Trang chủ»Văn hóa xã hội

Văn hóa xã hội

Lịch sử về thời trang dành cho tang lễ của gia đình hoàng gia

Nữ hoàng Anh đã tránh những bộ trang phục sặc sỡ thường ngày của mình để mặc trang phục màu đen, u ám trong suốt hai tuần để tang chồng bà, Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, người đã qua đời ngày 9 tháng 4.



Ảnh: Jeff J. Mitchell/AFP/Getty Images

Và theo thông lệ, toàn bộ gia đình hoàng gia sẽ tuân theo quy định nghiêm ngặt về trang phục khi công tước an nghỉ vào ngày 17 tháng 4, trong lễ tang hoàng gia đầu tiên ở Anh kể từ khi nữ hoàng qua đời vào năm 2002.

Theo phát ngôn viên của Cung điện Buckingham, phụ nữ sẽ mặc trang phục màu đen dài đến đầu gối và đội mũ trong khi nam giới sẽ mặc áo khoác màu đen có gắn huy hiệu.

Ngay cả trong thời điểm đau buồn, người ta vẫn chú ý đến cách các thành viên hoàng gia giải thích các quy tắc ăn mặc, có từ hàng trăm năm trước và thay đổi theo thời gian.



Quy định về trang phục trong tang lễ của hoàng gia từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự đau buồn và quyền quý. Nữ hoàng Elizabeth II đội khăn che mặt dài sau khi cha bà, Vua George VI qua đời - Ảnh: Daily Mirror / Mirrorpix / Getty Images

Năm 1982, những bức ảnh nổi tiếng của công nương Diana khi tham dự tang lễ của công nương xứ Monaco - Grace Kelly đã cho thấy thành viên mới này của gia đình hoàng gia đã khoác lên mình chiếc nón có đính mạng che mặt cùng với chiếc đầm dài màu đen có cổ áo và tay áo dài, cũng như chiếc dây chuyền hình trái tim - một sự lựa chọn phù hợp, thể hiện gu ăn mặc của công nương.



Diana, Công nương xứ Wales, trong đám tang của Công nương Grace của Monaco vào ngày 18 tháng 9 năm 1982 - Ảnh: Anwar Hussein / Getty Images

“Một biểu tượng của nỗi thống khổ đau thương”

Mặc dù màu đen đã được lựa chọn dành cho tang lễ trong một thời gian dài - nó phổ biến đối với những người giàu có trong thời Trung cổ - nó đã trở nên phổ biến với sự đau buồn trong thế kỷ 19.

Theo Strasdin, chính trong thời kỳ này ở Châu Âu và Mỹ, các quy định về trang phục tang lễ đã được giữ vững, đặc biệt là đối với phụ nữ, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các ấn phẩm dành cho phụ nữ cũng như các trang phục này đã trở nên vừa túi tiền hơn.

Thậm chí một khu mua sắm đã được hình thành từ ngành công nghiệp tang lễ còn non trẻ. Vào khoảng giữa những năm 1840, Strasdin nói rằng các cửa hàng thời trang lớn mọc lên khắp London và Paris chỉ để phục vụ cho các nhu cầu trong tang lễ.



Phụ nữ mặc một chiếc váy xếp nếp và một chiếc váy để tang. Cửa hàng bách hóa hiện đại ra đời từ sự phổ biến của các phong cách tang lễ - Ảnh: De Agostini Editorial / Getty Images

Màu đen có dấu hiệu giảm nhiệt vào năm 1938, theo sau sự ra đi của người bà của Nữ hoàng Elizabeth II, nữ bá tước xứ Strathmore. Một bức ảnh cho thấy mẫu thân của nữ hoàng mặc một chiếc đầm màu trắng được thiết kế bởi Norman Hartnell để thể hiện sự tôn trọng của bà với sự ra đi của nữ bá tước. Khái niệm của “tang lễ màu trắng” được củng cố với ví dụ điển hình là Mary, nữ hoàng xứ Scotland, một nhân vật xuất hiện trong tranh với trang phục để tang màu trắng sau khi bà đã mất đi nhiều thành viên trong gia đình vào thế kỷ thứ 16.



Nữ hoàng đã phá vỡ truyền thống sau khi mẹ bà qua đời vào năm 1938, mặc những kiểu áo tang được gọi là "tang lễ màu trắng" do Norman Hartnell thiết kế - Ảnh: Topical Press Agency/Hulton Archive/Getty Images

“Góa phụ suốt đời”

Không một ai có sức ảnh hưởng lên thời trang tang lễ nhiều như nữ hoàng Victoria. Sau cái chết bất ngờ của chồng là Hoàng tử Albert vào năm 1861, bà đã công khai bày tỏ nỗi buồn của mình bằng cách mặc đồ đen mỗi ngày trong suốt 4 thập kỷ cho đến khi bà qua đời. Theo Strasdin, chính nữ hoàng Victoria, người đã giúp định hình nên phong cách của thời trang tang lễ và duy trì hình tượng của bà là một góa phụ suốt đời.



Chiếc đầm được Nữ hoàng Victoria mặc 33 năm sau khi Hoàng tử Albert qua đời - Ảnh: The Metropolitan Museum of Art

Trong thời đại của nữ hoàng Victoria, “thậm chí những chi tiết thật sự nhỏ của chiếc đầm cũng gửi tín hiệu về giai đoạn tang lễ và điều này trở nên rất quan trọng”, Strasdin giải thích. Điều đó thể hiện mức độ giàu có và địa vị xã hội thông qua việc liệu bạn có đủ khả năng mua sắm cả tủ quần áo chỉ dành riêng cho việc để tang, cũng như thể hiện mức độ thấu hiểu tất cả các quy tắc và chuẩn mực của xã hội.

Trong vòng một năm, sẽ có một ngày những góa phụ phải mặc lên mình bộ trang phục hoàn toàn đen, bộ trang phục này được biết đến với cái tên “widow's weeds”, nó được may từ một loại vải crepe có màu đen nhưng không có chi tiết trang trí, theo Strasdin. Khi nỗi thương tiếc được nguôi ngoai, màu sắc và chất liệu vải có thể dần trở nên nổi bật một cách chậm rãi. Cuối cùng, trong 6 tháng cuối của giai đoạn để tang hai năm rưỡi, góa phụ có thể mặc những trang phục “hậu tang lễ” với những màu sắc như là trắng, xám, vàng nhạt hay các sắc màu của hoa tử đinh hương hay hoa oải hương. Thỉnh thoảng chúng có thể có màu tím sậm - cuộc triển lãm “Death Becomes Her” đã trưng bày một bộ trang phục như thế với chất liệu vải len được dệt chéo và vải nhung lụa, cùng với phần vai bồng, đường viền màu đen và các chi tiết trang trí màu trắng và vàng ánh kim phức tạp.

Mặc dù đó là phong tục để quay trở lại với tủ quần áo bình thường sau vài năm để tang, nữ hoàng Victoria vẫn kiên trì mặc trang phục màu đen tang tóc trong suốt quãng đời còn lại của bà. Khi cuộc triển lãm “Death Becomes Her” được trưng bày trước công chúng, ta có thể thấy một trong những bộ trang phục của Victoria từ năm 1894 - 33 năm sau khi Hoàng tử Albert qua đời - là một bộ y phục bằng vải crepe màu đen với đường viền đơn giản.



Các giai đoạn của sự đau buồn được chỉ ra bằng cách lựa chọn vải, màu sắc và trang trí. Nữ hoàng Alexandra có chủ đích nới lỏng các quy tắc cứng nhắc đối với trang phục tang chế dưới thời Victoria - Ảnh: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images

Việc thể hiện sự đau buồn trong khoảng thời gian dài bất tận của nữ hoàng Victoria không phổ biến trong dân chúng vì nó khuyến khích một kiểu ăn mặc cứng nhắc. Con dâu của bà, Hoàng hậu Alexandra, đã tạo ra sự thay đổi, khi thoát ly khỏi những quy định cứng nhắc sau khi nữ hoàng Victoria qua đời cũng như khi con trai lớn nhất của hoàng hậu ra đi. Hoàng hậu Alexandra đã chọn luôn bộ y phục “hậu tang lễ” lấp lánh được làm từ voan lụa màu hoa cà và những hạt kim sa, cùng với nhiều màu sắc khác như vàng nhạt và xám.

Sau khi đi qua nhiều thập kỷ, truyền thống để tang không thực tế này đã lỗi thời, nhưng sức ảnh hưởng của Victoria thì vẫn còn tồn tại trong tang lễ của gia đình hoàng gia hiện đại, từ những màu sắc mang hơi hướng khổ hạnh cho đến việc bám lấy phong cách thời trang cứng nhắc. “Mặc dù đã có những thay đổi, nhưng tôi nghĩ thế kỷ 19 vẫn còn ảnh hưởng lớn lên gia đình hoàng gia,” Strasdin cho biết.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán