Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Số lượng các tòa nhà chọc trời mới được xây dựng giảm 20% khi đại dịch được kiểm soát

Theo dữ liệu được công bố bởi Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống Đô thị (CTBUH), số lượng các tòa nhà chọc trời mới được xây dựng trên toàn cầu giảm hơn 20% vào năm 2020.



Ảnh: Rex Zou

Năm 2020, 106 tòa nhà mới có chiều cao từ 200 mét trở lên được xây dựng, giảm so với số lượng 133 tòa nhà được xây vào năm 2019 - và đây là con số thấp nhất kể từ năm 2014.

Theo báo cáo hàng năm, CTBUH cho rằng, các dự án trên khắp thế giới "tạm dừng" do những hạn chế về xây dựng giữa suy thoái do đại dịch Covid-19. Mặc dù nhóm chỉ có thể tìm ra 9 dự án có nguyên nhân trực tiếp là suy thoái do đại dịch, nhưng họ cho rằng "nhiều dự án khác" cũng đã "gặp khó khăn" do hậu quả mà đại dịch mang lại.



Central Park (cao 1.550 feet, ở New York) là tòa nhà mới cao nhất năm 2020 - Ảnh: Lester Ali

Trung Quốc, quốc gia có truyền thống thống trị lĩnh vực xây dựng những tòa cao ốc toàn cầu, cũng đã trải qua một năm tương đối chậm chạp. Tổng số 56 tòa nhà được xây mới với chiều cao hơn 200 mét giảm so với năm 2019, mặc dù con số này cũng đã giảm gần 40% vào năm 2018.

Ngoài tác động của Covid-19, CTBUH đã chỉ ra những thay đổi lớn ở Trung Quốc, cụ thể là nỗ lực giảm nợ và thay đổi thái độ đối với việc xây dựng các tòa nhà cao “khủng khiếp” của nước này. Năm 2016, Quốc vụ viện, nội các của Trung Quốc, đã kêu gọi chấm dứt kiến trúc “quá khổ với ngoại hình kỳ quặc” trước khi chuyển sang cấm các tòa nhà cao hơn 500 mét (1.640 feet) vào tháng 6 năm 2020.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm hơn một nửa trong số các tòa tháp cao hơn 200 mét được xây mới - và một nửa trong số 10 tòa tháp hàng đầu, có một tòa nhà chọc trời cao 339 mét (1.112 feet) ở Vũ Hán, tâm điểm ban đầu của đại dịch vi-rút Corona.



Shum Yip Upperhills Tower 1 ở Thâm Quyến là tòa nhà cao thứ 5 trong năm 2020 - Ảnh: Dave Burk

Dubai và New York vẫn đang vươn lên cao

Quá trình xây dựng chậm lại ở Trung Quốc dẫn đến việc một số quốc gia và thành phố khác có số liệu xây dựng nổi bật hơn trong năm 2020. Dubai đã hoàn thành nhiều tòa nhà chọc trời mới hơn bất kỳ thành phố nào khác vào năm ngoái, với tổng số 12 công trình hoàn thành, lần đầu tiên đánh bật Thâm Quyến khỏi vị trí dẫn đầu kể từ năm 2015.

Thành phố New York là nơi có hai tòa nhà mới cao nhất trong năm: Central Park Tower 472 mét (1.550 feet) và One Vanderbilt 427 mét (1.401 feet). Việc này đánh dấu lần đầu tiên sau 5 năm tòa nhà mới cao nhất thế giới được cạnh tranh bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Ở những nơi khác, Ấn Độ và Mexico đều “chào đón” những tòa nhà cao nhất mới của họ - lần lượt ở Mumbai và Monterrey - vào năm 2020. Và bất chấp những bất ổn kinh tế do Brexit gây ra, London đã hoàn thành 4 tòa nhà cao hơn 200 mét, con số cao nhất ở thủ đô của Vương quốc Anh trong một năm.



Dubai là nơi “chào đón” nhiều tòa nhà cao hơn 200 mét so với bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới vào năm 2020 - Ảnh: Fosters+Partners

Trong tương lai, CTBUH cho biết họ dự kiến việc hoàn thành các tòa cao ốc trên toàn thế giới sẽ hoạt động trở lại vào năm tới, dự đoán sẽ có từ 125 đến 150 tòa nhà cao hơn 200 mét mới trên toàn cầu vào năm 2021. Nhưng báo cáo của nó cũng cho thấy tác động lâu dài của Covid-19 có thể vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Các tòa nhà cao tầng mất nhiều năm để hoàn thành, có nghĩa là việc giảm đầu tư ngay bây giờ có thể ảnh hưởng đến quá trình hoàn thành.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán