Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

Tom Cruise quay lại vai diễn cũ sau 30 năm với “Top Gun: Maverick”

Dù đánh giá Tom Cruise như thế nào, bạn vẫn phải công nhận tài năng của anh. Trong suốt nghiệp diễn 40 năm, với nhiệt huyết khó tin, anh đã vững tâm đương đầu nhiều thử thách: các rào cản từ Covid cho đến một sự nghiệp tưởng chừng đã dừng lại vào buổi xế chiều.

Tuy là một trong những người làm việc hăng hái nhất giới điện ảnh, nhưng qua những lời bàn tán xôn xao về phần hậu truyện bộ phim đã 36 năm tuổi, Cruise dường như sắp đối đầu với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp: che chắn các siêu phẩm điện ảnh khỏi những ông trùm muốn vắt kiệt sức từ các loạt phim nổi tiếng.



Bộ phim bị hoãn chiếu hai lần: một lần do Covid; một lần do Cruise yêu cầu không chiếu phim cho đến khi tất cả các rạp mở cửa trở lại - Ảnh: Paramount

Bộ phim đưa tên tuổi của anh lên vô vàn mặt báo - “Top Gun” năm 1986 - mang đậm dấu ấn thời Reagan: một bộ phim lẻ đóng vai trò quảng cáo cho không quân Mỹ, thu hút người xem với những bản nhạc cực chất do Giorgio Moroder sản xuất, những cảnh tình tứ nóng bỏng, và hình ảnh các chàng trai ngực trần gợi cảm theo đúng phong cách làm video ca nhạc MTV của cố đạo diễn Tony Scott.

Hậu truyện Maverick bắt đầu với bầu không khí ngỡ như lạc vào năm 1986: tràn ngập tiếng synth của Harold Faltermeyer cùng bản “Danger Zone” quen thuộc của Kenny Loggins, cho thấy những thước phim sắp tới sẽ tái hiện lại những pha hành động gay cấn.



Đạo diễn Joseph Kosinki cho biết cả đoàn phim đã bỏ ra tổng cộng 800 giờ quay: “Sau 12-14 tiếng quay mỗi ngày, có khi bạn chỉ chọn được 30 giây đưa vào phim.” - Ảnh: Paramount

Tại Sa mạc Mojave, nhân vật Đội trưởng Pete “Maverick” Mitchell do Cruise thủ vai vẫn phong độ, vẫn còn thích thú với kiểu máy bay dùng trong chương trình gián điệp sắp bị ngừng bay để tập trung cho đội drone mới. Có thể nói Cruise là một diễn viên hoài cổ, mong muốn tự lái máy bay trong chính phim của mình, mặc cho kỹ xảo điện ảnh giờ đã tân tiến hơn mà người đóng thế cũng không thiếu.

Tuy là một phi công với nhiều chiến tích lẫy lừng, Maverick vẫn khiến cấp trên, Đề đốc do Ed Harris thủ vai, khó chịu với những trò làm màu trẻ con của mình. Chứng nghiện tốc độ khiến anh khó có thể thăng hạng. Vị Đề đốc quát: “Tương lai sẽ tới sớm thôi, và cậu sẽ bị tụt lại đằng sau.”

May cho Maverick, và cho cả khán giả chúng ta nữa, anh ấy có được “cơ hội cuối cùng”. Theo lệnh từ đồng nghiệp cũ của anh - Đô đốc Hải quân Iceman (Val Kilmer quay lại vai cũ như một lời tri ân), Maverick già dặn giờ có cơ hội huấn luyện các phi công xuất sắc thuộc đội Top Gun cho một nhiệm vụ cần đến những kỹ năng đặc biệt mà chỉ anh mới có. Nhiệm vụ trong phim không khác vụ đánh bom ngôi sao chết trong bộ phim Star Wars là bao. Đội bay Super Hornet F/A-18, với tài lẩn trốn radar của mình, phải bay thấp với tốc độ cao qua một hẻm núi và phá huỷ mục tiêu cực nhỏ nhằm triệt tiêu nhà máy uranium ở một vị trí không xác định. Phe phản diện, với những chiếc chiến cơ xám, mũ bảo hiểm đen bóng, và huy hiệu tự tạo, có thể là đại diện cho bất cứ thế lực nào, thậm chí là một quốc gia chống Mỹ trong một trò chơi điện tử nào đó.

Tại căn cứ ở San Diego, Maverick nối lại tình cũ với Penny - do ngôi sao những năm 80 Jennifer Connelly thủ vai. Cô nàng bartender này nhắc lại những chuyện thuở nào và trấn an nhân vật chính rằng mọi lỗi lầm của anh rồi sẽ được dung thứ.

Dàn Top Gun hùng hậu bao gồm những ngôi sao Hollywood sáng giá: các vị đô đốc do Jon Hamm và Charles Parnell thủ vai; đội phi công trẻ “háu đá” với những biệt danh như Hangman (Glen Powell), Phoenix (Monica Barbaro) và Payback (Jay Ellis) diễn những đoạn thoại như trong các phim kinh điển của James Cameron. Nhân vật cũng quan trọng không kém là Trung uý Bradley Bradshaw, biệt hiệu “Rooster” (Miles Teller). Là con trai của cố phi công Goose (Anthony Edwards), với diện mạo không khác bố mình là bao, anh vẫn không nguôi ngoai về cái chết của bố - cái chết cũng ám ảnh Maverick suốt bao năm.

Những pha hành động đã mắt và gay cấn đến từng nhịp trong “Top Gun: Maverick” cho thấy bộ phim thành công khi đưa người xem quay trở lại thời siêu phẩm hành động hoành tráng của Hollywood còn làm mưa làm gió, tức những năm 1980, 1990. Những trường đoạn trên không vô cùng mãn nhãn và hoàn toàn không dùng bất cứ kỹ xảo nào, theo đúng yêu cầu của Cruise. Các diễn viên phải tự làm quen với lực G và đôi khi phải tự điều khiển máy quay trong buồng lái. Chính những điểm này đã làm cho mạch phim nhanh đến nghẹt thở, khó có siêu phẩm nào có thể đuổi kịp.

Đạo diễn Joseph Kosinski, nổi tiếng qua tác phẩm đầu tay “Tron: Legacy” và sau đó giúp Tom Cruise hoàn thiện “Oblivion”, luôn tìm được trọng tâm của các đoạn hành động. Các pha không chiến trong “Top Gun: Maverick” chắc chắn sẽ khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình, đắm chìm vào những màn lộn nhào giữa tầng không. Có thể nói “Top Gun: Maverick” là bộ phim dành cho những quý ông trung niên mong mỏi được công nhận là những bậc cha ông thành công. Cruise vừa đóng vai người cha già dặn kinh nghiệm bên Rooster, vừa đóng vai cậu trai trẻ không bao giờ lớn bên Iceman. Khái niệm thời gian như thể sụp đổ khi anh hiện diện.

Ở phần phim mới, những khung cảnh đơn giản nhưng có tố chất của cố đạo diễn Tony Scott đã nhường chỗ cho các trường đoạn nhẹ nhàng hơn - cảnh bóng chuyền bãi biển đầy dục cảm và nhận vô số lời khen chê lẫn lộn ở bản gốc đã được làm dịu đi, giờ như một quảng cáo bảo hiểm nhân thọ. Các bản nhạc do Hans Zimmer chấp bút tuy ấn tượng, chắc tay, nhưng không thể sánh với những đoạn đàn guitar sục sôi của Harold Faltermeyer ở phần phim trước. Tất nhiên, bản nhạc phim do Lady Gaga thể hiện cũng không làm sao với được tới tượng đài “Take My Breath Away”.



Brian Robbins, Tổng giám đốc điều hành của Paramount, tiết lộ: “Chúng tôi hầu như không dùng kỹ xảo hình ảnh nào. Tom đã tự tay huấn luyện các bạn diễn lái các chiến đấu cơ F-18.” - Ảnh: Paramount

Bộ phim khó có thể khơi dậy được các cảm xúc hay các dằn vặt nội tâm cần thiết, phần nội dung mà cốt truyện không thể - mà cũng không muốn - truyền tải quá nhiều. Các cảnh phim còn quá bận rộn với những pha hành động và khơi gợi quá khứ huy hoàng. Bối cảnh chính trị của bộ phim cũng là ảo tượng về một đội quân Hoa Kỳ nằm “chiếu dưới” và phải luôn ra tay nghĩa hiệp, can thiệp vào chuyện chính sự các nước bạn, hoàn toàn xa rời tình hình quan hệ quốc tế hiện tại - như bao bộ phim tô hồng quá khứ khác.

Đầy những pha hành động thót tim là thế, “Top Gun: Maverick” lại khá ngần ngại khai thác bất cứ cảm xúc nào ngoại trừ những hoài niệm. Cũng như những chiếc MiG của Nga trong phần đầu thực chất là những chiến cơ F5 của Mỹ sơn lại màu khác, các nhân vật trong “Top Gun: Maverick” tạo ra ấn tượng hai bên chiến đấu với nhau thực chất chỉ là một - bên già cỗi đấu lại bên trẻ trung; nước Mỹ đấu lại sự thật rằng sức mạnh toàn cầu ngày càng sút giảm. Nhờ vậy mà Cruise đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ siêu phẩm điện ảnh của mình, dù chỉ là ở bộ phim này chứ không phải là tương lai của cả ngành điện ảnh. Nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là một bộ phim đáng xem.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán