Thời trang

Sự ảnh hưởng của phương Tây đối với nền thời trang Nhật Bản

Sự xuất hiện của trang phục phương Tây trong triều đại Minh Trị (1868-1912) đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Kể từ khi bản hiệp ước thương mại Mỹ - Nhật được Phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry ký kết vào năm 1854 có hiệu lực, người Nhật bắt đầu thích nghi dần với phong cách ăn vận của các nước phương Tây. Trước đó, Nhật bản đã trải qua gần 200 năm bị phương Tây và các nước láng giềng cô lập về kinh tế, chính trị và văn hóa. Triều đại Minh Trị đã mở ra hi vọng mới cho tương lai của Nhật Bản. Các quan chức nhận thấy sự cần thiết phải nhanh chóng thay đổi để đưa nước Nhật trở thành một quốc gia hiện đại.

Thời trang phương Tây "gặp gỡ" trang phục Nhật Bản

Thời trang phương Tây nhanh chóng đi vào đời sống của người dân và trở thành biểu tượng của sự hiện đại hóa. Đầu tiên là đồng phục quân sự dành cho nam giới trong quân đội và hải quân được thiết kế theo phong cách Anh - Pháp. Tương tự, bắt đầu vào năm 1870, các lực lượng làm việc cho chính phủ như công an, nhân viên đường sắt, nhân viên bưu chính được yêu cầu mặc trang phục của nam giới phương Tây. Thậm chí trong hoàng cung, lệnh mặc trang phục phương Tây được ban hành vào năm 1872 đối với nam giới và vào năm 1886 đối với phụ nữ. Hoàng đế, hoàng hậu, các quan thần sẽ là những người tiên phong trong việc mặc trang phục và để kiểu tóc giống phương Tây khi tham gia các buổi triều nghi.

Trong những năm 1880, người dân Nhật bản đều đã ít nhiều chấp nhận trang phục của phương Tây. Đến năm 1890, nam giới vẫn mặc đồ vest, trang phục theo phong cách phương Tây dành cho phụ nữ cũng bị hạn chế, đặc biệt là đối với giới quý tộc và vợ của các nhà ngoại giao. Kimono tiếp tục thống trị trong giai đoạn đầu của triều đại Minh Trị, cả nam và nữ giới đã biết cách kết hợp Kimono với các phụ kiện của phương Tây. Ví dụ, vào các dịp trang trọng, đàn ông thường đội mũ của phương Tây với haori - một loại áo ghile truyền thống hay hakama - một loại trang phục giống nửa quần nửa váy để mặc ngoài áo kimono.

Ngược lại, hàng hóa của Nhật Bản cũng tạo thành xu hướng ở phương Tây. Việc mở cửa giao thương giúp phương Tây có cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. Các hiệp định thương mại mới được ký kết vào những năm 1850 dẫn đến sự đổ bộ chưa từng thấy của hàng hóa giữa hai nước cũng như lượng khách du lịch cũng tăng cao. Đến cuối thế kỷ XIX, văn hóa Nhật Bản có mặt ở khắp nơi, cả trong lĩnh vực thời trang, nội thất và nghệ thuật…trào lưu này được gọi là Japonisme, một thuật ngữ được nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Philip Burty đặt ra. Phương Tây đánh giá rất cao những giá trị nghệ thuật và hàng hóa của Nhật, do vậy, nhiều cuộc Triển lãm thế giới được tổ chức để mang văn hóa Nhật đến gần hơn với mọi người. Trước khi có truyền thông, những cuộc triển lãm như thế này được tổ chức dưới hình thức các diễn đàn trao đổi văn hóa như ở London năm 1862, Philadelphia năm 1876 và Paris năm 1867, 1878 và 1889.

Thời trang sau Thế chiến thứ II

Trong suốt thời kỳ Đại Chính (1912-1926), trang phục của phương Tây tiếp tục được xem là một biểu tượng của sự tinh tế và hiện đại. Phụ nữ làm các công việc như bán vé xe buýt, y tá, nhân viên đánh máy bắt đầu mặc trang phục của phương Tây trong đời sống hàng ngày. Trước khi bắt đầu triều đại Showa (1926-1989), quần áo của nam giới Nhật Bản mang đậm phong cách Tây phương. Những bộ com-lê dần trở thành trang phục chuẩn mực dành cho giới nhân viên văn phòng. Phải mất gần một thế kỷ thì thời trang phương Tây mới hoàn toàn thâm nhập vào nền văn hóa Nhật Bản và được người dân chấp nhận.

Sau Thế chiến thứ II, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, nền thời trang Nhật Bản đã trải qua một bước chuyển mình quan trọng, người dân ngày càng có cái nhìn thoáng hơn với các xu hướng của phương Tây. Phụ nữ Nhật bắt đầu thay thế những chiếc quần ống rộng (monpe) bằng váy ngắn. Đầu những năm 2000, kimono gần như không còn xuất hiện trong đời sống hàng ngày của người dân Nhật Bản. Chỉ những người phụ nữ lớn tuổi, tiếp viên của một số nhà hàng truyền thống và giáo viên dạy về các loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật như trà đạo, xếp hoa…thì mới mặc kimono. Ngoài ra, kimono còn được phụ nữ mặc vào dịp đầu năm mới khi đến viếng thăm các đền miếu, đền thờ, lễ kỷ niệm của giới trẻ khi đủ 20 tuổi, lễ tốt nghiệp đại học, đám cưới và các lễ kỷ niệm quan trọng khác.

Nhật Bản tiếp cận các xu hướng thời trang thông qua phim ảnh của Mỹ và Châu Âu. Ví dụ, khi bộ phim The Red Shoescủa Anh lần đầu tiên công chiếu ở Nhật vào năm 1950 thì những đôi giày màu đỏ đã trở thành trào lưu của giới trẻ Nhật Bản. Sau giữa những năm 1960, đàn ông Nhật bắt đầu ưa chuộng phong cách "Ivy Style" để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sinh viên thuộc nhóm các trường đại học danh tiếng Ivy League của Mỹ.

Thời trang của giới trẻ Nhật Bản ngày nay

Trong xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ XX, học sinh cấp 2 và cấp 3 là những tín đồ thực thụ của phong cách thời trang đường phố. Họ biến tấu trang phục phương Tây theo phong cách độc đáo riêng, luôn biết cách kết hợp những xu hướng mới nhất của Mỹ và Châu Âu. Giới trẻ Nhật Bản là những người không ngại phá vỡ và thách thức các giá trị và chuẩn mực truyền thống.

Trong thế kỷ XXI, trên đường phố của Nhật Bản, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh các cô gái trẻ với mái tóc dài được nhuộm màu sặc sỡ và thường mặc váy ngắn. Sẽ là thời thượng nếu bạn sở hữu một làn da rám nắng và có phong cách trang điểm đậm. Nhiều cô gái thích mang giày đế mỏng vào mùa hè và mang giày cao gót vào mùa đông. Cũng giống như ở phương Tây, hình xăm trên cơ thể cũng là một gu thời trang được ưa chuộng.

Mỹ Hằng
Lược dịch theo fashion-history

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán