Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật

Văn học - Nghệ thuật

Những nghệ sĩ trẻ làm sống lại sân khấu kịch truyền thống

Những nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực âm nhạc và sân khấu truyền thống đang nỗ lực phát triển và quảng bá nghệ thuật đến khán giả trẻ tại TP.HCM.



Nghệ sĩ Nhã Thi, một trong những tài năng trẻ của thành phố trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống - Ảnh: Hội Sân khấu TP.HCM

“Tôi tin rằng trở thành một nghệ sĩ cải lương là định mệnh của tôi”, nghệ sĩ Trần Ngọc Nhã Thi, một trong những tài năng trẻ của thành phố trong bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho biết.

“Tôi muốn phát triển cải lương - một loại hình sân khấu độc đáo của miền Nam có từ 100 năm trước cho những người yêu nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.”

Nhã Thi vừa trở thành sinh viên chuyên ngành đạo diễn sân khấu của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Cô sẽ tham gia học tập trong 3 năm tại trường, bắt đầu từ tháng 4.

Cô cũng đã vinh dự nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” do Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng vào tháng trước. Giải thưởng được trao hàng năm này nhằm khuyến khích những thanh niên đóng góp trong các lĩnh vực khác nhau cho thành phố.

Ở độ tuổi 20, cô gái tài sắc Nhã Thi đã phải đối mặt với những thách thức để thu hút khán giả quay lại sân khấu cải lương. “Nếu không có sự ủng hộ của người hâm mộ, cải lương sẽ không tồn tại,” Nhã Thi cho biết.

Kể từ khi đoạt giải nhất tại Liên hoan sân khấu truyền thống tài năng trẻ toàn quốc năm 2017, Nhã Thi đã rất nỗ lực, trau dồi kỹ năng và khả năng sáng tạo.

Cô đã giành nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi và liên hoan sân khấu hàng đầu, bao gồm Huy chương vàng tại cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020” do Hội Sân khấu TP.HCM trao tặng.

Hiện Nhã Thi đang làm việc tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cô diễn hàng chục vở kịch và chương trình truyền hình được hàng nghìn khán giả trên khắp cả nước.



Trong những năm gần đây, nghệ thuật biểu diễn đã phát triển nhanh chóng với số lượng tài năng trẻ ngày càng thành công trong các loại hình nghệ thuật hiện đại, nhưng những loại hình nghệ thuật truyền thống như kịch nói, chèo, cải lương và tuồng đã bị “quay lưng” - Ảnh: Hội Sân khấu TP.HCM

Nghệ sĩ tài năng Nguyễn Ngọc Giàu của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM bắt đầu vào nghề từ năm 14 tuổi.

Cô học hát bội, một loại hình kịch nghệ truyền thống của miền Trung có từ thế kỷ 12, trước khi trau dồi kỹ thuật với các diễn viên gạo cội của nhà hát.

“Tôi đã có những bài học đầu tiên về kỹ năng ca hát và biểu diễn từ nghệ sĩ gạo cội Hữu Danh, người đã phát hiện ra khả năng của tôi”, Ngọc Giàu, một trong những nghệ sĩ hát bội trẻ tuổi của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM, cho biết.

Vẻ đẹp và giọng hát ngọt ngào thường là điểm thu hút đặc trưng của cô trên sân khấu.

Giàu vô cùng kính trọng những đồng nghiệp lớn tuổi của mình nhưng cô không muốn sống dưới cái bóng của họ.

“Để thoát khỏi cái bóng quá lớn của các nghệ sĩ gạo cội, tôi đã phải làm việc thật chăm chỉ để thể hiện phong cách cá nhân trên sân khấu.” Giàu cho biết thêm rằng hát bội cần phải có nhiều sự đổi mới hơn trên sân khấu.

Giàu vẫn đang cố gắng biên soạn tác phẩm Vương Thuý Kiều (Truyện Kiều), một vở diễn mới dựa trên sử thi Việt Nam của đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820).

Cô đóng vai chính trong câu chuyện bi kịch của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu. Vở diễn sẽ ra mắt khán giả vào ngày 30 tháng 4.

Vào những năm gần đây, nghệ thuật biểu diễn đã phát triển nhanh chóng với số lượng ngày càng nhiều những tài năng trẻ thành công trong các loại hình nghệ thuật hiện đại, nhưng loại hình truyền thống như chèo, cải lương và tuồng đã bị “lãng quên”.

“Nghệ thuật truyền thống vốn rất khó để tập luyện thành thục,” nhà phê bình kiêm đạo diễn sân khấu Thanh Hiệp, thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM, cho biết.

“Để phát triển sân khấu kịch truyền thống, chúng ta cần nhiều nghệ sĩ trẻ và tài năng như Nhã Thi và Ngọc Giàu,” ông cho biết thêm.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán