Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật

Văn học - Nghệ thuật

Chiếc ví bị đánh rơi

Rảo bước về nhà vào một ngày mùa đông lạnh giá, tôi tình cờ phát hiện chiếc ví của ai đó đánh rơi bên đường. Tôi nhặt lên và tìm kiếm bên trong xem có thể tìm thấy giấy tờ nào không, mục đích là để gọi điện cho chủ nhân của nó. Nhưng chiếc ví không có gì ngoài 3 đôla một lá thư nhàu nát.

Bì thư cũ kỹ với thứ duy nhất trên đó là địa chỉ của người gửi. Tôi bắt đầu mở nó ra với hi vọng tìm thấy một manh mối gì đó. Dòng chữ ghi năm 1924, tôi bất ngờ khi nhận ra rằng lá thư đã được viết cách đây gần 60 năm.

Lá thư được viết bằng mực màu xanh, nét chữ rất đẹp, rất nữ tính với hình một bông hoa nhỏ bên phía góc trái. Nhưng đó lại là lá thư đoạn tình gửi cho Michael, người đàn ông mà tác giả không thể tiếp tục gặp gỡ bởi sự cấm đoán của mẹ cô. Dù như thế, nhưng cô vẫn sẽ mãi mãi yêu anh, chỉ mình anh mà thôi. Ký tên Hannah.

Vậy là manh mối mà tôi có được chính là cái tên Michael - rất có thể ông ấy là chủ nhân của chiếc ví. Tôi thầm nghĩ nếu gọi cho tổng đài thì có lẽ họ sẽ giúp tôi tìm được số điện thoại của người viết lá thư.

Nghĩ là làm, tôi điện ngay cho tổng đài và nói “Đây là một yêu cầu hơi khác thường. Tôi đang cố gắng tìm chủ nhân của chiếc ví mà mình nhặt được. Có cách nào tìm thấy số điện thoại của người có địa chỉ in trên bì thư không thưa cô?”

Cô tổng đài viên đề nghị tôi thử nói chuyện với người quản lý của cô ấy. Cô quản lý lưỡng lự một lát rồi trả lời “Vâng, chúng tôi có số điện thoại của người có địa chỉ ấy, nhưng không thể cho cậu được”. Vì theo nguyên tắc, cô ấy phải gọi đến số điện thoại đó, trình bày câu chuyện của tôi và hỏi xem họ có muốn nói chuyện với tôi hay không. Tôi chờ đợi trong vài phút, cô quản lý gọi lại cho tôi và nói “Có người muốn nói chuyện với ngài.”

Tôi hỏi người phụ nữ bên kia đầu dây có biết ai tên là Hannah không. Với hơi thở khó nhọc, bà trả lời “Chúng tôi đã mua lại ngôi nhà này từ một gia đình có đứa con gái tên Hannah. Nhưng đó là chuyện của 30 năm về trước rồi.”

“Vậy bà có biết hiện giờ gia đình ấy đang sống ở đâu không ạ?”, tôi hỏi tiếp.

“Vài năm trước, Hannah đã gửi mẹ mình vào viện dưỡng lão. Nếu cậu liên lạc được với mẹ của Hannah, có thể sẽ biết được tin tức của cô ấy”, bà đáp.

Bà ấy cho tôi số điện thoại của viện dưỡng lão. Tôi có gọi đến và được biết là mẹ của Hannah đã qua đời. Nhưng may mắn là họ có số điện thoại của nơi mà họ nghĩ Hannah đang sống. Tôi lại tiếp tục gọi đến số điện thoại đó, người phụ nữ nghe máy trả lời rằng hiện Hannah đang sống trong một viện dưỡng lão.

Thật là ngớ ngẩn, tôi tự nói với chính mình. Tại sao tôi lại phải cất công đi tìm chủ nhân của chiếc ví chỉ có 3 đôla và một lá thư gần 60 “năm tuổi” thế này?

Dù nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn gọi điện đến nhà dưỡng lão được cho là nơi ở hiện nay của Hannah. Một người đàn ông trả lời “Vâng, Hannah đang sống với chúng tôi.”

Mặc dù lúc đó đã hơn 10 giờ đêm, nhưng tôi vẫn mạo muội ngỏ ý muốn được đến gặp Hannah. Người đàn ông ngập ngừng đáp “Vâng, cô ấy có lẽ đang ở phòng khách xem TV.”

Tôi cảm ơn ông và lập tức lái xe đến viện dưỡng lão. Một y tá trực đêm và một bảo vệ ra đón tôi ở cửa. Chúng tôi lên tầng 3 của một tòa nhà lớn, ngay tại phòng khách, cô y tá giới thiệu tôi với Hannah.

Hannah là một người phụ nữ ngọt ngào, có nụ cười ấm áp, đôi mắt sáng long lanh và mái tóc đã bạc màu theo năm tháng. Tôi kể rằng mình đã nhặt được chiếc ví và đưa cho cô ấy xem lá thư. Nhìn lại nét chữ màu xanh với bông hoa nhỏ bên góc trái, cô hít một hơi thở thật sâu và nói "Chàng trai trẻ cậu biết không, lá thư này là lần cuối cùng tôi liên lạc với Michael.”

Bà quay đi một lúc, trầm ngâm suy nghĩ rồi nhẹ nhàng nói “Tôi yêu anh ấy rất nhiều. Nhưng khi đó, tôi chỉ mới 16 tuổi. Mẹ tôi cấm đoán vì tôi còn quá trẻ. À, anh ấy rất đẹp trai, giống như tài tử Sean Connery vây.”

“Vâng”, tôi đáp. Bà nói tiếp, “Michael Goldstein là một người đàn ông tuyệt vời. Nếu gặp anh ấy, cậu hãy nói lại là tôi đã nghĩ về anh rất nhiều. Và, do dự một lúc, bà cắn chặt môi, “Hãy nói là tôi vẫn còn rất yêu anh ấy”. Bà gượng cười khi đôi mắt đã bắt đầu ngấn lệ, “Tôi đã không kết hôn. Không ai thích hợp với tôi như Michael cả…”

Tôi cảm ơn Hannah và chào từ biệt ra về. Xuống đến tầng 1, người bảo vệ hỏi tôi, “Bà ấy có giúp được cậu không?”

“Ít nhất tôi cũng đã biết được họ của người đàn ông đó”, tôi đáp. “Tôi đã dành cả ngày trời để tìm kiếm chủ nhân của chiếc ví đấy.”

Tôi lấy chiếc ví da màu nâu với nhiều đường viền đỏ ra. Khi nhìn thấy nó, người bảo vệ liền bảo “Đợi đã! Đó là chiếc ví của ông Goldstein mà. Ông ấy lúc nào cũng làm rơi ví cả! Tôi đã nhặt được nó ít nhất 3 lần rồi đó.”

Tay tôi bắt đầu run lên. “Ông Goldstein là ai?”, tôi hỏi.

“Ông ấy là một trong những người bấm giờ ở tầng 8. Tôi chắc chắn chiếc ví đó là của Goldstein”, người bảo vệ nói.

Tôi cảm ơn và vội vã trở lại văn phòng của cô y tá trực đêm, kể cho cô ấy nghe những gì người bảo vệ vừa nói. Chúng tôi lập tức đến tháng máy. Tôi cầu trời là ông Goldstein vẫn còn ở trên đó.

Trên tầng 8, cô y tá khẽ nói: “Tôi nghĩ là ông ấy vẫn còn ở trong phòng khách. Ông rất thích đọc sách vào buổi tối. Đúng là một người đàn ông dễ mến.”

Chúng tôi bước vào căn phòng và ở đó, một người đàn ông lớn tuổi đang lặng lẽ ngồi đọc sách. Cô y tá bước tới và hỏi có phải ông đã đánh rơi chiếc ví không. Ông Goldstein nhìn lên với vẻ ngạc nhiên, đút tay vào túi quần sau và nói “Oh, nó lại rơi nữa rồi sao!”

“Chàng trai trẻ này đã nhặt được chiếc ví và không biết liệu nó có phải là của ông không?” cô y tá nói.

Tôi đưa cho ông Goldstein chiếc ví, ông mỉm cười nhẹ nhõm và nói “Vâng! Đúng là nó đây rồi. Chắc là nó đã rơi khỏi túi quần của tôi hồi trưa này. Tôi muốn hậu ta cho cậu.”

“Không, không cần đâu thưa ông”, tôi nói. “Nhưng tôi phải cho ông biết một điều. Tôi đã đọc lá thư bên trong vì nghĩ là sẽ tìm được chủ nhân của chiếc ví.”

Nụ cười trên môi của ông đột nhiên biến mất, “Cậu đã đọc lá thư đó sao?”

“Tôi không chỉ đọc, mà tôi còn biết Hannah hiện đang ở đâu nữa.”

Mặt ông tái đi. “Hannah? Cậu biết cô ấy đang ở đâu sao? Cô ấy sao rồi? Cậu làm ơn nói cho tôi biết đi”. Ông nài nỉ.

 “Bà ấy vẫn khỏe…vẫn đẹp như thuở ban đầu hai người biết nhau”. Tôi khẽ đáp.

Ông mỉm cười và hỏi “Cậu cho tôi biết cô ấy đang ở đâu được không? Ngày mai tôi muốn đi gặp cô ấy”. Ông nắm lấy tay tôi và nói tiếp “Cậu biết không, tôi rất yêu người phụ nữ đó. Khi cô ấy đưa cho tôi lá thư này, cuộc sống của tôi gần như đã kết thúc. Tôi không kết hôn, vì tôi biết mình chỉ yêu duy nhất một mình cô ấy mà thôi.”

“Ông Goldstein, hãy đi với tôi”, tôi nói.

Chúng tôi cùng nhau đi thang máy xuống tầng 3. Các hành lang đều tối om, chỉ có 1 hay 2 ánh đèn thắp sáng lối đi dẫn đến phòng của Hannah, nơi bà ấy đang ngồi một mình xem TV. Cô ý tá tiến về phía bà.

“Hannah”, chỉ tay về phía cửa phòng, nơi tôi và Goldstein đang đứng, cô y tá hỏi “Bà có biết người đàn ông này không?”

Hannah chỉnh lại mắt kính, bà nhìn một hồi nhưng không nói lời nào.

Michael khẽ nói, gần như ông chỉ thì thầm “Hannah, là Michael đây. Em còn nhớ anh không?”

Hannah kinh ngạc “Michael! Em không thể tin được! Michael! Là anh sao! Là Michael của em thật sao!”

Goldstein chầm chậm tiến về phía Hannah. Hai người ôm chặt lấy nhau. Nước mắt lăn dài trên má của tôi và cô y tá.

“Cô thấy không, thật đúng là duyên nợ”, tôi nói.

3 tuần sau, tôi nhận được một cuộc gọi “Cậu có thể dành một ngày chủ nhật để tham dự lễ cưới không? Michael và Hannah sẽ kết hôn.”

Đó là một đám cưới tuyệt đẹp, diễn ra trong sự chứng kiến của tất cả mọi người trong viện dưỡng lão. Hannah mặc một chiếc váy cưới màu be, trông bà rất xinh đẹp. Còn Michael mặc một vest màu xanh đậm lịch lãm.

Họ xem tôi như là người hùng vậy. Viện dưỡng lão dành riêng cho họ một căn phòng. Đôi uyên ương chồng 79 tuổi còn vợ 76 tuổi này giống như một cặp vợ chồng son vậy.

Thật đúng là một kết thúc có hậu cho chuyện tình kéo dài gần 60 năm.

Mỹ Hằng
Theo rogerknapp.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán