Trang chủ»Du lịch»Di sản

Di sản

Qatar nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và truyền thống

Từ bảo tồn các loài như chim cắt và lạc đà cho đến chăm sóc rừng ngập mặn, Qatar đang tích cực bảo vệ thiên nhiên và các truyền thống lâu đời của mình.

Những cánh chim cắt bay cao

Hội Chim cắt và Chim săn mồi Quốc tế của Qatar, còn có tên là Marmi, được tổ chức vào những tháng mùa đông và là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Trung Đông. Cuộc thi đấu có tuổi đời nhiều thế kỷ này bắt đầu từ 13 năm trước, thu hút người chơi chim cắt từ nhiều nơi đến tham dự.

Chủ tịch của Hiệp hội Al Gannas - đơn vị tổ chức sự kiện - cho biết: “Từ 2008, chúng tôi bắt đầu cung cấp dịch vụ cho người nuôi chim cắt tại Qatar. Quan trọng nhất trong số đó là dự án bản đồ gen chim cắt. Chúng tôi cũng triển khai chiến dịch thả chim cắt về tự nhiên. Có thể xem nuôi chim cắt là một phần di sản phi vật thể của người Qatar.”

Sự kiện là một cuộc tranh tài giữa tốc độ, tính thẩm mỹ, và kỹ năng, với phần thưởng bằng hiện kim kèm một phương tiện di chuyển trên sa mạc. Một trong những mục tiêu chính của cuộc thi là giữ được truyền thống đẹp, đặc biệt là cho thế hệ trẻ tuổi; chẳng hạn như cho Thani Mohammed Al Kubaisi - cậu bé 10 tuổi chiến thắng hạng mục tài năng nhí, mang về 5.000 euro.



Nuôi chim cắt là một phần trong văn hoá Qatar - Ảnh: S. Gaffoor

Sự kiện cũng xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa chủ và chim. Người chơi đảm bảo chiến điểu của mình khoẻ mạnh, đủ sức thi đấu, cũng như đưa chim đi đến viện Souq Waqif để săn sóc, chụp X-quang hay tỉa lông mỗi khi rảnh rỗi.

Cuộc thi siêu mẫu… lạc đà



Cưỡi lạc đà là một phần thiết yếu trong văn hoá Qatar - Ảnh: www.iloveqatar.net

Mối quan hệ khắng khít giữa người Qatar và lạc đà đã có từ thời họ còn là những bộ lạc du mục. Tự ngàn xưa, lạc đà không chỉ là phương tiện vận chuyển vượt sa mạc mà còn là biểu trưng cho sự giàu sang phú quý. Chúng được chăm bẵm, được che chắn khỏi nắng, được cho ăn lúa mì, mật ong, chà là, và cho uống sữa,… tất cả chỉ để tham gia cuộc thi… “siêu mẫu”. Các “thí sinh” lạc đà trong cuộc thi sẽ được đánh giá dựa vào lớp lông, độ dài và bề ngang cổ, tỷ lệ đầu thân, vị trí các bướu, hình dáng môi và thậm chí là lông mi.

Giá trị phần thưởng có thể lên đến 350.000 euro. Tuy nhiên, mục tiêu chính của cuộc thi vẫn là giữ được truyền thống của người dân vùng sa mạc. Mohammed Ali Salaan Almarri, trưởng ban truyền thông Hội Lạc đà Qatar, giải thích: “Cuộc thi thu hút giới trẻ quan tâm hơn đến những nét văn hoá cổ xưa, sâu sắc của quê hương đất tổ.”

Lạc đà không chỉ được tham gia cuộc thi sắc đẹp mà còn có thể chạy đua. Tại Hội Đua Lạc đà, các chú lạc đà được gắn robot trên lưng và chạy đua với nhau. Chủ của chúng ngồi trong ô tô chạy song song đường đua, điều khiển lạc đà thông qua robot. Con lạc đà về đích đầu tiên sẽ giúp chủ mình nhận được chức vô địch. Đây là ngành giải trí trị giá cả triệu euro nhưng quan trọng nhất là khán giả sẽ được chứng kiến một cuộc đua mãn nhãn.

Bảo tồn rừng ngập mặn



Tiến sĩ Saif al-Hajari (phải) là một trong những nhà hoạt động vì môi trường tại Qatar - Ảnh: Euronews

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Qatar là bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên, hướng đến tương lai phát triển bền vững. Quốc gia này có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên với đa dạng các loài cây cối, chim muông,….

Một trong những gương mặt quan trọng nhất của phong trào bảo tồn là tiến sĩ Saif al-Hajari, nhà bảo tồn thiên nhiên, nhà sáng lập và giữ ghế chủ tịch Trung tâm Friends of Environment (tạm dịch: Những người bạn của Thiên nhiên). Ông tổ chức những buổi hội thảo đặc biệt dành cho trẻ em, hy vọng thế hệ mai sau sẽ gắng sức bảo vệ môi trường mình đang sinh sống.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán