Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Vận động thể chất giúp nâng cao sức khoẻ và sức học của học sinh cấp hai

Nghiên cứu mới đây của Đại học Eastern Finland, Phần Lan, cho thấy các bạn trẻ vị thành niên tham gia các hoạt động thể chất ngoài giờ học có kết quả học tập khả quan hơn các bạn thụ động cùng trang lứa.



Ảnh: sportsengine.com

Hoạt động thể chất thường xuyên vào lúc rảnh rỗi, dù với cường độ trung bình, vẫn có liên quan với khả năng giảm nguy cơ kiệt sức trong học tập, theo kết quả nghiên cứu công bố trên “European Journal of Public Health”. Nghiên cứu có sự hỗ trợ của Viện Sức khoẻ và Phúc lợi Xã hội Phần Lan và Dự án nghiên cứu quốc gia thúc đẩy Sức khoẻ Học đường.

Mối quan hệ giữa hoạt động thể chất với học lực khá phức tạp. Song, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra những nội dung học tập yêu cầu vận động, như tiết thể dục chẳng hạn, có thể nâng cao kết quả học tập - đặc biệt là với môn toán. Ít có nghiên cứu nào tìm hiểu về mối liên hệ giữa việc vận động trên đường đến trường và kết quả học tập. Hầu hết những cứ liệu trước giờ đều tập trung vào sinh viên đại học.

Nghiên cứu được công bố gần đây tiến hành khảo sát 34.000 bạn trẻ vị thành niên và nhận thấy các bạn tích cực vận động trên đường đến trường (như đi bộ, đạp xe,… để đi học chẳng hạn) thường được nhận định có học lực và kỹ năng cao hơn. Tương quan thuận càng rõ rệt ở những bạn vận động cường độ vừa và mạnh trong thời gian rãnh rỗi. Tương tự các nghiên cứu trước, quan hệ giữa việc tích cực vận động thể chất và kỹ năng toán học khá nổi bật.

Juuso Jussila, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Eastern Finland làm việc cho dự án Climate Nudge do Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược tại Học viện Phần Lan tài trợ, là tác giả chính của bài báo. Ông nhận định: “Kết quả khảo sát vận động trên đường đến trường rất đáng chú ý bởi các nhà nghiên cứu ngày càng muốn biết đi bộ hay đạp xe… có ích lợi gì cho sức khoẻ không. Việc tích cực vận động trước giờ học giúp gia tăng mức độ tập trung chú ý, giải thích cho những gì quan sát được. Tuy nhiên, vì nghiên cứu của chúng tôi thuộc dạng cắt ngang nên không thể đi đến kết luận nào về quan hệ nhân quả.”

Jussila bổ sung: “Trong khi đó, mối liên hệ thuận chiều giữa vận động thân thể lúc rỗi với nhận định tích cực hơn về học lực không quá ngạc nhiên nhờ các nghiên cứu theo thời gian và nghiên cứu can thiệp trước đây. Mặc dù chúng tôi vẫn chưa rõ cơ chế nào tạo lên quan hệ này, rất có thể kỹ năng phối hợp và kỹ năng tri giác - vận động cần thiết trong các loại hình thể thao, như các trò chơi đồng đội chẳng hạn, có thể giải đáp phần nào khúc mắc. Vận động trong thời gian rảnh cũng thường có cường độ mạnh hơn là vận động trên đường đến trường, vì vậy tăng cường hệ thống tuần hoàn hướng hệ thần kinh, qua đó cải thiện khả năng hoạt động của não bộ.”

Hoạt động thân thể trong lúc rảnh cũng tương quan nghịch chiều với hiện tượng kiệt sức trong học tập. Chỉ cần vận động vừa hoặc mạnh trong vòng 30 phút mỗi tuần, khả năng kiệt sức cũng giảm xuống 24%. Các bạn trẻ tích cực vận động trong vòng 4-6 tiếng mỗi tuần ít khả năng kiệt sức trong học tập hơn 46% so với các bạn lười vận động cùng trang lứa. Cả hoạt động thể chất trên đường đến trường lẫn trong thời gian rảnh đều có liên hệ thuận chiều với cảm giác hứng thú tại trường lớp.

Jussila kết luận: “Theo tôi được biết, đây là nghiên cứu diện rộng đầu tiên tìm hiểu mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và kiệt sức trong học tập ở lứa tuổi vị thành niên. Những hoạt động này có thể là phương pháp tạm “ngắt kết nối” với việc học tại trường, giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Nếu có thể thúc đẩy vận động vào thời gian rảnh, cả sức học lẫn sức khỏe của các bạn trẻ sẽ cải thiện đáng kể.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán