Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Maria Montessori và phương pháp giáo dục mang tên bà

Maria Montessori (1870 - 1952) là một y sĩ và một nhà giáo dục người Ý với những đóng góp quan trọng về lý thuyết giáo dục trẻ mầm non. Hệ thống và triết lý giáo dục mang tên bà hiện được phổ biến trên khắp thế giới. Theo đó, mọi đứa trẻ đều có tiềm năng sáng tạo và khao khát tìm hiểu thế giới, cũng như quyền được đối xử bình đẳng và được xem như một cá nhân độc lập tự chủ.



Chân dung Maria Montessori - Ảnh: ullstein bild/Getty Images

Những năm đầu đời

Montessori sinh ngày 31 tháng 8 năm 1870 tại thị trấn Chiaravalle, Ý, trong một gia đình trung lưu có học thức. Tuy lớn lên trong một môi trường nơi thân phận người phụ nữ vẫn còn bị nhiều tư tưởng bảo thủ kềm kẹp, Montessori ngay từ nhỏ đã quyết tâm phá vỡ những định kiến trên. Năm 14 tuổi, Montessori theo chân bố mẹ chuyển đến Rome, nơi bà theo học tại một viện kỹ thuật vốn chỉ dành cho nam sinh. Tại đây, bà phát triển khả năng toán học cũng như dung dưỡng niềm đam mê khoa học của mình, đặc biệt là với bộ môn sinh học. Tuy bị bố ngăn cản, Montessori vẫn được mẹ ủng hộ theo học ngành dược tại Đại học Rome. Bà tốt nghiệp năm 1896 và trở thành nữ y sĩ đầu tiên tại Ý.

Sự nghiệp và nghiên cứu

Montessori sau đó làm trợ lý bác sĩ tại phòng khám miễn phí ở Đại học Rome. Chuyên môn của bà là nhi khoa và tâm thần học. Tại đây, bà bắt đầu chú ý đến những trẻ khiếm khuyết năng lực học tập và nhận ra mọi trẻ em bất kể tầng lớp đều sở hữu trí thông minh riêng biệt.

Từ năm 1899 đến năm 1901, bà làm chủ tịch Trường Orthophrenic nhằm giúp đỡ những trẻ em gặp khiếm khuyết trong học tập. Phương pháp giáo dục của bà cho kết quả khả quan. Cũng nhờ làm việc tại Trường Orthophrenic mà bà mới có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về giáo dục và những năm tháng phát triển đầu đời của trẻ. Kết quả nghiên cứu này sau đó được bà dùng trong những bài phát biểu của mình khi đi diễn thuyết khắp Châu Âu. Bà không quên sử dụng sức ảnh hưởng của mình để lên tiếng về quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Ngoài giáo dục, bà còn nghiên cứu về triết học và tâm lý học.

Nhờ thành công với Trường Orthophrenic, Montessori nảy ra ý định phổ biến phương pháp của mình đến cả những trẻ em có tiến độ phát triển bình thường. Vì vậy mà năm 1907, bà mở Casa dei Bambini (“Ngôi nhà Trẻ thơ”), một cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi tại khu ổ chuột San Lorenzo ở Rome. Cơ sở này tạo nên môi trường giúp trẻ phát triển cách học thông qua giác quan và khám phá sáng tạo. Giáo viên được khuyến khích lui về phía sau và “đi theo bước chân trẻ”, hay nói cách khác, để niềm hứng thú tự dẫn lối cho trẻ tìm tòi và học hỏi.

Thông qua các thực nghiệm và điều chỉnh, phương pháp Montessori dần hoàn thiện hơn. Những bài viết của bà lúc bấy giờ được phổ biến khắp Châu Âu và sau đó được truyền đến Mỹ. Thế là nhiều trường học đi theo phương pháp Montessori được thành lập. Tính đến năm 1925, hơn 1.000 trường học Montessori được mở cửa hoạt động tại Mỹ. Bà chủ trương phương pháp này sau đó đến nhiều nơi, trong đó có Ấn Độ, nơi bà phát triển chương trình “Giáo dục vì Hoà bình”. Nhờ chương trình này mà sau đó Montessori nhận được hai đề cử cho giải Nobel Hoà bình.

Phương pháp Montessori

Trong những tháng năm nghiên cứu tại Trường Orthophrenic, Montessori tìm đọc và tiếp thu ý tưởng từ hai y sĩ người Pháp, Jean-Marc-Gaspard Itard và Édouard Séguin - những người đã tiến hành nhiều thực nghiệm về học lực ở những trẻ khiếm khuyết. Qua thực nghiệm và quan sát của chính mình, bà cũng phát hiện những trẻ em này phản ứng nhạy với những môi trường kích thích các giác quan và có thể tiếp thu tốt khi tham gia vào các hoạt động có mục đích.



Maria Montessori trò chuyện với trẻ trước buổi phát thanh tại BBC - Ảnh: Montessori AMI

Montessori phát hiện ra một số vật dụng bình thường lại có thể thu hút sự chú ý và hứng thú nơi trẻ. Cô dùng những vật dụng này để kích thích các giác quan của các em nhỏ và tạo ra những hoạt động chơi mà học bổ ích, thay vì những buổi dạy chay nhàm chán. Đó có thể là tập hợp các hạt cườm được xếp theo thứ tự tăng dần từ nhỏ đến lớn nhằm giúp các em nắm bắt một số khái niệm toán học cơ bản; các mẩu gỗ nhỏ nhằm luyện cho các em khả năng đọc từ trái sang phải; và các quả cân hình trụ tăng dần về độ nặng nhằm giúp các em luyện cơ tay,… Trẻ em trước 6 tuổi mê mẩn thao tác với những món đồ này trong suốt từ 15 phút cho đến một giờ đồng hồ. Sau đó, trẻ điềm tĩnh và vẫn rạng rỡ chứ không ủ rũ, mệt mỏi như khi bị ép học. Nhờ những món đồ như vậy mà những trẻ có vấn đề về kỷ luật không những chịu ngồi yên mà còn tự nguyện tham gia hoạt động.

Nổi bật nhất trong triết lý giáo dục Montessori là tính tự chủ trong học tập nơi trẻ. Theo đó, sự phát triển tinh thần và sinh lý ở các em nhỏ liên quan đến nhau và “giai đoạn cảm giác” được xác định ở một độ tuổi cụ thể, phù hợp với tiến trình thụ đắc những tri thức đặc biệt ở độ tuổi ấy. Giáo viên vẫn cung cấp những “dụng cụ học tập” cho các em nhưng chủ yếu lùi về phía sau, để các bạn tự trải nghiệm và cảm nhận. Học sinh không còn bị bó buộc vào bàn học mà tự do di chuyển và lựa chọn hoạt động thu hút các em nhất. Tương tác, học hỏi từ bạn bè, giải quyết vấn đề, và kết giao là những kỹ năng được khuyến khích. Trẻ được tiếp xúc với các thử thách thích hợp với trình độ hiện tại của bản thân.

Phương pháp Montessori phê phán các hình thức đánh giá thành tích truyền thống như giao bài kiểm tra và chấm điểm. Hướng đánh giá được khuyến khích là xem xét bộ hồ sơ học tập do học sinh tự tạo và các quan sát, ghi chú từ phía giáo viên. Dựa vào những yếu tố đó, giáo viên sẽ tìm được hướng đi giúp trẻ tiếp thu được kiến thức và kỹ năng cần thiết trong chương trình học. Nhiều trường học Montessori hiện tại bắt đầu áp dụng điểm số, đặc biệt ở cấp trung học, bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng giúp các em có thể vào đại học.

Những năm cuối đời và di sản của Montessori

Năm 1922, Montessori được bổ nhiệm chức thanh tra trường học tại Ý. Đến năm 1934, bà phải rời quê nhà vì chế độ phát-xít trỗi dậy tại đây. Sau nhiều lần chuyển chỗ ở, cuối cùng bà chọn Hà Lan làm nơi cư ngụ. Bà mất ngày 6 tháng 5 năm 1952 tại Noordwijk aan Zee, Hà Lan.

Phương pháp Montessori, tuy thịnh hành vào đầu thế kỷ 20, dần dà không còn được ưa chuộng vào những năm 1940. Đến năm 1960, triết lý giáo dục này lại nổi lên. Hiện nay, ta có thể thấy ảnh hưởng của phương pháp Montessori rõ nhất ở những trường mầm non và những trường giáo dục đặc biệt. Vì không được đăng ký thương hiệu, cái tên Montessori có thể được bất cứ cơ sở giáo dục nào sử dụng, và phương pháp này cũng có thể được sử dụng tự do, rộng rãi. Vậy là triết lý Montessori sống mãi, “đi theo bước chân trẻ” ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Huỳnh Trọng Nhân
(Tổng hợp và lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán