Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Đầu tư nông nghiệp châu Phi

Những tiến bộ trong công nghệ là chìa khóa tương lai của nền nông nghiệp khi dân số ngày càng tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự khan hiếm nước và nhiều mối quan ngại về môi trường. Vì vậy, công nghệ tiên tiến ngày càng trở nên quan trọng khi áp lực từ hệ thống thực phẩm, dân số toàn cầu đang tăng nhanh và khí hậu thay đổi.

Ngành nông nghiệp được xem là một trong những ngành quan trọng nhất của châu Phi và dự kiến sẽ trở thành một ngành công nghiệp trị giá 1 tỷ USD ở tiểu vùng Sahara châu Phi vào năm 2030. Các doanh nghiệp nông nghiệp châu Phi cho rằng vẫn còn một chặng đường dài để đạt được sự hỗ trợ tốt hơn từ chính phủ như các ưu đãi về thuế phù hợp để đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế.



Theo PricewaterhouseCoopers (PwC) thì nông nghiệp đóng góp 24,18% GDP của Nigeria trong quý IV năm 2015. Sự cơ giới hóa nông nghiệp và các hoạt động khác trong chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp đang được chính phủ thúc đẩy như một động lực giảm nghèo. Các thách thức trong ngành nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết như cơ sở hạ tầng, tiếp cận tín dụng, đào tạo và giáo dục nông dân trong kỹ thuật canh tác hiện đại. Biến đổi khí hậu toàn cầu nhiều bất ổn tác động đến an ninh lương thực. Hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp đều cho rằng biến đổi khí hậu sẽ có tác động đáng kể đến nông nghiệp trong tương lai, 41,2% cho rằng sẽ có tác động trong ngắn hạn và 35,3% cho rằng sẽ có tác động trong 20 năm. Ngoài ra, 35,3% các doanh nghiệp nông nghiệp đang xem xét đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong khi 29,4% đã thực hiện điều đó. Áp lực gia tăng đối với khả năng sinh lời của nông nghiệp và các hoạt động kinh doanh nông nghiệp buộc ngành nông nghiệp phải sớm chấp nhận các công nghệ mới để có thể cải thiện năng suất và lợi nhuận của ngành. Nuôi trồng thông minh nhân tạo (AI) sẽ là yếu tố chính giúp nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Điều này đi kèm với nông nghiệp công nghệ cao, 76,5% cho rằng nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần quan trọng và tăng công suất ở châu Phi trong 10 năm tới, khoảng 47% doanh nghiệp đã đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất giống cho sản xuất sơ cấp do chi phí thực hiện hạn chế.



Ở Trung Phi, khoảng 80% diện tích canh tác được làm bằng tay trong khi ở Đông và Nam Phi, con số này khoảng 50%.

Chất lượng và an toàn thực phẩm là một trong những trụ cột của an ninh lương thực. Các doanh nghiệp nông nghiệp của châu Phi đóng góp phần lớn vào đầu tư xã hội (corporate social investment - CSI) trong 3 lĩnh vực chính là y tế, giáo dục và nâng cao tay nghề. Sự đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò trong việc đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh ở châu Phi. Những nhà kinh doanh nông nghiệp nắm lấy cơ hội, tạo ra các cơ hội mới thông qua công nghệ và hy vọng đạt được các mục tiêu chiến lược nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nông nghiệp là cốt lõi của một doanh nghiệp tư nhân, và là một trong những cách tốt nhất để tạo việc làm cũng như tăng trưởng toàn diện khi các chính sách và sự đầu tư phù hợp cho phép khu vực tư nhân phát triển.

Tháng 8 năm 2016, các tập đoàn đầu tư châu Âu gồm Rabobank, Norfund của Na Uy, và FMO hợp tác thông qua một số nhà cung cấp dịch vụ tài chính ở tiểu vùng Sahara châu Phi đầu tư vào nông nghiệp tại đây. Với sự hiện diện tại hơn 20 quốc gia châu Phi, tài sản trị giá 660 triệu USD và bắt đầu hoạt động từ tháng 1 năm 2017, một tổ chức đầu tư vào nông nghiệp đã phân bổ các khoản đầu tư mới để tăng cường, phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and medium enterprises - SMEs) ở khu vực nông thôn và những người trước đây không tiếp cận được dịch vụ tài chính với mục đích cuối cùng là sự tăng trưởng trị giá 1 tỷ USD. Sự hỗ trợ của việc mở rộng khu vực kinh doanh nông nghiệp đòi hỏi không chỉ đầu tư vào tài sản nông nghiệp mà còn trong hiệu quả sản xuất. Theo một cuộc khảo sát về thương mại nông nghiệp châu Phi năm 2016 của PwC thì châu Phi có vai trò quan trọng trong việc tăng sản lượng nông nghiệp toàn cầu. Các nước châu Phi đang tạo thêm nhiều nguồn lực để nâng cao sản lượng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp thông qua việc thúc đẩy các công nghệ nông nghiệp, phát triển các hệ thống thủy lợi, cơ sở lưu trữ, mạng lưới giao thông và các chương trình đào tạo, nâng cao ý thức cộng đồng đối với vấn đề mất an ninh lương thực toàn cầu và tăng cường tính liên đới trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo, suy dinh dưỡng.



Khoa học đã được ứng dụng vào nông nghiệp ở châu Phi

Ngành nông nghiệp châu Phi sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong thập kỷ tới nhưng chỉ khi đa dạng hóa và tiếp tục đầu tư vào các yếu tố kích thích sự tăng trưởng như những thách thức về cơ cấu tài chính và cơ sở hạ tầng. Châu Phi được coi là trung tâm của sản xuất nông nghiệp vì có đất canh tác. Tuy nhiên để khai thác tiềm năng, khu vực này phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáng chú ý nhất là cơ sở hạ tầng lưu thông và cơ sở hạ tầng liên quan. Nông nghiệp sẽ phát triển từ nông dân tự cung thành nông dân thương mại với sự trợ giúp, mở rộng mạng lưới đường bộ, điện và thị trường. Ở Trung Phi ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp là những ngành có tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Nông nghiệp là ngành chiếm ưu thế ở châu Phi, mặc dù đã giảm từ 56% xuống còn 46% kể từ những năm 1980 nhưng sản lượng đã thay đổi, giá trị đã tăng lên. Sự cải thiện sản lượng nông nghiệp là do sử dụng tốt hơn đất canh tác và cải thiện năng suất.

Tuy nhiên, thiếu vốn để sản xuất là thách thức không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giống mà còn về số lượng và chất lượng phân bón được áp dụng cho mỗi héc-ta đất trồng. Những thay đổi về thành phần nông nghiệp cũng được phản ánh trong mô hình xuất khẩu, sự xuất hiện của các mặt hàng hoàn toàn mới. Như năm 2003, xuất khẩu hoa cắt cành và rau tươi thực tế không có trên thị trường nhưng năm 2012 nó được coi là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu. Điều kiện khí hậu và đất canh tác chất lượng cao sẵn có thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp với các sản phẩm như bông, cà phê, thuốc lá, ngô, chuối và sắn… Sự gia tăng dân số thế giới và các thị trường mới nổi sẽ tạo ra nhu cầu lớn về lương thực. Các doanh nghiệp thương mại là yếu tố chính cho nông nghiệp của khu vực tư nhân đảm bảo được hỗ trợ tốt. Cần tập trung vào các hoạt động của chuỗi giá trị, trong đó cơ sở hạ tầng, bao gồm đường bộ, đường sắt và cơ sở lưu trữ, các cơ quan tài chính được thiết lập sẽ đạt được sự cần thiết để ký các thỏa thuận tài trợ với các nhà sản xuất chính, được các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hỗ trợ. Khai thác khoáng sản ở châu Phi đang tăng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển tương ứng, theo đó các trung tâm nông nghiệp được đưa vào kế hoạch phát triển khai thác mỏ. Điều này không chỉ tạo ra sự ổn định mà nền nông nghiệp thương mại có thể được nhân rộng thông qua các kế hoạch phát triển, hỗ trợ nhau và là một công cụ phát triển lý tưởng. Khai thác mỏ và nông nghiệp có liên quan chặt chẽ với nhau, nông nghiệp nhận được phân bón từ khai thác mỏ và khai thác mỏ nhận lương thực từ nông nghiệp.

Sử dụng công nghệ cho an ninh lương thực và phát triển bền vững là cách để đảm bảo rằng thực phẩm được sản xuất an toàn cho người tiêu dùng. Tiếp tục sử dụng công nghệ hiện đại, như giống cây trồng có thể làm tăng sản xuất nông nghiệp mà không sử dụng bất kỳ cây trồng biến đổi gen nào. Khuyến khích các tổ chức tư nhân làm việc cùng với các công ty đa quốc gia, đổi mới cách nhìn nhận về nông nghiệp, nhập khẩu thiết bị, giống cây trồng, áp dụng khoa học hiện đại… thích nghi phù hợp với thị trường nông nghiệp và điều kiện của châu Phi. Với 70% người châu Phi phụ thuộc vào nông nghiệp là kế sinh nhai, nông nghiệp là ngành tăng trưởng đảm bảo về an ninh lương thực của châu Phi và đóng góp vào thương mại toàn cầu. Chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức tư nhân đều nhìn nhận tầm quan trọng và tiềm năng của nông nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững. Tiếp tục đầu tư vào các hộ nông dân nhỏ có thể cải thiện cuộc sống và trải nghiệm những tác động trực tiếp của sự tăng trưởng này. Những khoản đầu tư này có tác động sâu sắc nhất nếu hướng tới công nghệ. Nhưng khi đề cập đến việc áp dụng công nghệ cho các hoạt động trồng trọt, thu hoạch và lưu trữ, nhiều nông dân vẫn tiếp cận các phương pháp truyền thống được truyền qua các thế hệ, đó là một sự nhận thức đơn giản để ngăn ngừa sự thay đổi.

Khoảng 870 triệu người trên thế giới vẫn còn đói và 98% trong số đó sống ở các nước đang phát triển. Dân số thế giới dự kiến sẽ vượt quá 9 tỷ người vào năm 2050, đòi hỏi sản xuất lương thực toàn cầu tăng ít nhất 60%. Dưới sự hậu thuẫn của Feed The Future, sáng kiến an ninh lương thực toàn cầu của Hoa Kỳ - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (US Agency for International Development - USAID) đã lập ra chương trình Feed the Feed để phát triển các giải pháp nông nghiệp nhằm chấm dứt đói nghèo. Theo bà Brenna McKay - Giám đốc Feed the Future, chương trình sẽ cung cấp khoảng 50 triệu USD cho các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức vào năm 2017. Chương trình này đặc biệt tìm kiếm các công nghệ đã được chứng minh có thể thương mại hóa vào các thị trường mới với mục đích giúp nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là phụ nữ - chiếm 43% lao động nông nghiệp ở các nước đang phát triển - tăng hiệu quả và lợi nhuận một cách bền vững. Nông nghiệp là cơ hội lớn nhất của châu Phi để thúc đẩy sự tăng trưởng toàn diện và là ngành duy nhất có tiềm năng đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Muốn có được kết quả này đòi hỏi các chuỗi giá trị nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ hơn, thúc đẩy công nghệ, chế biến, sản xuất và công nghiệp chuyển đổi nguyên liệu sang các sản phẩm bán thành phẩm và hoàn thiện, cuối cùng đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. 



Cuộc họp về đầu tư nông nghiệp vào châu Phi của Ủy ban châu Âu

Năm 2015, Quỹ Tony Elumelu đã đưa ra chương trình cải thiện hệ sinh thái toàn diện nhất ở châu Phi với cam kết về tài chính trị giá 100 triệu USD để tài trợ, đào tạo, hướng dẫn và cung cấp cơ hội kết nối cho 10.000 doanh nhân châu Phi trong thập kỷ tới. Mục tiêu của chương trình là tạo ra việc làm, tăng doanh thu và tăng sự thịnh vượng chung với các yêu cầu cần cải cách.

  • Các chuỗi giá trị phân mảnh là những trở ngại lớn nhất đối với việc thương mại hóa nông nghiệp trên toàn lục địa. Để giảm sự phân mảnh và sự cô lập của các yếu tố khác nhau trong chuỗi giá trị, các bên liên quan, kể cả các cơ quan chính phủ và các tổ chức phát triển, phải kết hợp các nỗ lực bằng cách tham gia và đầu tư qua chuỗi - từ trồng trọt đến thu hoạch, lưu trữ, chế biến, phân phối - trong khi tạo điều kiện cho dòng thông tin tự do, đặc biệt là về giá cả.
  • Đầu tư vào chế biến: Năng lực chế biến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất quan trọng đối với an ninh lương thực. Các chính phủ châu Phi và các đối tác phát triển phải làm việc để tăng cường ngành chế biến bằng cách nhắm mục tiêu cụ thể vào mạng lưới các doanh nghiệp chế biến công nghiệp truyền thống và nguồn cung cấp tại địa phương.
  • Tiếp cận tài chính: Thách thức lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đến nay là kinh phí và tài chính. Cho vay trong ngành nông nghiệp đòi hỏi một cách tiếp cận khác vì mô hình tài trợ truyền thống không hiệu quả đối với loại hình doanh nghiệp này, nhiều ngân hàng châu Phi không chắc chắn về cách cho các doanh nghiệp nông nghiệp vay. Một cách để giải quyết vấn đề này là chính phủ của các quốc gia cần đưa ra các sản phẩm giảm thiểu rủi ro nhằm giảm chi phí vốn cho nông dân nhỏ mở rộng sản xuất.
  • Đào tạo: Trên 20% các doanh nhân mong muốn một số hình thức đào tạo về quản lý hoạt động nông nghiệp và kỹ thuật canh tác. Để xây dựng năng lực cho nông dân nhỏ, chương trình ủng hộ nhiều trường đào tạo nông nghiệp tập trung vào những vấn đề thực tế mà nông dân đang phải đối mặt, các chương trình đào tạo khuyến nông bổ sung cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để nông dân có thể cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. 

Trong vài thập kỷ qua, sự phát triển của thế giới và các cộng đồng từ thiện toàn cầu đã coi ngành nông nghiệp là điểm then chốt thông qua trợ cấp, mục tiêu chủ yếu là nông dân nghèo. Mặc dù sự hỗ trợ này được hoan nghênh và làm thay đổi con đường phát triển của châu Phi, cách tiếp cận này cần thay đổi từ việc xem nông nghiệp là một chương trình an ninh lương thực sang một ngành chiến lược toàn cầu nhằm giảm đói nghèo, tận dụng nông nghiệp như một doanh nghiệp sinh lợi có khả năng khai thác các chức năng về năng lượng, công nghệ, chế biến, sản xuất và phân phối để tăng hiệu quả. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi và cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nigeria, Tiến sĩ Akinwumi Adesina phát biểu: “Chúng ta phải bắt đầu xem nông nghiệp là kinh doanh chứ không phải là từ thiện”.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán