Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Nhà vật lý người Mỹ J. Robert Oppenheimer

J. Robert Oppenheimer, tên đầy đủ là Julius Robert Oppenheimer (sinh ngày 22/4/1904 tại New York, Mỹ - mất ngày 18/02/1967 tại Princeton, New Jersey, Mỹ) là nhà vật lý lý thuyết và quản trị khoa học người Mỹ. Ông tạo ra Phòng thí nghiệm Los Alamos (1943-1945) phục vụ cho việc nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử trong Thế chiến II, hay còn gọi là Dự án Manhattan. Ngày nay, ông được tưởng nhớ với danh hiệu “cha đẻ bom nguyên tử”. Sau khi từ chức, ông trở thành giám đốc Viện Nghiên cứu Chuyên sâu tại Princeton (1947-1966) cũng như chủ tịch Ban Cố vấn Chung cho Uỷ ban về Năng lượng Nguyên tử.



Chân dung J. Robert Oppenheimer - Ảnh: Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, New Mexico

Xuất thân và giáo dục

Oppenheimer là con một gia đình Do Thái di cư từ Đức sang Mỹ chuyên nhập khẩu và buôn bán vải sợi tại thành phố New York. Khi còn học tại Đại học Harvard, ông xuất sắc hoàn thành các khóa tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, vật lý, hóa học; ông cũng sáng tác thơ và nghiên cứu về triết lý Á Đông. Tốt nghiệp Harvard, ông đi tàu sang Anh nhằm nghiên cứu nguyên tử tại Phòng thí nghiệm Cavendish ở Đại học Cambridge vào năm 1925. Tại đây, Oppenheimer có cơ hội hợp tác với cộng đồng khoa học Anh Quốc.

Oppenheimer được Max Born mời đến Đại học Göttingen và hợp tác với các tên tuổi lớn tại đây như Niels Bohr và P.A.M. Dirac. “Phương pháp Born-Oppenheimer” do ông và Max Born phát triển là đóng góp quan trọng cho lý thuyết lượng tử. Năm 1927, ông nhận bằng Tiến sĩ tại Göttingen. Sau khi ghé sang trung tâm khoa học Leiden tại Zürich, Thụy Sĩ, ông trở về Mỹ để dạy vật lý tại Đại học California và tại Viện Công nghệ California.

Trong những năm 1920, các vấn đề lượng tử và thuyết tương đối bắt đầu thu hút sự chú ý của giới khoa học. Phát hiện khối lượng có liên hệ với năng lượng và vật chất có thể tồn tại ở dạng sóng lẫn dạng hạt mở ra rất lối đi tuy vẫn còn mù mờ, nhưng mới lạ, hấp dẫn. Các nghiên cứu ban đầu của Oppenheimer chú trọng vào quá trình năng lượng của các hạt hạ nguyên tử như electron, position, và tia vũ trụ. Ông cũng khám phá được nhiều điều mới mẻ về các sao nơ-tron và lỗ đen. Bởi chủ đề thuyết lượng tử khi ấy vẫn còn mới mẻ, vị trí giảng viên cho ông cơ hội hiếm có để dành cả sự nghiệp khám phá, phát triển lý thuyết ấy. Ông còn chịu trách nhiệm đào tạo cả một thế hệ các nhà vật lý Hoa Kỳ học hỏi từ khả năng lãnh đạo và tính độc lập trong suy nghĩ của ông.

Dự án Manhattan

Adolf Hitler ngày càng nổi tiếng cũng là lúc Oppenheimer chú ý đến chính sự. Năm 1936, ông ủng hộ phe cộng hòa trong cuộc Nội Chiến ở Tây Ban Nha; đây cũng là lúc ông gặp những người theo lý tưởng cộng sản. Sau khi cha ông qua đời vào năm 1937, Oppenheimer thừa kế gia sản lớn, song lại không tài trợ cho các tổ chức chống phát-xít bởi những chính sách của Joseph Stalin đối với giới khoa học Xô Viết khi đó.

Quân phát-xít Đức chiếm đóng Ba Lan vào năm 1939, khiến các nhà vật lý Albert Einstein, Leo Szilard, và Eugene Wigner lo ngại cảnh báo thảm họa sẽ xảy ra nếu phe trục là bên tạo ra bom nguyên tử trước tiên. Oppenheimer khi ấy bắt tay vào tìm hiểu quá trình phân hạch của uranium trong tự nhiên tạo ra uranium-235 như thế nào và cố gắng xác định khối lượng tới hạn của uranium - chìa khóa tạo ra vũ khí hạng nặng kể trên. Tháng 8/1942, Quân đội Hoa Kỳ được giao cho trọng trách điều phối các nhà vật lý tại Anh và Mỹ nghiên cứu về ứng dụng của năng lượng nguyên tử trong chế tạo vũ khí - chiến dịch ngày nay được biết với tên gọi “Dự án Manhattan”. Oppenheimer được chỉ định làm người tạo lập và đứng đầu Phòng thí nghiệm Los Alamos, xây dựng tại Santa Fe, New Mexico vào năm 1943.

Dự án Manhattan có thể xem đã đạt được mục tiêu đặt ra vào năm 1945. Tuy ban đầu chỉ chi 6.000 USD cho dự án, tính đến thời điểm này, chính phủ Mỹ đã rót tổng cộng 2 tỷ USD vào Los Alamos. Vậy là quả bom nguyên tử đầu tiên được mang đi thử nghiệm tại Bãi thử Trinity gần Alamogordo, New Mexico vào ngày 16/07/1945 - lúc này quân Đức đã đầu hàng trước quân đồng minh. Chưa tới một tháng sau, hai quả bom khác được thả xuống Hiroshima và Nagasaki tại Nhật Bản. Tận mắt chứng kiến sự tàn phá mà bom nguyên tử mang lại, Oppenheimer từ chức, rời Los Alamos vào tháng 10/1945.

Hậu Thế chiến II

Năm 1947, Oppenheimer lên chức giám đốc Viện Nghiên cứu Chuyên sâu, nơi ông làm việc đến gần lúc qua đời. Ông trở thành chủ tịch Ban Cố vấn Chung cho Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử trong cùng năm và tại vị cho đến năm 1952. Năm 1949, Uỷ ban này lên tiếng cực lực phản đối bom hydro, từ đó rộ lên các cáo buộc rằng Oppenheimer thực chất đi theo phe cộng sản.

Ngày 21/12/1953, thời điểm chiến tranh lạnh bắt đầu nhen nhóm, ông được thông báo bên quân sự đã cáo buộc ông từng thông đồng với cộng sản trong quá khứ, không chịu chỉ đích danh các đặc vụ Xô Viết, và trì hoãn công tác chế tạo bom hydro. Phiên điều trần sau đó quyết định Oppenheimer vô tội nhưng đình chỉ hoạt động nghiên cứu nguyên tử của ông, giải trừ ông khỏi Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử, cấm ông tiếp cận các bí mật quân sự. Hiệp hội Khoa học Hoa Kỳ biểu tình ủng hộ “cha đẻ bom nguyên tử” trước buổi điều trần. Ông trở thành biểu tượng nhà khoa học chân chính: một người miệt mài tìm lời giải cho các vấn đề đạo đức xoay quanh các khám phá khoa học mới, đồng thời là nạn nhân của một đợt thanh trừng. Trong những năm cuối đời, Oppenheimer dành thời gian nghiền ngẫm về mối quan hệ giữa khoa học và xã hội.

Năm 1963, Oppenheimer đã được cố tổng thống John F. Kennedy chọn mặt gửi Giải Enrico Fermi. Tháng 12 cùng năm, sau khi Kennedy bị ám sát, người kế nhiệm - Tổng thống Lyndon B. Johnson - trao tặng Oppenheimer giải thưởng này nhằm vinh danh các khám phá trong lĩnh vực vật lý. Khoảng 3 năm sau, ông thôi chức vụ giám đốc tại Viện Nghiên cứu Chuyên sâu. Trong những năm cuối đời, “cha đẻ bom nguyên tử” vẫn miệt mài đấu tranh vì mục tiêu kiểm soát năng lượng hạt nhân. Ông mất ngày 18/02/1967 sau khi mắc chứng ung thư họng.

Năm 2014, hơn 60 năm sau phiên điều trần đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Oppenheimer, tài liệu xoay quanh vụ việc được giải mật. Phần lớn nội dung phiên điều trần đã được công chúng biết rõ, song nhiều tài liệu mới cũng cho thấy Oppenheimer trung thành với tổ quốc mình như thế nào. Những thông tin mới này minh chứng cho nhận định rằng “cha đẻ bom nguyên tử” là một nhân tài đã sớm bị hạ bệ bởi lòng đố kỵ trong công việc và bởi làn sóng thanh trừng cộng sản đương thời.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán