Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM là 3 trung tâm nghiên cứu, chế tạo bán dẫn

Mạng lưới trung tâm nghiên cứu, chế tạo bán dẫn quốc gia gồm ba trung tâm đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025.



Ông Lê Hoàng Phúc (phải) làm giám đốc trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) - Ảnh: Đ.N.

Thông tin này được ông Nguyễn Huy Dũng - thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông - đưa ra tại lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) ngày 26-1.

DSAC sẽ là đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng. Trung tâm này được hình thành trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức lại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng.

Trung tâm DSAC có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Trung tâm này cũng liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết Đà Nẵng là đơn vị tiên phong trên cả nước thành lập trung tâm nghiên cứu đào tạo, thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Ông Dũng nhấn mạnh công nghiệp vi mạch bán dẫn có sự hợp tác quốc tế sâu sắc. Đặc thù của Việt Nam hiện là nước duy nhất trên thế giới có mối quan hệ chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc bán dẫn.



Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng là 1 trong 5 cơ sở trọng điểm đào tạo nhân lực vi mạch quốc gia - Ảnh: Đ.N.

Trong các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp kiểm tra đóng gói, Việt Nam xác định chiến lược phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp về thiết kế và nhân lực thiết kế.

Chế tạo và sản xuất các module là các linh kiện; thu hút FDI liên doanh với doanh nghiệp Việt lắp ráp kiểm tra và đóng gói; xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở phân khúc dưới (là thành phần tạo nên các thiết bị điện thoại thông minh, xe điện…).

Ông Dũng cho hay Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 50.000 kỹ sư thiết kế chip, 200.000 kỹ sư điện tử bán dẫn và 500.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực này.

Chiến lược quốc gia dự kiến chọn 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.



Sẽ thiết lập trung tâm nghiên cứu chế tạo bán dẫn để cung cấp dịch vụ nghiên cứu, chế tạo, thiết kế vi mạch - Ảnh: Đ.N.

Ông Dũng cho rằng cần thiết lập trung tâm nghiên cứu chế tạo bán dẫn để cung cấp dịch vụ nghiên cứu, chế tạo, thiết kế vi mạch, tích hợp hệ thống cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo các trường.

"Mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm nghiên cứu, chế tạo bán dẫn quốc gia gồm ba trung tâm quốc gia đặt tại Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM cố gắng đưa vào hoạt động sớm nhất năm 2025", ông Dũng nói.

Theo Đoàn Nhạn
(Tuổi Trẻ)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán