Âm nhạc

Niger kiên trì “thổi lửa” cho nền âm nhạc truyền thống ngày càng nhạt phai

Âm thanh trầm bổng liên hồi do nhạc công người Niger tạo nên như một bức điện tín; mỗi nhịp lại là một âm tiết trong ngôn ngữ Hausa. Tiếc rằng hiện nay ít người còn có thể “đọc” được chúng.



Oumarou Adamou, nghệ danh Maidouma, là nhạc công douma điệu nghệ. Ông có thể đánh dùi hoặc xoay chân trần lên bề mặt làm bằng da dê của trống để tạo nhịp điệu - Ảnh: Boureima Hama / AFP

Oumarou Adamou, nghệ danh Maidouma, là nhạc công truyền thống người Niger, vui mừng khi có người hồi đáp tiếng trống: “Ồ, anh ta nghe được tên mình rồi kìa!” Maidouma là tay chơi trống douma cừ khôi, thường dùng dùi đánh hay lấy chân trần xoay trên mặt trống làm bằng da dê để tạo nhịp điệu. Song, với tình trạng giới trẻ Niger ngày càng chuộng rap và nhạc điện tử, nghệ thuật giải mã nhịp trống cũng dần nhạt phai theo năm tháng.

Trong những chuyến lưu diễn quanh thế giới, Maidouma mặc bộ boubou xanh da trời và mang trên mình trọng trách lan toả âm nhạc dân tộc ra quốc tế. Còn tại quê nhà, ông là người giữ lửa cho nhiều loại nhạc cụ gõ, dây, và sáo truyền thống được lưu giữ tại Trung tâm Đào tạo và Phát triển Âm nhạc (CFPM) tại thủ đô Niamey.

Bộ nhạc cụ trên càng đắt giá hơn sau khi sống sót trong vụ hoả hoạn tại bảo tàng quốc gia năm 2011. Maidouma cho biết: “Các nhạc cụ truyền thống của chúng tôi có nguy cơ biến mất. Giới trẻ ngày nay thích chơi các loại trống và ghi-ta hiện đại hơn.”

“Họ đã ra đi hết rồi”

Những nhạc công biết chơi nhạc cụ truyền thống như đàn molo - gần giống đàn luýt - hay trống dài kalangou đều đã cao tuổi. Nhiều người lo ngại cách chơi nhạc cũng sẽ theo họ về cát bụi.

Yacouba Moumouni, nghệ danh Denke Denke, ca sĩ kiêm nhạc công thổi sáo fulani, bày tỏ: “Còn có bao nhiêu nhạc công nữa đâu… Họ đã ra đi hết rồi.”

Tiền bạc là yếu tố chính khiến các nỗ lực bảo tồn văn hoá truyền thống tại quốc gia thuộc hàng nghèo nhất thế giới này đi vào bế tắc. Khoảng 70% dân số Niger là người dưới 25 tuổi. Căng thẳng ngoại giao giữa thế lực quân sự kiểm soát quốc gia và các đối tác phương Tây hình thành từ vụ đảo chính hôm 26/7 cũng làm nguồn viện trợ ngoại quốc bị cắt, đẩy đời sống văn hoá vào cảnh ngặt nghèo hơn.

Song, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Các bậc tiền bối nhạc truyền thống đều cho rằng thế hệ nhạc sĩ trẻ “quá thiếu kiên trì” và ưa chuộng sáng tác nhạc điện tử hơn là theo học một nghệ thuật đang chết dần.

Những quy định tôn giáo hà khắc áp lên đất nước nơi Đạo Hồi là quốc giáo cũng khiến nhiều nhạc sĩ chật vật không theo được nghề. Định kiến xã hội đối với nhóm griot - tức hạng “xướng ca vô loài” thường lang bạt khắp chốn để biểu diễn âm nhạc - cũng làm nhiều người không quá mặn mà với con đường nghệ thuật này.

Moumoumi nói: “Ở Niger, griot không được tôn trọng giống bên Mali hay Senegal mà chỉ là những người vô hình.” Hiện chỉ có cậu con trai đi theo ông học nhạc.

“Người gìn giữ giá trị tổ tiên”

Khác với hai nước Mali và Nigeria láng giềng, Niger có một nền âm nhạc truyền thống không mấy cởi mở với thế giới mà cũng ít bị hiện đại hoá hơn, theo nghệ sĩ kiêm giáo viên thanh nhạc Mahaman Sani Mati. Từ 2018, ông đã tổ chức các buổi dạy thanh thiếu niên nghèo khó cách chơi, và quan trọng hơn, cách làm ra các nhạc cụ truyền thống.

Ngồi lõm bõm tập đánh gourimi, Aichata Adamou là một trong số 10 học viên ở lớp học do CFPM tổ chức. Cô gái trẻ nói: “Chỉ cần bán được một chiếc gourimi là lớp học này cũng được lợi rồi.”

Học viên sau khi kết thúc khoá thường quyết định đi theo sự nghiệp âm nhạc; một số lại làm việc tại xưởng sản xuất nhạc cụ, theo Mati. Song, mục đích chính của buổi học là “giúp các em mở rộng tầm nhìn, biết được bản thân có thể lĩnh hội được gì, và hiểu được lợi ích khi trở thành người gìn giữ các giá trị của tổ tiên”.

Oumarou Abourahamane, một rapper theo học Mati không những tán thành tinh thần trên mà còn tự hỏi: “Chúng ta cứ cóp nhặt từ nước ngoài, nhưng chúng ta có nhạc cụ của riêng mình mà, sao lại không dùng chúng?”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán