Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Nhật Bản cải cách sau Thế chiến II

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc vào ngày 02/09/1945, Nhật Bản hoang tàn bởi bom đạn, phần đông dân số rơi vào cảnh đói ăn trầm trọng. 30% dân số không có nhà ở, 6 triệu người lính và dân thường từ khắp các vùng chiến sự ở Thái Bình Dương quay trở về Nhật. 66 thành phố chính bị tàn phá nặng nề, cuộc sống ở khu vực nông thôn chỉ còn tương đương 65% so với trước chiến tranh. Tại Tokyo, 65% các khu vực dân cư bị phá hủy hoàn toàn, con số này tại các thành phố Osaka, Nagoya (thành phố lớn thứ 2 và thứ 3 tại Nhật ở thời điểm đó) lên đến 57% và 89%.

Với thành tích nổi bật trong 3 cuộc chiến lớn bao gồm Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, cũng như khả năng cải cách tuyệt vời khi đảm nhiệm chức vụ Thống tướng Quân đội Philippines - Douglas MacArthur được chọn làm Tư lệnh Tối cao lực lượng đồng minh tại Nhật Bản. Ông chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cải tổ và xây dựng lại nước Nhật sau chiến tranh. Ngay từ ban đầu, bất chấp sự phản đối từ đại diện các nước đồng minh, Douglas MacArthur từ chối trừng phạt Nhật hoàng Hirohito. Ông nghiên cứu lịch sử của những người thắng cuộc trước đó bao gồm Alexander, Napoleon, Hitler và đi đến kết luận rằng tất cả hoạt động chiếm đóng của họ đã thất bại bởi họ lấy máu để trả thù máu. Với kinh nghiệm tiếp quản hoạt động cải tổ đất nước ở Philippines và vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa châu Á, ông đã khéo léo đưa Nhật hoàng vào vị trí hỗ trợ tốt nhất cho tham vọng mang dân chủ đến nước Nhật. Và chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1952, những cải cách mà Douglas MacArthur thực hiện đã mang lại nhiều bước tiến cho nước Nhật. Ảnh hưởng tích cực từ những cải cách đó vẫn tiếp tục diễn ra trong xã hội Nhật hiện đại, ở thời điểm 70 năm sau.

Chính trị

Chủ quyền đất nước thuộc về quốc dân chứ không phải Thiên hoàng. Thiên hoàng là biểu tượng cho sự đoàn kết và văn hóa Nhật, không mang quyền lực chính trị thực tế, chỉ được thực hiện những hoạt động liên quan đến việc nước theo quy định của bản Hiến pháp và không có quyền lực liên quan tới chính phủ. Quốc hội Nhật là cơ quan chính trị có quyền lực cao nhất, thành viên quốc hội là những người được bầu cử tự do. Phụ nữ được hưởng thêm nhiều quyền mới, trong đó có quyền bầu cử, và bình đẳng giới được nâng lên mức cao nhất so với tất cả các bản hiến pháp trước đó. Chính quyền các địa phương được củng cố để tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các sinh hoạt chính trị. Công dân có thêm nhiều quyền dân sự mới, trong đó bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền lực của cảnh sát được giảm bớt và được kiểm soát chặt chẽ. Cuối cùng, giải tán quân đội theo điều 9 của Hiến pháp, Nhật không được phép duy trì quân đội hoặc tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào.



Douglas MacArthur, Tư lệnh Tối cao Tổng lực lượng đồng minh tại Nhật Bản, người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cải tổ và xây dựng lại nước Nhật sau chiến tranh - Ảnh: www.biography.com

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, chính sách đối ngoại của Nhật Bản được bắt đầu với học thuyết Yoshida, theo đó Nhật Bản hoàn toàn dựa vào Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ để phòng thủ đất nước và tập trung phát triển kinh tế.

Đặc trưng của chính sách đối ngoại Nhật Bản giai đoạn thập kỷ 60 là chính sách ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ cho nhu cầu đuổi kịp và vượt các nước phát triển khác. Mục tiêu này đã đạt được vào cuối những năm 60 khi Nhật Bản trở thành cường quốc thứ 2 về kinh tế. Đầu thập kỷ 70, Nhật đóng vai trò quốc tế quan trọng hơn và học thuyết Fukuda ra đời năm 1977 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật, trước hết là đối với khu vực Đông Nam Á. Thập kỷ 80 tiếp tục mang tính chủ động hơn, nhất là dưới thời kỳ Thủ tướng Nakasone. Từ năm 1985, nhờ việc nâng giá đồng yên, Nhật tăng cường ảnh hưởng kinh tế trong khu vực châu Á thông qua mô hình đàn sếu bay với ý đồ trở thành đầu tàu cho sự phát triển kinh tế thế giới. Trong thập kỷ 90 quan hệ với Mỹ được củng cố thông qua việc ký tuyên bố chung về “An ninh Nhật - Mỹ trong thế kỷ 21” vào năm 1996 và đưa ra phương châm phòng thủ mới Nhật - Mỹ vào năm 1997. Bước vào thế kỷ 21, với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh chống khủng bố và tình hình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Nhật Bản tiếp tục chính sách ủng hộ mạnh mẽ Mỹ và tăng cường khả năng tự vệ của mình. Nhật Bản là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Nhờ là đồng minh của Mỹ, Nhật được hưởng rất nhiều ưu đãi, được tiếp cận với các thị trường toàn cầu và thúc đẩy tính cạnh tranh trong thị trường tiêu dùng Mỹ. Mỹ cho phép Nhật Bản trở thành một thành viên sáng lập của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một thành viên ban đầu của Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) và là thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Kinh tế

Trước Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật đã là cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Phần lớn các tập đoàn nổi tiếng của Nhật đã được thành lập và phát triển mạnh mẽ từ trước Chiến tranh thế giới thứ 2. Những cải tổ của người Mỹ giúp mang đến môi trường kinh tế linh hoạt, nhạy bén hơn, người nông dân được vươn lên làm chủ tư liệu sản xuất của mình, những thay đổi được đưa ra theo hướng tạo ra môi trường kinh tế dân chủ hơn. Trước Chiến tranh thế giới, người nông dân không được làm chủ mảnh đất mình canh tác mà phải thuê đất từ địa chủ, họ cũng chỉ được hưởng lợi 50% lợi tức mà họ tạo ra được từ mảnh đất đó. Cuộc cải cách ruộng đất đã lấy đất từ địa chủ và phân phối lại cho nông dân, từ đó người nông dân được sở hữu đất nông nghiệp. Liên minh chiến lược quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế. Năm 1951, Nhật Bản đã ký Hiệp ước San Francisco và các hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ. Trong hiệp ước, Nhật được phép tham gia vào các hiệp định an ninh tập thể và tự bảo vệ. Hiệp ước Tương trợ An ninh năm 1954 bước đầu tham gia viện trợ quân sự đã giúp Nhật Bản vốn, nguyên liệu và các dịch vụ bảo vệ thiết yếu của quốc gia. 

Đồng thời người Mỹ cũng giúp cho những người làm công trong lĩnh vực công nghiệp độc lập hơn bằng cách thay đổi luật pháp để khuyến khích thành lập các nghiệp đoàn. Trước Chiến tranh thế giới, Nhật chỉ có vài nghiệp đoàn nhưng đến năm 1949, hơn một nửa số công nhân đã tham gia nghiệp đoàn. Để dân chủ hóa môi trường kinh tế và khuyến khích cạnh tranh, người Mỹ còn có ý định chia nhỏ các tập đoàn kinh tế lớn nhưng chính sách này không thể được áp dụng bởi nó không phù hợp với mô hình phát triển kinh tế mà Nhật đã theo đuổi trong khoảng thời gian quá dài. Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ vào năm 1968, trải qua tăng trưởng trung bình lên đến 9%/năm từ 1955 đến năm 1973. Kinh tế Nhật Bản hiện nay đứng thứ 3, xếp sau Trung Quốc về GDP trong năm 2010. Sau khi nhậm chức vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã phát động chính sách ủng hộ chi tiêu, kêu gọi cải cách kinh tế và kích thích ngân hàng trung ương.



Đường phố Tokyo

Đời sống xã hội

Người Mỹ muốn người Nhật hiểu hơn về dân chủ nên đã thay đổi cả hệ thống giáo dục và luật pháp áp dụng với gia đình. Chính phủ bị mất quyền quản lý giáo dục và kiểm duyệt sách giáo khoa. Trong gia đình, mọi thành viên đều có quyền tham gia vào việc quản lý gia đình. Douglas MacArthur được coi như “đấng cứu thế” cho bình đẳng giới của phụ nữ Nhật. Nếu như trong quá khứ phụ nữ Nhật từng không được đi học, thì nhờ ông hiến pháp đã được sửa đổi quy định phụ nữ được phép đi học. Ông mở thêm 26 trường đại học dành riêng cho phụ nữ. Trong luật lao động, ông góp phần đưa ra quy định trả lương công bằng cho phụ nữ. Trong luật bất động sản, phụ nữ được đứng tên cùng chồng đối với những tài sản mua sau hôn nhân. Nhờ những thay đổi đó, vị trí của phụ nữ Nhật trong gia đình và xã hội đã được cải thiện đáng kể. Ngày nay, dù bình đẳng giới ở Nhật chưa thể so sánh với một số nước Bắc Âu nhưng đã có bước tiến dài đối với quá khứ và phần đông các nước châu Á. Phụ nữ Nhật đóng góp nhiều cho thị trường lao động, tham gia vào chính trị. Trong gia đình, phụ nữ nắm vai trò quyết định, được hưởng tài sản chung khi ly dị và dù điều kiện tài chính ra sao cũng vẫn được nuôi con chỉ trừ khi người phụ nữ đó từ chối. Một nước Nhật hùng mạnh với vị thế hàng đầu thế giới như hiện nay là nhờ vào rất nhiều yếu tố. Trước tiên, bản thân người Nhật rất sáng tạo, làm việc có kỷ luật. Ngoài ra, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi giúp các doanh nghiệp. Thế nhưng đóng góp của người Mỹ vào việc cải thiện môi trường pháp lý, xã hội, kinh tế của Nhật là không hề nhỏ. Sau này khi người Mỹ và các lãnh đạo đồng minh rời nước Nhật, về cơ bản gần như tất cả các cải cách đưa ra vẫn được giữ nguyên và nó giúp mang đến một nước Nhật với trình độ phát triển cao, môi trường dân chủ, tự do, bình đẳng và cởi mở như hiện tại.

Sung Tích
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán