Trang chủ»Văn hóa xã hội

Văn hóa xã hội

Nhãn hiệu thời trang nam đầu tiên tại Úc đạt chuẩn trung hoà carbon

Ngành thời trang đang bắt tay vào hành động mà chính phủ hãy còn do dự - cam kết phát thải ròng bằng không. Dịp năm mới tới đây, MJ Bale sẽ tung ra mẫu vest trung hoà carbon đầu tiên.

Thương hiệu thời trang nam MJ Bale vừa trở thành doanh nghiệp trung hoà carbon đầu tiên trong ngành sau 2 năm cố gắng cân bằng lại lượng khí thải bằng các dự án xanh.



MJ trở thành thương hiệu thời trang nam đầu tiên tại Úc đạt chuẩn trung hoà carbon - Ảnh: 9News

Matt Jensen, nhà sáng lập kiêm CEO công ty, cho biết các doanh nghiệp hiện đi trước chính phủ trong tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu. Ông cho biết bản thân rất may mắn khi doanh nghiệp của mình linh động, nhiều người tài, nhận được tư vấn và có cơ hội gia nhập thị trường mua bán phát thải carbon để đảm bảo cân bằng lượng khí thải còn thừa.

Jensen phát biểu: “Tôi cho rằng thời gian, tiền bạc, nỗ lực đều là thử thách.” Ông bộc bạch: “Tôi nghĩ đây là điều đúng đắn cần làm, vì nhân loại và hành tinh xanh này. Lợi nhuận chỉ là phụ, nhưng cũng hay khi ta làm việc tốt mà lại thu về lợi ích cho doanh nghiệp.” Ông Jensen cho biết mục tiêu của công ty là chia sẻ những bài học họ đã tiếp thu nhằm kiến tạo thay đổi trong ngành thời trang.



Trang phục trung tính carbon đầu tiên trên thế giới sẽ được MJ Bale trình làng vào năm tới - Ảnh: 9News

Thương hiệu hiện sở hữu 67 cửa hàng trên khắp nước Úc này đã được Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên chứng nhận trung hoà về carbon đối với cả doanh nghiệp lẫn sản phẩm.

Dự kiến đến cuối năm nay, hơn 50% cửa hàng MJ Bale sẽ chạy bằng năng lượng tái tạo. Con số sẽ đạt 100% vào cuối năm 2022, theo mục tiêu nhắm đến.

Nhằm bù đắp lại lượng khí thải của doanh nghiệp mình, MJ Bale đã đầu tư vào nhiều chương trình như Hành lang Đa dạng Sinh quyển Yarra Yarra tại Tây Nam Úc hay dự án phong điện ngoài khơi.

Lượng phát thải ngành thời trang rất đáng báo động, cao hơn cả con số bên ngành vận chuyển và ngành hàng không cộng lại, theo Climate Council, tổ chức hành động vì khí hậu tại Úc. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác nhận thời trang cùng chuỗi cung ứng của ngành này đứng thứ ba trong số những ngành gây ô nhiễm nhất, chỉ sau thực phẩm và xây dựng. Lượng khí thải do ngành thời trang sản sinh ra chiếm 5% khí nhà kính trên thế giới.

Giờ đây, các nhãn hàng thời trang bắt đầu đi theo xu hướng công nghiệp xanh, chú trọng hơn về vấn đề biến đổi khí hậu và cân bằng lượng phát thải. Nhiều nhà bán lẻ đã tham gia chiến dịch Race to Zero (Cuộc đua đưa lượng phát thải về không) do Liên Hợp Quốc phát động.

Giám đốc Hiệp hội Bán lẻ Úc, Paul Zahra, cho biết sau đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu sẽ là chướng ngại mới mà các nhà bán lẻ phải đối mặt: “Khác với đợt biến động vừa rồi, khi một số nhà bán lẻ bị động hoàn toàn, hiện mọi người đã có thời gian chuẩn bị để hành động vì khí hậu - bằng chứng khoa học đã rõ, thay đổi là cấp thiết, và các thành viên chúng tôi đã bắt đầu hành động.”

Giáo sư Gary Mortimer tại Trường Doanh nghiệp QUT cũng cho biết những khách hàng quan tâm đến môi trường sẽ đến mua sắm tại những cửa hàng chú trọng đến vấn đề phát triển bền vững hơn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán