Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Đề án TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục: Thu hút sinh viên quốc tế đến học tập

Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bộ phận chuyên môn, phối hợp cùng TP.HCM xây dựng Đề án TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, thu hút sinh viên của khu vực và thế giới.



Sinh viên Ấn Độ học y khoa tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuối tháng 6-2023, Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trung tâm giáo dục chất lượng cao

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị thuộc bộ căn cứ chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thuộc lĩnh vực giáo dục.

"Cụ thể, phối hợp với UBND TP.HCM tiếp tục đầu tư xây dựng TP.HCM thành trung tâm lớn về Giáo dục và Đào tạo chất lượng cao, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập.

Trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, dành quỹ đất để di dời các cơ sở giáo dục ra khỏi khu vực nội thành", kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thực hiện, trong đó có các nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện. Bao gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và các bộ, ngành thực hiện kế hoạch di dời các trường ĐH theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành, sử dụng cơ sở vật chất sau di dời để ưu tiên phát triển nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục ĐH.

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND TP.HCM là xây dựng Đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên của khu vực và thế giới.



Sinh viên nước ngoài học tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cơ hội và thách thức

Các chuyên gia giáo dục cho rằng để phát triển TP.HCM thành trung tâm thu hút sinh viên quốc tế còn nhiều thách thức, trước hết là về chương trình học.

TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng không thể hấp dẫn sinh viên quốc tế đến học nhưng chương trình không có sự đồng nhất, không thể chuyển đổi. Vì vậy, để quốc tế hóa thì chương trình đào tạo của trường phải được chuẩn hóa từ giảng dạy, kiểm tra, thi cử. Sinh viên dù ở đâu đến học tại trường dù chỉ một học phần cũng có thể được công nhận rộng rãi.

"Muốn như thế, việc kiểm định sẽ phải được ưu tiên. Hiện nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có 16 chương trình được kiểm định FIBAA và các chuẩn châu Âu. Một số ngành vừa được kiểm định FIBAA trong năm 2022 như quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh thương mại, bất động sản và kế toán. Đến năm 2025, trường sẽ kiểm định hầu như toàn bộ các chương trình, đặc biệt là bậc ĐH", ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng việc kiểm định cần các trường thật sự nghiêm túc đầu tư vì là một chặng đường dài, tốn nhiều công sức để nâng cao chất lượng chương trình.

Về các ngành khoa học, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận - trưởng khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng thu hút sinh viên quốc tế thì cơ sở vật chất của trường chỉ là một phần. Vấn đề lớn hơn là nhà khoa học và trường ĐH. Các giáo sư phải xây dựng được mạng lưới kết nối và các trường ĐH cũng phải có mạng lưới này, luôn giữ được uy tín giữa các trường với nhau. Qua đó sinh viên quốc tế rộng đường đến Việt Nam theo các chương trình trao đổi. Sinh viên trao đổi sẽ là những đại sứ đầu tiên về giáo dục Việt Nam, để qua đó dần tiến tới những sinh viên học chương trình chính quy tại Việt Nam.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận cũng thừa nhận việc thu hút sinh viên quốc tế đến học chính quy không đơn giản. Tâm lý thường là du học đến một đất nước phát triển. Bởi không chỉ là chuyện học tập, mà còn là chuyện việc làm. Liệu TP.HCM có thật sự cạnh tranh về việc làm cho sinh viên quốc tế sau tốt nghiệp? Chưa kể còn là những rào cản về thủ tục visa việc làm cho sinh viên quốc tế nếu tốt nghiệp ở Việt Nam.

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - đưa ra góc nhìn giữa việc làm và người học.

"Hiện tại, số lượng sinh viên theo học cử nhân ngành Việt Nam học đông nhất là sinh viên Hàn Quốc. Các bạn này đều có định hướng ở lại phát triển nghề nghiệp, trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở khu vực phía Nam. Vào ĐH để học tiếng Việt và văn hóa Việt là nhu cầu thực tế để triển khai công việc của họ sau này, khi họ sẽ về đầu quân cho các công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Biết ngôn ngữ và văn hóa sẽ giúp họ dễ làm việc với các đối tác Việt Nam hơn", TS Hạ phân tích.

Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng - chủ tịch ĐH FPT - cho rằng thu hút sinh viên quốc tế là xu hướng nhưng nên được nhìn với góc độ là một vấn đề của cả quốc gia hơn là của TP.HCM. "Vì sao khi nhắc đến du học, người ta chỉ nghe nói du học Mỹ, Anh, Úc rồi mới nói đến một TP cụ thể sau. Vì thế, dù TP.HCM có thể đi đầu trong chuyện thu hút này nhưng vẫn sẽ phải hài hòa với những chiến lược chung của cả nước. Vấn đề là sức hút của TP.HCM hay Việt Nam ở đâu?", ông Tùng ý kiến.

Theo ông Tùng, nếu sức hút đó chỉ đến từ những ngành đặc thù, nghĩa là chỉ có ở Việt Nam như đông y, Việt Nam học thì số lượng tuyển không nhiều. Những ngành về công nghệ khoa học thì không hẳn là một thế mạnh của Việt Nam.

Trong khi đó, kinh phí vẫn là bài toán không nhỏ. 10 năm gần đây, sở dĩ các ĐH khu vực Trung Đông thu hút được rất mạnh và rất nhanh sinh viên, chuyên gia quốc tế là nhờ nguồn lực tài chính mạnh mẽ họ đầu tư thu hút chuyên gia, cấp học bổng cho những nghiên cứu, sinh viên tài năng.



Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thu hút sinh viên quốc tế đến học y khoa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bài học từ nước Úc

Ông Nguyễn Nhựt Hưng - đại diện tuyển sinh quốc gia ĐH Công nghệ Sydney (Úc) tại Việt Nam - cho biết các trường ĐH ở Úc hiện nay có hướng tiếp cận sinh viên quốc tế mang tính thực tiễn, ứng dụng hơn.

Bên cạnh kiến thức hàn lâm và chuyên môn "cứng", các trường ĐH rất coi trọng việc trang bị những hành trang thiết yếu khác như khởi nghiệp, tư duy sáng tạo... Chẳng hạn, ĐH Công nghệ Sydney phát triển cộng đồng khởi nghiệp sinh viên lên đến 1.000 start-up tính đến tháng 12-2022, trở thành một trong những cộng đồng khởi nghiệp sinh viên lớn nhất tại Úc.

Cộng đồng này không những trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng thực tiễn để linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thế giới nhiều biến động, mà còn mở ra cho các bạn nhiều cơ hội khởi nghiệp với các dự án riêng ở Úc, tạo thêm sức hút cho sinh viên quốc tế có những ý tưởng mới mẻ.

Úc cũng là một quốc gia cởi mở với việc làm của sinh viên so với các quốc gia khác như Anh, Mỹ hay Canada.

Ngoài cho phép sinh viên quốc tế linh hoạt giờ giấc, địa điểm, loại công việc làm thêm, một số chương trình đặc thù cho phép sinh viên có rất nhiều cơ hội thực tập thông qua học phần đào tạo thực tế bắt buộc.

"Xu hướng này cũng phù hợp thế giới thể hiện qua việc các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới cũng dần nâng cao tiêu chí "khả năng tuyển dụng" so với tiêu chí "danh tiếng học thuật". Các trường ĐH Úc vì vậy trong các năm vừa qua đã có nhiều bước tiến lớn trên bảng xếp hạng", ông Hưng nói.

Ngoài môi trường học tập còn là môi trường sống. Một môi trường sống với cảnh sắc đẹp, đa văn hóa sẽ thu hút sinh viên quốc tế nhiều hơn. Đây là điểm đến lý tưởng với các sinh viên và nghiên cứu sinh trong lĩnh vực như môi trường, sinh học, khoa học xã hội... Úc cũng thường có chính sách về công việc và định cư hấp dẫn cho nhóm nhân sự trong lĩnh vực này.

Theo Trọng Nhân
(Tuổi trẻ)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán