Trang chủ»Văn hóa xã hội

Văn hóa xã hội

Phụ nữ trẻ dẫn đầu xu hướng phản đối thời trang nhanh

Tháng vừa rồi, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đưa ra số liệu rằng 3/4 dân số Anh Quốc bày tỏ quan ngại về khủng hoảng khí hậu trước thềm Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glaslow. Một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới chính là thời trang - đóng góp 10% lượng khí thải cacbonic mỗi năm.



Một người phụ nữ mua quần áo ở chợ đồ cũ - Ảnh: Getty Images

Tại hội nghị, nhiều tên tuổi trong ngành thời trang như nhà thiết kế người Anh Stella McCartney có nhấn mạnh mức độ cấp thiết của một nền thời trang bền vững. Mặc cho sức hút của thời trang nhanh, ý kiến dư luận về phong trào này đang dần thay đổi.

Năm nay, nhiều tên tuổi nổi tiếng như Holly Willoughby và Carrie Johnson đã “chiếu cố” cho các nhãn hiệu cho thuê phục trang. Phu nhân thủ tướng Anh được lên mặt báo sau khi thuê váy cưới thay vì đặt may. Chồng bà, Boris Johnson, sau đó cũng thuê bộ com-lê với giá 34 bảng/ngày mặc đến hội nghị COP26. Thành viên hoàng gia Anh như Nữ hoàng Elizabeth hay Phu nhân Catherine của Công tước xứ Cambridge cũng mặc lại những bộ đồ trước đây đã ra mắt công chúng. Trong giới ngôi sao, con gái của Angelina Jolie cũng mặc bộ đầm Elie Saab Couture mà mẹ mình đã mặc năm 2014 để đến dự buổi công chiếu bộ phim Eternals vào tháng 10.

Khảo sát 2.094 đối tượng, bản báo cáo do Đại học Hull chủ nhiệm và YouGov thực hiện cho biết hơn một nửa những người trong độ tuổi 18 đến 24 (58%) mong muốn “quay lưng với thời trang nhanh” và thay đổi thói quen mua sắm của bản thân. Cũng theo khảo sát, khoảng 25% người được hỏi, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã bắt đầu thói quen thuê quần áo để mặc hoặc mua trang phục đã qua sử dụng để làm quà Giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% số người từ 55 tuổi trở lên là có nghĩ đến việc mua đồ cũ làm quà.

Khảo sát cho thấy nữ giới sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm của mình hơn nam giới. Hơn một nửa (51%) số phụ nữ được hỏi cho biết họ sẵn lòng thuê trang phục hay chọn mua quần áo đã qua sử dụng, trong khi chỉ có 21% nam giới trả lời như thế.

Giáo sư Dan Parsons, giám đốc Viện Năng lượng và Môi trường của Đại học Hull, nhận xét: “Chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả từ thói quen vội vàng vứt bỏ của mình trong nhiều thập kỷ hay thậm chí là nhiều thế kỷ tới. Lượng quần áo bị vứt bỏ do phong trào “thời trang nhanh” đã tạo nên những núi chất thải vi nhựa ở khắp mọi nơi trên thế giới. Thật đáng mừng khi thế hệ trẻ ngày nay đang dần thúc đẩy xã hội quan tâm chú ý đến môi trường hơn. Thuê trang phục và nói “không” với thời trang nhanh là hướng đi vô cùng đúng đắn.”

Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), mỗi năm, ngành thời trang sử dụng khoảng 93 triệu mét khối nước và các quy trình nhuộm và xử lý sợi vải thải ra 20% tổng lượng nước thải. Bên cạnh đó, nhiều trang phục thuộc dòng thời trang nhanh có chứa các vi sợi nhựa và mỗi năm, khoảng 500 nghìn tấn vi sợi như vậy lại làm ô nhiễm biển cả.

Parsons nhận xét: “Vì lượng nhựa trôi nổi toàn cầu quá lớn, Trái Đất chúng ta đã bước vào một kỷ địa chất mới. Giới khoa học gọi đây là Kỷ Nhân sinh (Anthropocene), nhưng với lượng rác thải nhựa hiện tại quá lớn, tôi nghĩ nên gọi thời đại này là Thời kỳ Đồ nhựa mới đúng.”

Bản báo cáo cũng nêu bật những tác động của thời trang nhanh đối với vấn đề nô lệ thời hiện đại cũng như các hình thức bóc lột nhân công khác.

Vào tháng 6 năm 2020, tờ Sunday Times phát hiện một nhà máy tại Leicester sản xuất quần áo cho thương hiệu Boohoo vẫn tiếp tục hoạt động trong lúc phong toả toàn quốc và các biện pháp giãn cách xã hội hoàn toàn không được tuân thủ. Một phóng viên thâm nhập nhà máy dưới vỏ bọc người lao động trong vòng 2 ngày cho biết giá nhân công chỉ là 3,5 bảng/giờ. Được biết mức lương đủ sống của một người dân Anh từ 25 tuổi trở lên vào thời điểm đó là 8,25 bảng/giờ và hiện tại đã được điều chỉnh lên đến 9,5 bảng/giờ.

Trong một thông cáo, Boohoo nhận xét điều kiện làm việc tại Jaswal Fashions, tên nhà máy xuất hiện trong bài báo trên, là “không thể chấp nhận”. Thương hiệu thời trang này cũng công bố: “Theo chúng tôi điều tra, Jaswal Fashions không phải là nhà cung cấp có khai báo xuất xứ và hiện không còn cung cấp các mặt hàng quần áo. Có lẽ nhiều công ty khác đã sử dụng khu xưởng của Jaswal để sản xuất và chúng tôi hiện đang tích cực điều tra xem đó là những công ty nào. Chúng tôi sẽ ngay lập tức làm rõ vì sao quần áo của chúng tôi lại đến từ những nơi như vậy và sẽ đảm bảo các nhà cung cấp của mình ngừng hợp tác với công ty đó ngay.”

Trevor Burnard, Giám đốc Viện Wilberforce chuyên nghiên cứu về nô lệ và giải phóng nô lệ tại Đại học Hull cho biết người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi có thể “chống lại vấn đề nô lệ và lao động cưỡng bức thời hiện đại” bằng những hành động thiết thực như thay đổi thói quen mua sắm và chọn mua nhiều đồ cũ, đã qua sử dụng hơn.

Ông khuyến cáo: “Các lựa chọn tiêu dùng có đạo đức, ngay cả ở mức độ cá nhân, đều có thể mang lại những thay đổi ý nghĩa đối với các công nhân làm việc trong ngành thời trang ở mọi nơi trên thế giới.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán