Trang chủ»Văn hóa xã hội

Văn hóa xã hội

Những bí quyết kiểm soát căng thẳng dành cho bệnh nhân tiểu đường type 2

Nếu bạn là một bệnh nhân tiểu đường type 2, kiểm soát nỗi lo của bản thân là điều khá quan trọng - cả những căng thẳng thường ngày mà mọi người gặp phải lẫn căng thẳng do căn bệnh mãn tính mang lại. Đó là bởi tâm trí càng căng thẳng, cortisol (loại hormone gắn liền với trạng thái này) sẽ bơm nhiều đường vào mạch máu hơn, làm tăng mức đường máu, phá tan mọi nỗ lực ăn kiêng, tập thể thao, sử dụng thuốc của bạn.

Dưới đây là những bí quyết giúp bạn có thể kiểm soát tốt tâm trạng khi mắc chứng tiểu đường type 2.

Thể dục thể thao



Tập thể dục đều đặn là một trong những cách giúp giảm căng thẳng - Ảnh: healthguides.cnn.com

Tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng trong hầu hết các phác đồ điều trị tiểu đường. Hoạt động này giúp giảm mức đường máu và cân bằng trọng lượng cơ thể. Tập thể dục cũng giúp bạn quên đi những nỗi âu lo bởi endorphin tiết ra sau mỗi buổi tập sẽ giúp cơ thể bạn cảm thấy phấn khởi hơn.

Chọn hoạt động thể dục thể thao nào phù hợp, tham vấn với bác sĩ nếu bạn muốn thử sức với những hoạt động hay động tác chưa từng thực hiện trước đây. Bạn cũng cần kiểm tra mức đường máu trước và sau khi tập; nếu mức đường máu quá cao, bạn nên ngồi nghỉ thay vì cố sức tập luyện.

Chăm sóc bản thân

Chăm sóc bản thân là một khái niệm có nhiều cách hiểu, nhưng đơn giản nhất, nó có nghĩa làm những gì tốt cho bản thân, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, và tránh xa những tác nhân gây hại. Đối với những bệnh nhân tiểu đường, chăm sóc bản thân bao gồm xác định những việc cần ưu tiên, không làm nhiều việc cùng một lúc, nghỉ một chút sau khi xong một việc, và ngủ đủ giấc. Quan trọng nhất là làm cho tinh thần thoải mái bằng cách đọc sách, đi mát-xa, đắm mình vào thiên nhiên, chơi đùa cùng con hay thú cưng...

Trải lòng về bệnh tình



Bạn nên trải lòng với bạn bè và người thân về bệnh tình của bản thân - Ảnh: healthguides.cnn.com

Nén cảm xúc trong lòng là một sai lầm tai hại của nhiều bệnh nhân. Chúng sẽ ngày một chồng chất và khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn. Hãy “xả lũ” bằng cách trải lòng với bạn bè, người thân, cũng như các nhân viên y tế về tâm trạng của mình. Bạn cũng nên tập nói rõ lý do vì sao mình cần trải lòng trước khi bày tỏ nỗi niềm và hoàn cảnh của bản thân. Sẽ có những lúc bạn chỉ muốn kể một mạch cho thoả mãn; nhưng cũng sẽ có lúc bạn lại muốn một lời khuyên hay muốn được giúp đỡ.

Hỗ trợ từ những người cùng hoàn cảnh

Đôi khi, nếu không tự mình trải nghiệm, ta khó lòng hiểu được bệnh nhân cảm thấy trong người như thế nào. Chính vì vậy mà họ thường thấy bản thân bị xa cách, cô lập. Hãy thử tham vấn bác sĩ để tìm hiểu những người tiểu đường cũng đang phải đối mặt với stress và bạn có thể gặp được cộng đồng sẵn sàng sẻ chia và thấu hiểu hoặc ít nhất thì cũng tìm được nguồn tham khảo bổ ích hay trò chuyện với những người từng có kinh nghiệm giúp những bệnh nhân giống bạn vượt qua căng thẳng.

Mạnh dạn nhờ giúp đỡ



Tham gia các buổi trò chuyện cùng những người mắc bệnh tiểu đường type 2 giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh của mình - Ảnh: healthguides.cnn.com

Người bệnh tiểu đường đôi khi phải làm hàng chục việc mỗi ngày: kiểm tra mức đường huyết, cẩn thận trong ăn uống, tìm thời gian tập thể dục, nhớ lúc nào nên uống thuốc,… Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn mạnh dạn nhờ một ai khác hỗ trợ mình. Nếu những người bạn quen đều không rảnh rỗi, hãy cân nhắc tìm một trợ lý quán xuyến vấn đề sức khoẻ của mình. Phân chia một số đầu việc thường ngày cho các thành viên khác cũng là một cách giúp bạn trút bớt gánh nặng mỗi ngày.

Quản lý chi phí liên quan đến bệnh tiểu đường

Một trong những lý do khiến ta căng thẳng khi mắc bệnh tiểu đường là vấn đề chi phí liên quan. Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, người mắc chứng tiểu đường phải tốn gấp hai lần vào các phí y tế so với những người khác. Các khoản chi từ cao đến thấp thường gặp là: viện phí, thuốc kê đơn, nhu yếu phẩm, và tiền khám bác sĩ. Hãy thử hỏi bác sĩ hay dược sĩ của bạn xem họ có biết chương trình nào của chính phủ hay các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường hay không. Bạn cũng có thể đến trung tâm y tế cộng đồng nhờ giúp đỡ.

Cân nhắc khám bệnh từ xa thay vì khám bệnh trực tiếp

Khám bệnh từ xa không phải là dịch vụ mới, nhưng đợt đại dịch vừa qua góp phần phổ biến loại hình chăm sóc y tế này. Nhiều bác sĩ và bệnh nhân đã chọn thực hiện thăm khám từ xa thay vì trực tiếp và nhiều dịch vụ bảo hiểm cũng bắt đầu xem đây là một mục thuộc gói bảo hiểm. Phần lớn những người mắc chứng tiểu đường nhận xét khám bệnh từ xa tiết kiệm thời gian lái xe, tìm chỗ đỗ, và ngồi chờ, vì vậy mà làm giảm các nhân tố gây căng thẳng. Hãy thử hỏi bác sĩ của bạn về việc khám từ xa và tìm hiểu xem bảo hiểm của bạn có bao gồm chi phí dịch vụ này hay không.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán