Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Kỹ năng làm bài trắc nghiệm dành cho học sinh ôn thi vào lớp 10

Phân bổ thời gian hợp lý; làm câu dễ trước; tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi… có thể giúp bạn làm tốt bài kiểm tra trắc nghiệm.

Năm 2019, nhiều môn thi tổ chức theo hình thức trắc nghiệm hoặc kết hợp trắc nghiệm với tự luận. Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh THCS chưa được trang bị kỹ năng, phương pháp làm bài trắc nghiệm để có thể thích ứng tốt với hình thức thi này, nhất là trong các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Điều này ít nhiều khiến học sinh gặp bất lợi trong việc ghi điểm số nếu không được trang bị kỹ năng làm bài.



Cô Phạm Thị Thúy Ngọc - Phó hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội)

"Hình thức thi trắc nghiệm với số lượng câu nhiều hơn sẽ trải đều các vấn đề kiến thức thay vì trọng tâm vào một số chuyên đề như thi tự luận. Chấm thi trắc nghiệm chỉ quan tâm đến đáp án đúng hay sai, còn tự luận thì chấm ý, trình bày. Chỉ hai thay đổi đó đã tác động lớn đến cách học của học sinh", cô Phạm Thị Thúy ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung Tú (Hà Nội), giáo viên bộ môn Hóa học, Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn chia sẻ.

Đồng quan điểm với cô Thúy Ngọc, thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên Vật lý, Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ MIS cho rằng, hình thức thi tự luận, số lượng câu ít, giáo viên chủ yếu chấm ý và quan tâm đến cách trình bày. Trong khi đó, với bài thi trắc nghiệm, học sinh phải đối mặt với lượng câu hỏi nhiều, bao quát toàn bộ kiến thức, thời gian làm bài cho mỗi câu ngắn và đáp án sẽ chấm theo kiểu đúng - sai. Như vậy, học sinh cần điều chỉnh cách học, ôn và rèn luyện kỹ năng cũng như kiến thức theo cách khác để đáp ứng yêu cầu của hình thức thi này.

Vững kiến thức và kỹ năng - ghi điểm không khó

Để làm tốt bài thi trắc nghiệm, việc nắm chắc kiến thức là điều kiện tiên quyết, nhưng không thể thiếu kỹ năng làm bài. Thiếu thời gian làm bài, bỏ sót câu hỏi, nhầm ý hỏi, chọn nhầm đáp án... là những lỗi phổ biến học sinh thường gặp trong quá trình làm bài dẫn đến tiếc nuối vì không đạt kết quả như mong muốn. Với những vấn đề đó, cô Ngọc đã gợi ý học sinh 5 kỹ năng cần thiết để làm tốt bài kiểm tra trắc nghiệm.

Phân bổ thời gian hợp lý, làm câu dễ trước khó sau, không bỏ sót đáp án

Khi nhận đề thi, các em nên nhìn lướt tất cả câu hỏi, lọc ra những câu dễ nhất có thể làm và tô đáp án ngay vào phiếu. Không nên ghi đáp án ra giấy nháp bởi khi tô ngược lại rất dễ nhầm lẫn. Vì số lượng câu hỏi trong bài thi lớn, vì vậy, các em nên đánh dấu vào đề thi những câu chưa làm để tránh bỏ sót.

Rèn kỹ năng làm bài: Tô đáp án, luyện bài tập trắc nghiệm để tìm phương pháp riêng

Tính trung bình, học sinh chỉ có 1, 2 phút cho mỗi câu hỏi, vì vậy, việc rèn kỹ năng khoanh nhanh, trúng, đúng là rất cần thiết. Với câu lý thuyết, các em đọc xong phải khoanh được ngay. Với câu bài tập, học sinh phải học mẹo, thủ thuật và có kỹ năng dùng máy tính thành thạo thì mới có thể "chạy đua với thời gian".

Tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi

Khi thực hiện bài thi trắc nghiệm, học sinh cần chú ý cách trình bày, để ý kỹ các câu hỏi, tránh rơi vào "bẫy" của người ra đề.

Áp dụng các phương pháp loại trừ

Học sinh hãy thử thế đáp án vào câu hỏi để loại trừ những đáp án không hợp lý. Đây là một kỹ thuật làm bài trắc nghiệm quan trọng mà học sinh cần nắm vững.

Dành thời gian kiểm tra lại bài

Với 60 phút cho một đề thi trắc nghiệm 40 câu, học sinh chỉ nên căn thời gian làm tối đa là 50 phút. 10 phút còn lại các em cần sử dụng để rà soát lại câu hỏi và phiếu trả lời từ đầu tới cuối. Khi rà soát bài, nếu thấy băn khoăn bởi một đáp án nào đó, các em cũng sẽ có thời gian tính toán và nhớ lại kiến thức để tìm ra đáp án chính xác.

Rèn luyện từ bây giờ để quen dần các kỹ năng

Theo thầy Thắng, học sinh cần rèn luyện ngay từ bây giờ để quen dần với các kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, đầu tiên là nắm chắc kiến thức.

Nếu kiến thức trong đề thi tự luận tập trung vào những chương lớn thì kiến thức trong đề thi trắc nghiệm sẽ rộng hơn, có phần ứng dụng, liên hệ thực tế, kiến thức trải dài sách giáo khoa. Bởi vậy, học sinh buộc phải nắm chắc tất cả mảng kiến thức lớn nhỏ trong năm học này.



Thầy Nguyễn Quyết Thắng - Giáo viên trường Phổ thông liên cấp Đa trí tuệ

Tiếp theo, học sinh cần tham khảo những phương pháp làm bài nhanh, tìm ra phương pháp phù hợp nhất và chuyển dần thành cách làm của mình.

Đặc biệt, các em cần có kế hoạch tự ôn tập đều đặn, bền bỉ theo từng tuần. Tuyệt đối không để dồn kiến thức, ôn cấp tập trong một thời gian ngắn hay để tình trạng "nước đến chân mới nhảy" sẽ dễ gây hoang mang, bị thiếu hụt và hổng kiến thức.

Theo THẾ ĐAN
(Vnexpress)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán