Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Thương mại Mỹ - Trung Quốc & Kinh tế Châu Á 2019

Hiện nay, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đóng vai trò quan trọng về kinh tế và chính trị của thế giới với 60% dân số và chiếm hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, những gì mà Châu Á đạt được cho thấy khu vực này đang thay đổi. Sự phát triển địa chính trị, kinh tế làm thay đổi mạnh mẽ giữa Ấn Độ - Thái Bình Dương, các quốc gia và nền kinh tế trong khu vực. Những xu hướng chính trị, kinh tế, thương mại gần đây của Hoa Kỳ có tác động lớn đến Châu Á. Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ buộc Châu Á phải vật lộn với một thực tế mới khi Washington sẵn sàng quay lưng lại với hệ thống quốc tế được áp dụng sau Thế chiến II. Trong 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Trump buộc các nhà lãnh đạo Châu Á đã phải điều chỉnh và thực hiện các chính sách bất thường không theo truyền thống của Mỹ từng áp dụng cho khu vực này. Niềm tin của Tổng thống Trump đối với khu vực vẫn còn thấp nên các quốc gia luôn điều chỉnh các chiến lược kinh tế và an ninh để đáp ứng với học thuyết về kinh tế, chính trị của Trump. Sau sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - Jim Mattis, nhiều ý kiến lo ngại về chính sách của Tổng thống Trump có thể làm suy yếu các liên minh và quy tắc truyền thống trong quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cùng các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.



Sau nhiều thập kỷ chuyển sang thương mại tự do và thị trường mở cửa, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang điều chỉnh theo hướng bảo hộ hơn. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đảo ngược các chính sách thương mại của Mỹ với khu vực này, đổ lỗi cho thâm hụt thương mại làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ và gây hại cho các nhà sản xuất của Mỹ. Năm 2018, Tổng thống Trump đã thực hiện tốt các chính sách mà các tổng thống tiền nhiệm khác không làm là áp thuế đối với các đối thủ và đối tác kinh tế. Nhưng đến nay, ông đã thất bại trong việc đưa ra một tầm nhìn thương mại mới cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thay vào đó, chính quyền Trump đã tìm cách tiến hành quan hệ thương mại trên cơ sở song phương và gây áp lực đáng kể với Ấn Độ, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc để tìm cách giảm thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ.

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đã làm thay đổi cách nhìn của Trung Quốc về Mỹ, buộc Bắc Kinh phải đối phó với Tổng thống Mỹ mới - người đã hứa trong chiến dịch bầu cử rằng ông sẽ mạnh tay với Trung Quốc. Mặc dù có nhiều cuộc gặp thượng đỉnh kể từ khi ông Trump nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump vẫn mâu thuẫn sâu sắc về các khía cạnh quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung. Kể từ khi Mỹ mở cửa cho Trung Quốc vào năm 1972, quan điểm phổ biến trong chính sách của Washington là Bắc Kinh có thể được chuyển đổi thành một bên liên quan có trách nhiệm toàn cầu thông qua việc đưa vào các thể chế quốc tế. Hiện nay, các quan chức và nhà lập pháp Hoa Kỳ đang đánh giá lại sự sẵn sàng của Trung Quốc đối với các nghĩa vụ quốc tế về tự do hóa thương mại. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình và các chính sách của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc có thể không trên con đường tự do hóa. Năm 2018 có nhiều sự kiện đáng kể về sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các vấn đề giữa Washington với Bắc Kinh xảy ra nhiều bất đồng. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence phát biểu vào tháng 10 năm ngoái rằng: “Hành vi của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ cần xem xét lại sự đồng thuận lâu dài với Trung Quốc.”



Các quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã đầu tư rất nhiều vào việc tăng cường năng lực quân sự, đặc biệt là khi Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình trong khu vực. Các cường quốc khác đã bắt đầu xem xét cách họ sẽ tự vệ trong một môi trường địa chiến lược mới. Các điểm nóng địa chính trị từ Biển Đông đến biên giới Ấn Độ - Trung Quốc có khả năng bùng nổ xung đột nếu không được quản lý hiệu quả. Nhưng ngay cả khi không có xung đột trong khu vực thì việc chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng ở Châu Á cũng làm gia tăng căng thẳng. Năm 2018, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã chi 450 tỷ USD cho quốc phòng. Trong vòng 10 năm tới, khu vực này dự kiến ​​sẽ vượt qua Bắc Mỹ trở thành khu vực mua vũ khí quân sự lớn nhất thế giới. Đến năm 2035, một nửa số tàu ngầm của thế giới dự kiến ​​sẽ tuần tra vùng biển quanh khu vực này.

Một số nền kinh tế lớn nhất Châu Á có dấu hiệu suy yếu trong năm 2018 đặt ra thách thức đối với các chương trình cải cách của các chính phủ vào năm 2019. Căng thẳng thương mại toàn cầu đã làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, làm giảm triển vọng tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Suy thoái kinh tế Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc chiến thương mại với Washington, có thể làm tổn hại thêm các yếu tố của nền kinh tế khu vực. Các công nghệ mới và đột phá đang nhanh chóng thay đổi cục diện kinh doanh trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các chính phủ trong khu vực tìm cách theo kịp những thay đổi này bằng cách thiết lập các chính sách pháp lý mới nhằm giải quyết các mối quan tâm xung quanh quyền riêng tư, an ninh, thất nghiệp và chủ quyền… Các chính sách mới sẽ tiếp tục được ban hành nhằm đáp ứng tốc độ đổi mới nhanh chóng trong môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh của nền kinh tế kỹ thuật số. Căng thẳng thương mại và chi phí lao động gia tăng, các chuỗi cung ứng hiện tại đã sẵn sàng cho sự thay đổi cơ cấu, mang lại cơ hội và thách thức cho các tập đoàn kinh tế và chính phủ trong khu vực với nhiều thuận lợi và không ít khó khăn. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã buộc các công ty từ cả hai nước đánh giá lại hoạt động hiện tại của mình. Đông Nam Á và Ấn Độ dường như được hưởng lợi chính từ sự thay đổi thị trường, đặc biệt là với mức lương thấp hơn so với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Châu Á ngày càng nhận thức được những tác động thực sự của biến đổi khí hậu và các chi phí mà các quốc gia phải chịu khi tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đã gây khó khăn cho việc giảm sự phụ thuộc của khu vực vào các nguồn năng lượng gây ô nhiễm. Ngoài ra, sự không chắc chắn về kinh tế đang đe dọa các kế hoạch đầy tham vọng nhằm ngăn chặn khí thải. Châu Á vừa là nhà tiêu thụ than lớn nhất, vừa là nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo và khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức nhất do biến đổi khí hậu. 



Một đường phố ở Ấn độ

Tăng trưởng ở Châu Á được dự báo sẽ giảm xuống còn 5,7% trong năm 2019 và 5,6% vào năm 2020. Nếu loại trừ các nền kinh tế mới công nghiệp hóa có thu nhập cao của Châu Á, tăng trưởng dự kiến ​​sẽ giảm từ 6,4% năm 2018 xuống còn 6,2% trong năm 2019 và 6,1% vào năm 2020. Khi giá dầu tăng và tiền tệ Châu Á mất giá, lạm phát tăng lên trong năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa ổn định, lạm phát được dự đoán sẽ vẫn ở mức 2,5% trong cả năm 2019 và 2020. Một cuộc xung đột thương mại kéo dài hoặc xấu đi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể làm suy yếu đầu tư và tăng trưởng ở Châu Á. Với những bất ổn khác nhau xuất phát từ chính sách tài khóa của Mỹ và Brexit có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế khác trong khu vực. Tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) được dự đoán giảm còn 6,0% trong năm 2019 và 2020 (giảm từ 6,3% trong năm 2018). Kinh tế Trung Quốc còn 6,2% trong năm 2019 và 2020 (giảm từ 6,6% trong năm 2018). Tăng trưởng ở Indonesia và Malaysia được dự báo sẽ không thay đổi trong năm 2019, trong khi tốc độ tăng trưởng ở Thái Lan và Việt Nam dự kiến ​​sẽ thấp hơn năm 2019. Triển vọng tăng trưởng giữa các nền kinh tế nhỏ hơn trong EAP vẫn thuận lợi. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho Lào và Mông Cổ. Tăng trưởng của Campuchia được dự báo sẽ vẫn mạnh mẽ, mặc dù tốc độ chậm hơn so với năm 2018. Chính sách tài khóa mở rộng dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở Myanmar trong ngắn hạn, trong khi các cải cách cơ cấu gần đây dự kiến ​​sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian trung hạn. Tăng trưởng dự kiến ​​sẽ tăng tại Papua New Guinea vào năm 2019 khi nền kinh tế phục hồi sau trận động đất thảm khốc năm 2018.

Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Châu Á có thể sắp kết thúc mặc dù mối đe dọa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn. Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (Asian Development Outlook 2019) ngày 03/4/2019, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 5,9% của năm 2018 xuống còn 5,7% trong năm 2019 và 5,6% vào năm 2020. Theo dự báo của ADB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự tăng trưởng chậm vào năm 2019 chiếm 70% nền kinh tế toàn cầu. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, kinh tế Trung Quốc đang chậm lại với mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2019 và 6,1% năm 2020. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có mức tăng trưởng GDP 1% trong năm 2019 xuống còn 0,5% năm 2020. Khu vực ASEAN - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam ổn định với mức tăng trưởng GDP 5,1% trong năm 2019, tăng lên 5,2% vào năm 2020. Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh 7,3% vào năm 2019 và 7,5% vào năm 2020 (thấp hơn 0,2 % so với dự báo trước đây của IMF). Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm 2019 nhờ vào chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản, cùng với những nỗ lực của Trung Quốc về triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung trong đàm phán thương mại. Các nhà kinh tế nhận thấy có những dấu hiệu cho thấy suy thoái của Châu Á đang chạm đáy. Ngày 17/4/2019, Bắc Kinh tuyên bố GDP đạt 6,4% trong quý 1/2019, nhờ vào sản xuất công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng tăng. Ngân hàng Trung ương Úc dự báo GDP Trung Quốc là 6,4% trong năm 2019 (6,3% năm 2018) từ chính sách kích thích tài chính và tiền tệ của Bắc Kinh. Thị trường tiền tệ và vốn cổ phần của Châu Á dự kiến ​​sẽ tăng mạnh do việc cắt giảm lãi suất cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn khi sự phục hồi kinh tế diễn ra.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán