Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

“Nhại giọng trẻ” trong các ngôn ngữ khác nhau

Nghiên cứu mới đây của Đại học York và Đại học Aarhus cho thấy cách nhại giọng trẻ giữa 36 ngôn ngữ khác nhau có một số điểm tương đồng nhất định.




Kết quả nghiên cứu cho thấy tính tương tác trong cách nhại giọng trẻ - Ảnh: University of York

“Nhại giọng trẻ” là cách nói chuyện đặc biệt mà người lớn sử dụng để giao tiếp với trẻ nhỏ, thường gồm các âm thanh âm vực cao, chậm rãi mà luyến láy. Người ta đã tìm hiểu qua hàng thập kỷ vì sao người lớn lại tự động nói chuyện như vậy với trẻ nhỏ và liệu cách nói này có giúp ta hiểu thêm gì về sự phát triển của trẻ hay không.

Nhóm nghiên cứu còn xem các đặc điểm nhại giọng trẻ có giống nhau giữa tiếng Anh với những ngôn ngữ khác hay không. Họ cũng muốn tìm hiểu liệu trẻ ngày càng nói rành rọt hơn thì cách nhại giọng trẻ có khác đi hay không.

Sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, nhóm tập hợp mọi nghiên cứu trước đây về cách nhại giọng trẻ nhằm khám phá xem nhại giọng có chức năng gì trong sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Kết quả tìm được là một số đặc điểm như cao độ, giai điệu, và tiết tấu nhại giọng gần như là giống nhau giữa các ngôn ngữ khác nhau.

Những khác biệt

Cách người lớn cường điệu hóa những nguyên âm là khác nhau ở các ngôn ngữ được khảo sát.

Christopher Cox, chủ nhiệm nghiên cứu, hiện là nghiên cứu sinh liên kết tại Khoa Ngôn ngữ và Khoa học Ngôn ngữ tại Đại học York cùng Khoa Ngôn ngữ và Khoa học Nhận thức tại Đại học Aarhus, cho biết: “So với người lớn, chúng ta thường đẩy âm vực lên cao hơn, luyến láy hơn, và nói chậm rãi hơn khi tương tác với trẻ sơ sinh. Và đây là điểm giống nhau giữa các ngôn ngữ.”

Cox nói thêm: “Còn trong tiếng Anh, người lớn thường cường điệu hóa sự khác biệt giữa các nguyên âm khi nói chuyện với trẻ, không giống những ngôn ngữ khác. Cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn mới xác định được nguyên do nằm ở đâu. Nhưng chúng tôi cho rằng ngôn ngữ nào càng có nhiều nguyên âm thì lại càng có xu hướng cường điệu hóa sự khác biệt giữa các nguyên âm để phù hợp với cách thụ đắc lời nói ở trẻ hơn.”

Các ngôn ngữ được khảo sát trong nghiên cứu cũng chỉ là các ngôn ngữ Âu Mỹ. Để hiểu thêm về mức độ tương đồng về cách nhại giọng trẻ giữa những ngôn ngữ khác nhau cũng như vai trò của nhại giọng đối với phát triển ở trẻ, nhóm nghiên cứu đề xuất khảo sát những ngôn ngữ ngoài Âu Mỹ ít được nghiên cứu.

Cách nói chuyện trưởng thành

Nghiên cứu cũng cho thấy cách nhại giọng dần thay đổi theo thời gian, khi trẻ sơ sinh ngày càng nắm bắt ngôn ngữ và lời nói tốt hơn. Cụ thể là người lớn có xu hướng nói với trẻ lớn giống như khi đối thoại với người trưởng thành hơn - về cao độ lẫn tốc độ - song vẫn lưu giữ các đặc điểm như lời nói luyến láy âm vực cao.

Phó giáo sư Riccardo Fusaroli từ Đại học Aarhus, đồng tác giả bài nghiên cứu, giải thích: “Kết quả nghiên cứu nêu bật tính tương tác trong cách nhại giọng trẻ. Người lớn phản hồi linh hoạt, phù hợp với cách trẻ bi bô và phù hợp với nhu cầu phát triển nhận thức ngày càng cao của trẻ.”

Khác biệt giữa các cộng đồng

Giáo sư Tamar Keren-Portnoy từ Khoa Ngôn ngữ và Khoa học Ngôn ngữ Đại học York, đồng tác giả bài nghiên cứu, kết luận: “Chúng tôi đã trình bày điểm giống nhau giữa các cộng đồng khi trò chuyện với trẻ sơ sinh, song cũng cho thấy các nền văn hóa khác nhau bộc lộ các đặc điểm lời nói đối với trẻ đa dạng như thế nào.”

Bài nghiên cứu cộng tác với Viện Ngôn ngữ học Tâm lý Max Planck và Đại học California (UCLA) này được đăng trên tạp chí “Nature Human Behavior”.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán