

Bất luận ai đúng, điều không thể bàn cãi là trứng Phục Sinh gắn liền với văn hoá Mỹ, đặc biệt là với những trẻ nhỏ. Trò chơi săn tìm trứng Phục Sinh đã quá quen thuộc, đến nỗi “Easter egg” đã trở thành từ ám chỉ những chi tiết được đan xen vào các sản phẩm truyền thông (trò chơi điện tử, phim truyền hình,…) để thử tài tinh mắt của người xem. Lễ hội lăn trứng hàng năm cũng được tổ chức tại Nhà Trắng. Người khởi xướng sự kiện này là Đệ Nhất Phu nhân Lucy Hayes, vợ tổng thống Mỹ thứ 19 - Rutherford B. Hayes.



Trứng Phục Sinh tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở - Ảnh: history.com

Song hành với các quả trứng sặc sỡ là hình ảnh thỏ Phục Sinh, vốn chỉ trở thành biểu trưng cho ngày lễ này vào thế kỷ 19. Theo truyền thuyết thì chính thỏ là loài đã rải trứng khắp khu vườn vào sáng Chủ nhật Phục Sinh để bọn trẻ đi tìm, đồng thời còn “tặng” một chiếc giỏ đầy đồ chơi, kẹo, sô-cô-la,… cho các bé.

Nhiều nhà sử học cho rằng truyền thuyết này bắt nguồn từ dân nhập cư gốc Đức, bởi ở những nơi khác, như Thuỵ Sĩ, chim cúc cu mới là loài vật mang trứng Phục Sinh đến. Số khác lại đặt giả thuyết đây là những phong tục do tín hữu Tin lành tạo dựng nên vào thế kỷ 17, nhằm phản đối lại các lễ nghi và phong tục Phục Sinh bên Công giáo. Về mặt ý nghĩa, cũng giống như các quả trứng, hình tượng thỏ Phục Sinh đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở.

Ngày nay, lễ Phục Sinh không những là một ngày đặc biệt mang nhiều ý nghĩa tôn giáo mà còn là một sự kiện thương mại trọng đại trong năm. Lượng thiệp chúc mừng và bánh kẹo, cũng như quà bán rất chạy vào mùa này.

Huỳnh Trọng Nhân
(Tổng hợp và lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán