Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Pfizer - Biểu tượng ngành dược Hoa Kỳ

Những năm 80, các công ty dược phẩm Mỹ luôn xếp sau các công ty dược của châu Âu, đặc biệt là Đức. Nhưng từ thập niên 90 đến nay, các tập đoàn dược phẩm lớn của Mỹ đã nhanh chóng vươn lên và chiếm vị trí chủ đạo trên thị trường dược phẩm thế giới mà điển hình là Pfizer.

Công ty Pfizer được hai anh em Charles Pfizer và Charles Erhart thành lập để sản xuất hóa chất tại Brooklyn, New York vào năm 1849. Đến cuối thế kỷ 19, Pfizer sản xuất một loạt các sản phẩm công nghiệp dược với trụ sở đặt tại New York và Chicago. Năm 1900, Công ty Pfizer Inc thành lập tại New Jersey với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn này là trở thành nhà sản xuất công nghiệp hóa chất. Năm 1928, Alexander Fleming phát minh ra penicillin. Trong thời gian này, cùng với thế mạnh về công nghệ lên men, Pfizer trở thành nhà cung cấp thuốc kháng sinh lớn nhất thế giới.

Pfizer nổi tiếng với nhiều loại thuốc đặc trị như: thuốc giảm cholesterol trong máu Lipitor, thuốc chống “bất lực” dành cho đàn ông Viagra, cũng như các loại thuốc chống ung thư, thuốc được cấp bằng sáng chế vẫn đang được bán khá chạy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ một công ty dược phẩm và hóa chất nhỏ khi mới thành lập, Pfizer đã trở thành công ty dược phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, thế mạnh lớn nhất của Pfizer không phải là phát triển dược phẩm mà là phân phối dược phẩm khi có trong tay lực lượng trình dược viên lớn nhất và các chi nhánh phân phối dược phẩm trên toàn thế giới. Chính sức mạnh định giá và các chiến dịch marketing hiệu quả đã giúp cho Lipitor được bán ra thị trường vào năm 1997 và trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới đem lại doanh số 10 tỉ USD mỗi năm. Pfizer ngày càng tỏa sáng nhờ vào những loại biệt dược thu về hàng tỉ USD mỗi năm.

Chức chủ tịch nghiên cứu và phát triển của Pfizer được trao cho John LaMattina vào năm 2007. John LaMattina quản lý một đội ngũ hơn 13.000 nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu trên khắp nước Mỹ. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý và danh tiếng, như: Tiến sỹ danh dự khoa học của Đại học New Hampshire. LaMattina là tác giả của rất nhiều bài viết nổi tiếng như: Drug Truths: Dispelling the Myths About Pharma R&D, Devalued And Ditrusted: Can The Pharmaceutical Industry Restore Its Broken Image?… Ông hiện là đối tác cấp cao của PureTech Ventures.

Tháng 7/2006, Jeffrey B. Kindler đảm nhiệm chức CEO thay cho Hank McKinnell và đặt ra các mục tiêu lớn là hiện đại hóa công ty và cải thiện năng lực phát triển những loại thuốc mới sinh lợi. Kindler cho rằng thời đại của những thuốc siêu lợi nhuận như Lipitor đã hết. Ông quyết định tinh gọn bộ phận R&D và cho thay 3 người đứng đầu bộ phận R&D. Bộ phận bán hàng của Pfizer được cải tổ và chia thành 5 đơn vị nhỏ và phân quyền mạnh hơn. Nhờ đó, doanh thu ở các thị trường mới nổi tăng đáng kể. Ông cũng đã trực tiếp tham gia vào việc đàm phán thành công mua lại tập đoàn dược phẩm Wyeth với giá trị tới 68 tỷ USD vào tháng 10/2009. Jeffrey B. Kindler đã chèo chống khá thành công Pfizer. Tuy nhiên, trong thời gian ông còn đương nhiệm, Pfizer cũng vướng phải rắc rối lớn với án phạt 2,3 tỷ USD vì bị cáo buộc có hành vi quảng bá sai luật 13 loại thuốc, trong đó có những loại bán chạy như: Viagra, Zoloft, Lipitor, Bextra, Lyrica, Geodon, Zyvox... Ông từ chức sau bốn năm rưỡi lãnh đạo Pfizer.



Ian C. Read - Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images North America

Ian C. Read sau đó là người đảm nhiệm vị trí CEO mới của Pfizer. Năm 1978, Ian C. Read gia nhập đội ngũ của Pfizer và qua nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều chi nhánh của Pfizer ở nước ngoài như: giám đốc phụ trách tài chính (CFO) chi nhánh Pfizer ở Mexico, giám đốc chi nhánh Pfizer ở Brazil, làm việc ở các thị trường châu Âu, Canada, châu Mỹ La-tinh, châu Phi và Trung Đông trước khi trở về Mỹ giữ chức Phó chủ tịch của Pfizer.

Pfizer từng có ý định mua lại hãng dược phẩm khổng lồ AstraZeneca. Nếu thành công, đây sẽ là vụ sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay trong ngành công nghiệp dược kể từ khi Pfizer mua Warner - Lambert với giá 90 tỷ USD năm 2000. AstraZeneca nổi tiếng với các loại thuốc chữa bệnh hen suyễn, tim và thuốc chống ung thư. Nếu sáp nhập thành công sẽ tạo nên một công ty dược phẩm lớn nhất thế giới với doanh thu hàng năm lên tới 75 tỷ USD, cung cấp thuốc điều trị hầu hết các loại bệnh nặng, bao gồm cả ung thư, tiểu đường và bệnh tim. Nhưng ngày 26/05 vừa qua, Pfizer tuyên bố từ bỏ thương vụ thâu tóm đối thủ AstraZeneca của Anh với giá 118 tỷ USD. Quyết định này được đưa ra 2 giờ trước khi hết thời hạn chót mà Pfizer đặt ra cho AstraZeneca. Theo Reuters, vụ việc kéo dài 1 tháng giữa hai công ty dược phẩm lớn nhất thế giới dẫn đến các mối quan ngại về chính trị giữa hai bờ Đại Tây Dương liên quan đến thuế và việc làm. Chủ tịch AstraZeneca Leif Johansson hoan nghênh quyết định của Pfizer qua đó giúp tập đoàn của Anh tập trung vào việc phát triển tiềm năng của mình một cách độc lập.

Pfizer đã thỏa thuận thành công với nhiều trường đại học hàng đầu ở Anh quốc trong hợp tác nghiên cứu tìm kiếm thuốc mới điều trị bệnh hiếm. Sự hợp tác của Pfizer với các nhà khoa học đến từ Đại học Cambridge, Đại học Imperial College London, Đại học King’s College London, Đại học Queen Mary (London), Đại học London và Đại học Oxford được coi là bằng chứng về sự cam kết của Pfizer đối nền khoa học Anh quốc. Mikael Dolsten, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pfizer, cho biết đã diễn ra một cuộc thỏa thuận nêu bật vai trò quan trọng của sự hợp tác giữa ngành công nghiệp và các học viện trong việc thúc đẩy sự phát triển của các loại thuốc mới. Dự án nhằm mục đích tìm kiếm sự kết hợp giữa chuyên môn khoa học của các nhà nghiên cứu trường đại học với thuốc được phát hiện và phát triển trên nền kiến thức của Pfizer liên quan đến bệnh hiếm gặp, vốn ảnh hưởng đến gần 0,1% dân số. Hiện có hơn 6.000 bệnh hiếm đã được phát hiện, ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Khoảng 80% của các rối loạn được cho là có nguồn gốc di truyền.

Pfizer Thái Lan (trực thuộc tập đoàn Pfizer có trụ sở tại New York), đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2004, hiện đang xếp hạng 6 trong số các công ty dược phẩm đa quốc gia tại Việt Nam với 31 sản phẩm dành cho tim mạch, hệ thần kinh trung ương, ung thư, thuốc kháng sinh... Văn phòng Đại diện của Pfizer Thái Lan hiện đang đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Pfizer cam kết hỗ trợ phát triển ngành y tế Việt Nam thông qua việc trao học bổng cho những sinh viên xuất sắc nhất của ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược Tp.HCM. Vào ngày 20/04/2011, trường Đại học Y Dược Tp.HCM đã tổ chức lễ trao học bổng của Quỹ Pfizer Thái Lan cho bốn sinh viên có thành tích xuất sắc đang theo học tại trường với tổng giá trị 4.000 USD. Trước đó, vào tháng 2/2011, hai suất học bổng tương tự cũng đã được trao cho hai sinh viên xuất sắc của trường ĐH Y Hà Nội.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

-----------------------------
Nguồn:
-    policymed.com
-   press.pfizer.com
-    wraltechwire.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán