Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Nhiều trẻ em Châu Phi không nhận được giáo dục căn bản

Trong 3 thập kỷ qua, khoảng 40% các quốc gia Châu Phi không đảm bảo giáo dục được cả những nội dung cơ bản nhất cho trẻ nhỏ.



Học sinh tại Boundiali, phía Bắc Bờ Biển Ngà - Ảnh: Milequem Diarassouba / UNICEF

Kết quả khảo sát này được trình bày trong bản báo cáo đầu tiên của bộ ba bản báo cáo về giáo dục cơ sở ở Châu Phi với tên gọi “Born to Learn” do Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu (GEM) của UNESCO, Hiệp hội vì Phát triển Giáo dục tại Châu Phi (ADEA), và Liên minh Châu Phi (AU) thực hiện.

Manos Antonisis, Giám đốc GEM, cho biết tuy mọi trẻ em đều sinh ra để học tập, các em không thể học khi đói, khi không có sách, hay không thông thạo ngôn ngữ được dùng để giảng dạy.



Học sinh tại Kaya, Burkina Faso - Ảnh: Vincent Tremeau / UNICEF

Nhân tố khác cũng quan trọng không kém là tình trạng thiếu các tài nguyên hỗ trợ giáo viên.

Học tập cho mọi người

Ông Antoninis phát biểu: “Mỗi quốc gia đều cần phải học tập, lý tưởng nhất là từ các nước láng giềng. Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ giúp bộ ngành tại các nước đặt ra kế hoạch cải thiện tình hình học tập và hướng đến sự thay đổi, đồng thời làm việc sâu sát với giáo viên và lãnh đạo trường học, tận dụng hiệu quả hơn các nguồn lực bên ngoài.”

Bản báo cáo thu thập dữ liệu từ các quốc gia, tập hợp bởi bộ giáo dục tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Ghana, Mozambique, Rwanda, và Senegal. Một nguồn dữ liệu khác là kết quả các nghiên cứu trường hợp thực hiện tại châu lục này.

Albert Nsengiyumva, Thư ký điều hành ADEA, nhận xét: “Châu Phi có một lịch sử phức tạp, khiến nhiều vùng hiện nay vẫn còn rào cản ngôn ngữ, xung đột, tình trạng nghèo đói. Chúng là lý do hệ thống giáo dục tại đây không đủ khả năng đảm bảo toàn bộ các em nhỏ hoàn thành bậc tiểu học và nắm bắt kiến thức cơ sở.”

Cơ hội mới

Nsengiyumva bổ sung: “Lần hợp tác này giúp chúng tôi làm rõ vấn đề với các bộ giáo dục, từ đó tìm ra hướng giải quyết hữu hiệu. Hiện Châu Phi đang hứng chịu các hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội do mất căn bản giáo dục. Bản báo cáo này đưa ra đường hướng giúp chúng tôi cùng tiến lên phía trước, học tập lẫn nhau.”

Theo báo cáo, ngoài các thách thức kinh tế - xã hội còn tồn đọng, tình trạng thiếu các đầu sách giáo khoa chất lượng, thiếu tài nguyên hỗ trợ giáo viên, và thiếu các buổi tập huấn, hướng dẫn dành cho giáo viên đều là yếu tố kéo lùi giáo dục tại các quốc gia vùng Hạ Sahara.

Những tia hy vọng

Những biện pháp can thiệp gần đây cho thấy tình hình có thể cải thiện nếu các hoạt động giảng dạy trên lớp đi đúng theo chiều hướng đã được kiểm nghiệm hiệu quả.

Những chuẩn tắc dạy học tích cực nêu trong báo cáo cũng như qua trải nghiệm thực tế sẽ là nền tảng cho các chia sẻ xoay quanh giáo dục cơ sở. Cơ chế chia sẻ được AU quản lý và công bố cùng lúc với cổng điện tử Phân tích Nâng cao Giáo dục vì Mạng lưới Hiệu quả (LEARN), vốn được nhóm Chiến lược Giáo dục Lục địa Phi châu xây dựng.

Mohammed Belhocine, Uỷ viên Giáo dục, Khoa học, Công nghệ, và Phát minh của Liên minh Châu Phi, cho biết đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi nỗ lực phổ cập kỹ năng đọc hiểu và toán học cho mọi trẻ em.

Theo ông: “Đây là lý do vì sao chúng ta cần phải chú trọng vào giáo dục căn bản trên các diễn đàn đối thoại xoay quanh chính sách chiến lược lục địa. Hệ thống LEARN vừa ra mắt gần đây sẽ tập hợp kinh nghiệm từ các nước đã tham gia đóng góp cho bộ ba báo cáo.”

Khuyến cáo chính yếu:

1. Cung cấp sách cho mọi trẻ em: Đảm bảo bất cứ em nào cũng đủ sách vở và các sách này đã được nghiên cứu, phát triển tại chính quốc gia sở tại. Tự phát triển sách giáo khoa có thể giúp các nước đẩy mức xoá mù chữ lên 20%. Dự án “Lecture pour tous” tại Senegal đảm bảo sách giáo khoa đạt chất lượng cao. Benin được tuyên dương vì đã cải cách chương trình và sách giáo khoa một cách hệ thống, cung cấp các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu hơn cho giáo viên.

2. Dùng ngôn ngữ bản địa để dạy học: Trao cơ hội cho trẻ được học đọc bằng ngôn ngữ trẻ hiểu. Tại 16 trong số 22 quốc gia Châu Phi, số lượng trẻ được học bằng tiếng mẹ đẻ cao nhất chỉ là một phần ba. Tại Mozambique, chủ trương dạy song ngữ hiện đã được áp dụng tại khoảng một phần tư các trường tiểu học. Học sinh được học song ngữ đạt kết quả cao hơn 15% so với những trẻ chỉ học bằng một ngôn ngữ.

3. Cung cấp suất ăn tại trường: Đảm bảo không trẻ nào bị đói để các trẻ có thể tập trung học hành. Hiện tại, chỉ khoảng một phần ba các học sinh tiểu học tại Châu Phi được cấp suất ăn tại trường. Rwanda cam kết mọi học sinh mẫu giáo đến trung học cơ sở đều được đảm bảo suất ăn tại trường.

4. Lập kế hoạch rõ ràng nhằm cải thiện học tập: Xác định các tiêu chuẩn học tập, đặt mục tiêu, theo dõi kết quả để làm cơ sở hoạch định tầm nhìn quốc gia. Hiện tại trình độ học vấn của hai phần ba trẻ em Châu Phi, tức khoảng 140 triệu em học sinh, vẫn là một ẩn số. Dự án Trách nhiệm Kết quả Học tập tại Ghana đang thiết lập mô hình về trách nhiệm học tập cho học sinh sở tại.

5. Phát triển năng lực giáo viên: Đảm bảo mọi giáo viên sử dụng hiệu quả thời gian đứng lớp thông qua các buổi tập huấn và hướng dẫn. Mới đây, một nghiên cứu được thực hiện tại 13 quốc gia, trong đó có 8 quốc gia vùng Hạ Sahara, cho thấy những dự án có hướng dẫn dành cho giáo viên tăng đáng kể khả năng đọc hiểu của học sinh.

6. Chuẩn bị cho giáo viên trở thành những nhà lãnh đạo: Tái cơ cấu hỗ trợ giáo viên và nhà trường. Chẳng hạn chương trình “Hãy cùng đọc” tại Kenya đã kết hợp việc hỗ trợ, giám sát từ phía nhà trường với kỹ năng lãnh đạo hiệu quả. Nhờ vậy, tình trạng học vấn của các em học sinh được cải thiện tương tự như được bồi dưỡng thêm một năm tại trường.

7. Học hỏi từ nước bạn: Tăng cường những cơ chế cho phép các quốc gia trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo giáo dục chữ và số căn bản.

8. Chú trọng xây dựng thiết chế: Chuyển từ dự án sang các tiện ích công cộng hỗ trợ giáo dục cơ sở.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán