Được mô tả là ca sĩ ảo chạy bằng trí tuệ nhân tạo (AI), Mya Blue phân trần: “Tôi không phải kẻ thù, chỉ là người yêu âm nhạc đang khám phá những giai điệu mới mẻ quanh thế giới mà thôi.”

Ảnh chụp Eclipse Nkasi - “cha đẻ” của Mya Blue (ảnh do nhân vật tự cung cấp)
Đó là nội dung bài đăng trên tài khoản Instagram của Mya Blue, vốn có dòng giới thiệu: “Tuy không phải con người, tôi vẫn hát từ tận đáy lòng.” Được biết, đây là thành quả của nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất nhạc Eclipse Nkasi người Nigeria.

Bản remix của “Joromi”, bài hát nổi tiếng của Victor Uwaifo, có sự góp giọng của Mya Blue - Ảnh: Eclipse Nkasi
Blue gần đây góp giọng trong “Joromi”, bản remix bài nhạc cùng tên của ngôi sao Nigeria quá cố Victor Uwaifo. Cả Blue lẫn Nkasi muốn giới nhạc sĩ bình tĩnh hơn về ảnh hưởng của AI lên ngành âm nhạc.
Đầu năm 2024, nhiều tên tuổi như Billie Eilish hay Nicki Minaj kêu gọi hành động dùng công cụ AI “săn lùng” giọng hát ca sĩ cần phải dừng lại ngay lập tức. Bởi công nghệ AI vẫn chưa được hiểu rõ tại châu Phi và bởi dữ liệu luyện AI thường được thu thập bên phương Tây, nhiều người lo ngại nó sẽ ảnh hưởng xấu đến âm nhạc nói riêng và di sản văn hoá châu Phi nói chung.
Song, vẫn có nhiều nghệ sĩ và dân chuyên môn tại châu Phi hào hứng đón nhận những cơ hội do công nghệ này khai mở.
Nkasi cho rằng công nghệ AI quá sơ khai tại châu Phi mới chính là rào cản đối với lục địa đen: “Đúng là nguy cơ còn đó nhưng không thể cứ hô hào “bãi bỏ AI” được - quá nhiều quốc gia và cá nhân đổ tiền vào công nghệ này. Điều ta nên làm là tìm cách tận dụng nó tốt hơn.”
Quyết tâm đi đầu về AI trong âm nhạc, nhạc sĩ 33 tuổi cho ra mắt album nhạc AI tên “Infinite Echoes” vào năm ngoái. Nkasi nói việc sử dụng AI để tạo ra sample của anh là có chủ đích, được làm thủ công, và đầy tính sáng tạo: “Tôi lúc nào cũng chú ý đến ứng dụng của AI, tìm cách dùng nó một cách lành mạnh nhất. Với mỗi dự án, cốt lõi là phải tìm ra những đóng góp của AI khiến chúng ta tiến lên phía trước.”
Trong lúc Nkasi hào hứng thử nghiệm với công nghệ mới, nhiều người quan ngại AI là mối nguy hiểm đối với nền văn hoá Phi châu. Tabu Osusa, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất nhạc người Kenya, cho rằng AI dẫn tới nguy cơ chiếm dụng văn hoá. Vì AI có khả năng tạo ra bản nhạc hoàn toàn mới từ những dữ liệu có sẵn, nó có thể sử dụng nhiều chất liệu mang âm hưởng Phi châu mà không thừa nhận, ghi danh những nguồn cảm hứng này.
Osusa giải thích: “Vấn đề với AI là bản quyền. Một khi nó sử dụng âm nhạc từ Ghana hay Nigeria, bài nhạc tạo ra thuộc về ai? Làm thế nào lần ra và ghi danh những nghệ sĩ đã tạo ra bài nhạc làm dữ liệu nền tảng? Tôi thấy chuyện này cứ như đi luồn cửa sau mà ăn cắp vậy. Vì hiện tại chưa có quy định chặt chẽ nào về vấn đề sample, AI sẽ là chìa khoá giúp các hãng đĩa phương Tây mở được két, đã giàu lại càng giàu; trong khi nghệ sĩ sáng tạo ở châu Phi vẫn mãi chật vật với đói nghèo.”
Nỗi lo này được gióng lên trong một bài báo của Creatives Garage, nền tảng tại Kenya dành cho các nghệ sĩ. Là thành quả nghiên cứu phối hợp với Quỹ Mozilla, bài báo tìm hiểu ảnh hưởng của AI đối với các cộng đồng sáng tạo tại quốc gia Đông Phi nói trên.
Kết quả cho thấy đa số nhạc sĩ Kenya lo lắng AI sẽ lấy chất xám của họ làm lợi cho những người khác, đồng thời cảnh báo văn hoá nhạc truyền thống có thể bị bào mòn vì AI, theo lời Bukonola Ngobi, cố vấn nghiên cứu tại Creatives Garage. Người này cũng tiết lộ có nhạc sĩ còn tự hỏi liệu thu âm và lưu trữ các đoạn nhạc truyền thống để huấn luyện AI có khiến nghệ sĩ bản địa chùn bước, không muốn học các loại nhạc cụ cổ truyền nữa hay không.
Osusa còn lo xa hơn: “Tại châu Phi, chúng tôi không học nhạc lý mà sinh ra và lớn lên cùng âm nhạc. Đó là một phần rất thiêng, rất sống động đối với người châu Phi chúng tôi. Vì vậy mà không ai có quyền tước âm nhạc khỏi tay chúng tôi cả.”
Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ ra với những ai tiếp cận được thiết bị công nghệ tân tiến, AI không chỉ hỗ trợ sáng tạo âm nhạc mà còn chu toàn được các dịch vụ thiết kế, marketing với giá cả phải chăng. Song, Ngobi cho rằng những lợi thế trên không giúp ích cho nghệ sĩ mới nổi đến từ các cộng đồng còn nghèo khó, chưa kể là còn tạo rào cản cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp âm nhạc: “Nếu bạn là nhạc sĩ mà không có laptop hay sinh sống tại vùng không có kết nối Internet thì bạn tham gia vào thị trường âm nhạc như thế nào?”
Nhạc sĩ dùng AI cũng gặp khó do dữ liệu tại châu Phi không đủ để chạy thuật toán. Kết quả tìm kiếm chịu nhiều ảnh hưởng từ phương Tây, tác động tiêu cực lên độ chuẩn xác và chất lượng chung của các nhạc phẩm AI. Chẳng hạn Nkasi gặp khó khăn khi tạo hình đại diện cho “ca sĩ” của mình, thành ra Mya Blue là cô bé gen Z người Mỹ tóc xanh dương.
Anh thừa nhận: “Hiểu biết của AI về cộng đồng quanh tôi là rất hạn chế.” Thế nhưng, Nkasi lạc quan đây là cơ hội cho con người can thiệp: “Nhược điểm đã nói hoá ra có thể là lợi thế. Hiện tại, AI chưa thể tạo ra bản nhạc thật sự mang âm hưởng châu Phi nên những nghệ sĩ biểu diễn được những tác phẩm như vậy vẫn còn đất dụng võ. Vậy nên tôi vẫn chưa hiểu lắm vì sao AI lại trở thành vấn đề.”
Emmanuel Ogala, người Nigeria, là chủ công ty Josplay chuyên về AI. Anh biết rõ những cơ hội châu Phi có thể đón nhận. Như công ty anh dùng các mô hình AI thu thập siêu dữ liệu và thông tin để tạo nên kho lưu trữ âm nhạc đa sắc màu của lục địa đen. Ogala nhận định: “Âm nhạc châu Phi thật sự rất phức tạp, nhưng cũng là thể loại nhạc ít được tìm hiểu, nghiên cứu bài bản.”
Thực tế đã chứng minh điều đó. Trong lễ trao giải MTV Video Music Awards vào tháng 9 vừa qua, ca sĩ người Nam Phi Tyla giành được giải Best Afrobeats cho bản hit “Water”. Lên phát biểu nhận thưởng, cô thẳng thắn phê bình các giải âm nhạc phương Tây lớn nhỏ đều có xu hướng gộp chung tất cả các nghệ sĩ châu Phi vào hạng mục “Afrobeats” - vốn là tên dòng nhạc đặc trưng cho Tây Phi nói chung và Nigeria nói riêng. Cô giải thích: “Âm nhạc châu Phi đa dạng lắm, không chỉ có mỗi Afrobeats. Tôi là ca sĩ Nam Phi, hát dòng nhạc Amapiano. Tôi đại diện cho nền văn hoá của chính mình.”
Ogala cho rằng AI sẽ tìm ra lời giải cho bài toán nhập nhằng trên, lan toả tính đa dạng của nền âm nhạc Phi châu ra thế giới. Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã trò chuyện với nhiều học giả có hiểu biết rất chuyên sâu về một số lĩnh vực vô cùng đặc thù thuộc mảng âm nhạc châu Phi. Nắm bắt được những nét khác biệt tinh tế trong văn hoá nghe nhạc ở những cộng đồng khác nhau là rất cần thiết; và công việc này con người không thể làm xuể.”
Hiện tại, các nhạc sĩ, nhà sản xuất, và giới nghiên cứu đều đồng ý rằng AI cần được tài trợ mới có thể phát triển tốt hơn. Ngobi nói: “Cần đầu tư vào hạ tầng dữ liệu thì các cơ hội do AI mang lại mới thật sự có lợi cho mọi người.”
Ogala đồng tình với ý kiến trên, song cũng nói thu hút vốn xây dựng kho lưu trữ AI là vô cùng khó nhằn: “Phía sáng lập chúng tôi trước giờ phải tự bỏ tiền túi vì tin tưởng vào tương lai ngành. Tuy nhiên, nếu có nền tảng tài chính vững chãi hơn thì ngành công nghiệp này sẽ còn phất lên nữa.”
Nhiều người cũng ngần ngại do hầu hết các luật sở hữu trí tuệ hiện tại vẫn chưa quy định các trường hợp liên đới AI nên vẫn cần phải điều chỉnh. Vấn đề bản quyền vốn đã là gánh nặng cho các nghệ sĩ châu Phi bởi thành quả của họ thường xuyên bị tải lậu, bị buôn bán hay phát sóng trái phép trong khi họ không được một xu nào. Chưa hết, nhiều người cũng đã bắt đầu nhận ra nếu không tận dụng các công nghệ mới, nền âm nhạc châu Phi không những để vụt mất nhân tài mà còn có thể đẩy cả di sản văn hoá vào cảnh mai một.
Nhân vật Mya Blue khi mới được Nkasi tạo ra đã ấp ủ tham vọng lớn. Khi được hỏi qua Instagram liệu cô “ca sĩ” này có nhắm đến giải Grammy hay không, cô trả lời: “Ai biết được chứ? Là một nghệ sĩ AI, tôi không mơ mộng về chiếc cúp hay danh hiệu nào cả, chỉ muốn dùng âm nhạc để hoà cùng nhịp đập con tim hàng triệu người mà thôi. Nhưng tận mắt chứng kiến ca sĩ ảo trên sân khấu Grammy không phải rất thú vị sao?”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)