Trang chủ»Du lịch

Du lịch

Nepal tìm lại những bảo vật bị thất lạc

Các nhà hoạt động vì di sản tại Nepal đang cố gắng tìm lại những bảo vật bị lấy đi từ nước này trong nhiều thập kỷ qua.



Chuyên gia di sản văn hoá Rabindra Puri chụp ảnh trong cuộc phỏng vấn với AFP tại nhà của ông, ở Bhaktapur gần Kathmandu - Ảnh: Prakash Mathema/AFP

Khi Sweta Gyanu Baniya, giáo sư Trường Virginia Tech, nhìn thấy vòng cổ Nepal thế kỷ 17 được trưng bày tại Viện Mỹ thuật Chicago, cô bật khóc và cúi người cầu nguyện.

Video được cô chia sẻ trên mạng xã hội đã thúc đẩy các nhà hoạt động vì di sản trên mạng tiến hành nỗ lực giành lại bảo vật trên, cũng như nhiều bảo vật khác bị đánh cắp từ Nepal hàng thập kỷ qua.

Baniya cho biết cảm giác của cô khi đến bảo tàng tại Chicago là “quá xúc động”: “Tôi bật khóc trước bảo vật này. Tôi bất giác cúi lạy như thể mình đang ở đền chùa. Trong đầu tôi nảy lên rất nhiều câu hỏi như làm thế nào mà nó có thể xuất hiện tại đây?”

Trên cổ vật vẫn còn nhiều điểm màu chu sa đặc trưng trong văn hoá Hindu giáo và video của Baniya tạo động lực cho chính quyền Nepal liên lạc với viện bảo tàng yêu cầu giao trả chiếc vòng quý giá.

Được biết trong số các cổ vật được trưng bày ở các bảo tàng văn hoá lớn, chỉ một số ít được hồi hương. Các động thái cứng rắn hơn nhằm đốc thúc việc hoàn trả cổ vật ngày một tăng.

Được biết khoảng năm 1650, nhà vua lúc bấy giờ hiến dâng chiếc vòng cổ đồng mạ vàng có đính ngọc này lên Taleju Bhawani, nữ thần bảo hộ Vương triều Malla lúc bấy giờ. Ngôi đền thờ nữ thần tại Kathmandu chỉ mở cửa mỗi năm một lần. Các nhà chức trách sau đó cất giữ bảo vật vào những năm 1970 - thời điểm nó bị thất lạc.

Hiện vẫn chưa có hồi đáp nào từ Viện Mỹ thuật Chicago. Theo thông tin trên trang web của Viện, chiếc vòng cổ này là do Viện nhận từ tổ chức tư nhân Alsdorf Foundation, và được tổ chức ấy mua lại từ một tay buôn đồ cổ ở California năm 1976.



Nhà sư của Đền Taleju, Udhav Kamacharya, trong cuộc phỏng vấn với AFP tại Kathmandu - Ảnh: Prakash Mathema/AFP

Nhà sư Udhav Kamacharya đã phụng sự tại ngôi đền ở Kathmandu hơn 26 năm qua nhưng lần đầu tiên ông được chiêm ngưỡng bảo vật này là qua video của Baniya. Ông cho biết: “Tôi cảm thấy nữ thần vẫn còn hiện diện nơi đây. Ta thường nói thần thánh không có thật nhưng tôi không nghĩ như vậy. Nhờ các vị mà ta mới có thể tìm lại chiếc vòng cổ ngay cả ở nơi đất khách quê người.”

Nepal là một quốc gia vô cùng sùng đạo. Các đền thờ Hindu và Phật giáo, cũng như các di tích vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, các di sản của đất nước như tranh vẽ, cửa sổ và thậm chí các cổng trang trí dần bị bán sang các thị trường nghệ thuật Âu Mỹ hay các khu vực khác sau khi nước này mở cửa vào những năm 1950.

Rabindra Puri, chuyên gia di sản văn hoá đấu tranh đòi lại các di sản Nepal bị mất cắp, nói: “Những bảo vật ấy không chỉ là nghệ thuật mà còn là thần thánh mà chúng tôi tôn thờ.” Ông cũng tập hợp những bảo vật như vậy cho một bảo tàng dự định sẽ mở trong tương lai.

Vào tháng 6 năm nay, vì áp lực từ chính quyền Nepal cùng các nhà hoạt động mà một nhánh tại Paris của nhà đấu giá Bonhams bị buộc phải huỷ phiên bán 5 bức tượng đồng điếu bị mất cắp vào những năm 1970. Nhóm phát hiện ra các cổ vật trên mang tên Lost Art of Nepal, một trang Facebook chuyên đăng tải về các cổ vật lịch sử và tôn giáo tìm thấy ở các buổi đấu giá hay ở bảo tàng Châu Âu và Mỹ.

Người điều hành giấu tên của trang này cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều ngôi đền chùa và nhiều bệ thờ trống không, nhiều móng cổng trơ trọi khắp thung lũng Kathmandu. Để tìm hiểu rõ ngọn ngành, tôi đã phải thu thập những bức hình cũ từ… mọi nguồn có thể. Mức độ mất mát di sản của đất nước tôi lớn hơn nhiều so với những gì được công chúng biết đến.”



Chuyên gia di sản văn hoá Rabindra Puri tại nhà riêng của mình ở Bhaktapur gần Kathmandu - Ảnh: Prakash Mathema/AFP

Các bức tượng lưỡng tính

Các nhà hoạt động muốn dư luận quan tâm hơn đến việc di sản bị đánh cắp - một não trạng hiện tại vẫn diễn ra, nhất là tại những ngôi đền chùa ở các khu vực vắng vẻ - tương tự như cách dư luận chú ý đến vấn đề kim cương máu hay săn ngà voi. Trước phong trào đòi lại cổ vật ngày một mạnh mẽ - nổi bật là vụ Tượng Elgin của Hy Lạp và các món đồ Benin bằng đồng điếu của Nigeria, số lượng các cổ vật được “hồi hương” Nepal cũng tăng nhẹ.

Tính riêng năm 2021, 6 cổ vật đã được hoàn trả và chính quyền hiện đang làm việc với Pháp, Mỹ, và Anh để yêu cầu giao lại nhiều cổ vật hơn. Vào tháng 3 năm nay, Bảo tàng Nghệ thuật Dallas và FBI phải giao lại bức tượng thần lưỡng tính Laxmi-Narayan 600-900 năm tuổi bị đánh cắp năm 1984. Vào tháng 11 năm nay, bức tượng được đặt lại đúng vị trí cũ.



Nepal có nền tôn giáo sâu sắc và các ngôi đền Ấn Độ giáo và Phật giáo cũng như các di sản của nó vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân - Ảnh: Prakash Mathema/AFP

Bảo tàng trên đã lưu giữ bức tượng hơn 30 năm và chỉ bị điều tra khi Erin L. Thompson, một giáo sư chuyên nghiên cứu vấn đề tội phạm trong nghệ thuật, chất vấn nguồn gốc của nó. Giáo sư cho biết: “Bức tượng này được rất nhiều người thờ phụng trước khi bị đánh cắp.”

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại New York vừa trao lại bức tượng đá tạc nữ thần Shiva vào tháng 9 vừa qua - cổ vật thứ ba được bảo tàng này trao trả cho Nepal kể từ năm 2018.

Tại Bhatapur, người dân vẫn đến khấn vái trước tượng Laxmi-Narayan khác được trưng cẩn thận sau một cổng sắt khoá chặt. Tiếc thay đó chỉ là bản sao. Bản thật, tạc từ thế kỷ 15, đã bị mất cắp vào những năm 1980. Badri Tuwal (70 tuổi) vẫn còn nhớ cảnh người dân than khóc vào ngày bức tượng bị mất: “Chúng tôi không biết giờ bức tượng ở nơi đâu nhưng hy vọng một ngày nào đó, chúng tôi có thể mừng nó hồi hương.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán