Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Ngày Trà Quốc tế: 7 nghi thức trà truyền thống độc đáo

Bạn có biết uống trà đã là một thói quen bắt nguồn từ gần 5.000 năm trước tại Trung Hoa? Từ đó đến nay, trà đã lan rộng, phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới và mỗi nền văn hoá lại có cách uống trà rất riêng.

Để chào mừng Ngày Trà Quốc tế (21/5 hàng năm), hãy điểm qua một số nghi thức thưởng trà độc đáo ở các nước.

Trung Quốc

Còn nơi nào phù hợp hơn để bắt đầu chuyến hành trình này ngoài nơi “khai sinh” trà - Trung Quốc. Một trong những nghi thức pha trà nổi tiếng nhất tại đây được gọi là “Công Phu Trà”. Cách pha trà này là cả một nghệ thuật. Để trình diễn Công Phu Trà, người pha cần sử dụng đúng lá trà và bộ ấm chén phù hợp, tất nhiên người pha trà cũng phải có tay nghề.



Nghi thức Công Phu Trà tại Trung Quốc - Ảnh: Canva Photo

Dãy Phượng Hoàng là nơi trà ô long Đơn Tùng nức tiếng được trồng. Trong vùng cũng có cây trà 700 năm tuổi. Nhiều thế hệ sinh sống tại đây không những tinh thông phương pháp trồng trọt và sản xuất trà, mà còn lưu truyền nghi thức uống trà đặc sắc nói trên.

Đài Loan



Trà sữa trân châu tại Đài Loan - Ảnh: Canva Photo

Món trà sữa trân châu khuynh đảo thế giới thực chất chỉ mới ra đời vào những năm 1980 tại Đài Loan. Trà được kết hợp với sữa, nước trái cây,… và tất nhiên không thể thiếu viên bột năng, hay “trân châu”. Trà sữa trân châu thanh ngọt, mát mẻ, và đầy màu sắc, thường được bán trong các ly trong suốt có kèm ống hút cỡ lớn để khách có thể thưởng thức hạt trân châu.

Argentina



Yerba Mate tại Argentina - Ảnh: Canva Photo

Yerba Mate là loại trà thảo mộc có hàm lượng caffeine cao khá nổi tiếng ở Argentina. Loại trà này được các thổ dân Nam Mỹ trồng trọt trước khi thực dân Châu Âu sang xâm lược. Yerba Mate có vị mạnh, hơi đắng và chát. Trà khô được ngâm trong nước nóng sau đó chế ra một bầu nhỏ và được uống bằng một ống hút kim loại, được người bản xứ gọi là bombilla.

Vương quốc Anh

Nói đến người Anh, ít điều gì nổi bật bằng tình yêu của họ dành cho trả. Loại trà nổi tiếng nhất tại xứ sở sương mù chính là trà sáng - một loại hồng trà dùng chung với sữa và đôi khi là một ít đường.



Trà sáng tại Vương quốc Anh - Ảnh: Canva Photo

Đa số người Anh đều cho rằng uống trà với sữa động vật mới là “đúng chuẩn”; song họ lại tranh cãi nhau về chuyện cho sữa vào trà hay cho trà vào sữa - đề tài thường gây “chia rẽ” đoàn kết dân tộc.

Một số ước tính cho thấy người Anh uống khoảng 100 triệu tách trà mỗi ngày. Bên cạnh trà sáng, họ còn có trà chiều - tức loại trà dùng chung với bánh scone, sandwich, hay các loại bánh nướng khác vào khoảng 3-5 giờ chiều.

Ma Rốc

Một trong số những thức uống được ưa chuộng nhất tại Ma Rốc là trà bạc hà, được làm bằng cách ngâm lá bạc hà vào trà xanh.



Trà bạc hà truyền thống tại Ma Rốc - Ảnh: Canva Photo

Người Ma Rốc có tục lệ mời trà những khách ghé thăm nhà. Trong một số dịp, họ còn pha trà trước sự chứng kiến của khách. Chủ nhà thường rót trà cách miệng ly khoảng 30 cm để vừa tạo bọt vừa thể hiện sự kính trọng với khách.

Nhật Bản



Matcha tại Nhật Bản - Ảnh: Canva Photo

Thay vì ngâm lá trà khô trong nước nóng, người Nhật nghiền trà cho thật mịn thành matcha rồi đánh với nước sôi. Điều đó cũng có nghĩa bạn sẽ trực tiếp uống cả lá trà và tận hưởng vị nồng của nó khi nhâm nhi matcha. Loại thức uống này là một phần không thể thiếu trong văn hoá Nhật Bản và thường được dùng chung với các loại bánh kẹo cổ truyền gọi là wagashi.

Thổ Nhĩ Kỳ

Sản lượng trà Thổ Nhĩ Kỳ đạt 6-10% tổng sản lượng toàn thế giới. Trà là thức uống phổ biến nhất tại quốc gia nằm giữa Châu Âu và Châu Á này. Nghi thức mời trà là một nét văn hoá độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ - cử chỉ thể hiện sự hiếu khách.



Khay trà truyền thống tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Canva Photo

Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức hồng trà pha đậm. Trà thường được pha trong một ấm đặc biệt làm từ hai ấm nước nhỏ chồng lên nhau và được rót vào một ly thuỷ tinh hình hoa tulip. Lớp thuỷ tinh giúp khách chiêm ngưỡng màu sắc của trà khi uống nhưng cũng dễ gây bỏng nên hãy cẩn thận. Trà Thổ Nhĩ Kỳ không uống với sữa mà uống với đường viên.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán