Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Bốn doanh nghiệp trẻ nhận bằng khen của Thủ tướng

Bốn doanh nghiệp trẻ là những cá nhân xuất sắc nhất trong số 150 thanh niên ưu tú được trao giải thưởng Lương Định Của năm 2014. Họ là chủ các doanh nghiệp, mô hình kinh tế nông thôn đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm...

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.



Bốn gương mặt trẻ được nhận bằng khen của Thủ tướng

Đây là giải thưởng nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước.

Năm 2014, giải thưởng Lương Định Của được trao cho 150 thanh niên nông thôn xuất sắc trên toàn quốc. Trong đó có 9 thanh niên nữ, 24 thanh niên người dân tộc thiểu số, 40 thanh niên có trình độ ĐH và CĐ, 70 thanh niên là Đảng viên, 121 thanh niên trực tiếp phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế tại địa phương.

Trong số 150 đại biểu thanh niên nông thôn nhận giải thưởng Lương Định Của 2014 có 4 nhân vật tiêu biểu nhất được Thủ tướng tặng bằng khen.

Bốn cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng là Sìn Văn Dưỡng (sinh năm 1980, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên): Khởi nghiệp với số vốn vay 100 triệu đồng của người thân và 15 triệu đồng của cá nhân, anh mạnh dạn đầu tư theo mô hình kinh tế hộ bằng cách chăn nuôi... đem lại thu nhập bước đầu là 40-50 triệu đồng. Khi có kinh nghiệm và điều kiện, bản thân lại là bí thư chi đoàn, anh đã vận động đoàn viên thanh niên thành lập mô hình “câu lạc bộ thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi”, và hiện nay là mô hình “Hợp tác xã thanh niên sản xuất bánh khẩu sén”. Đến nay HTX đã có 30 hội viên cùng góp vốn kinh doanh chế biến món bánh truyền thống của dân tộc Thái trắng, đem lại lợi nhận 450 triệu đồng/năm.

Trần Xuân Phong (sinh năm 1983, xã An Khang, Tp. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) bắt tay vào nuôi ong từ năm 2002. Vừa làm, vừa tìm tòi nghiên cứu đến năm 2006, anh đã lai tạo giữa ong vàng của miền Bắc và ong Ý của miền Nam, tạo thành giống ong lai có năng xuất và chất lượng cao, lại chống chọi được với cái lạnh của miền Bắc. Đến nay, anh đã thành lập được HTX nuôi ong Phong Thổ với 1.500 đàn ong, tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu đạt 16 tỷ đồng/năm.

Hồ Vũ Phong (sinh năm 1980, xã Hòa Thành, Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau) với mô hình trồng khoai và dây thiên lý lấy bông từ tháng 10/2010. Mỗi năm HTX thu nhập trên 2 tỷ, tạo việc làm cho 70 lao động thường xuyên và 100 lao động thời vụ.

Văn Tấn Thanh Tùng (sinh năm 1984, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thủy sản Ngọc Tùng từ năm 2011. Công ty chuyên mua bán thức ăn, thu mua thủy sản và vận tải hàng hóa để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Năm 2013, anh tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình “Nuôi trồng và phát triển Tôm thẻ chân trắng” trên diện tích 5 ha với 20 hồ/3000m2, tổng chi phí xây dựng mô hình là 7 tỷ đồng. Tổng doanh thu hằng năm gần 28 tỷ đồng trừ chi phí thu lãi 5 tỷ đồng. Mô hình đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập 3,5triệu/tháng.

Theo NGUYỄN HIỀN
(Vietnamnet)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán