Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một hội chứng mạn tính ảnh hưởng tới hàng triệu trẻ nhỏ và thường tiếp tục theo trẻ tới tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm nhiều vấn đề dai dẳng kết hợp với nhau như là khó tập trung và có hành vi tăng động bốc đồng.



Ảnh: pixabay.com

Trẻ em mắc chứng ADHD thường cảm thấy tự ti, gặp rắc rối trong các mối quan hệ, học tập sa sút. Những triệu chứng này có thể cải thiện khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, vẫn có một số người phải học cách sống chung với nó.

Mặc dù vẫn chưa có phương pháp chữa trị ADHD đặc hiệu, vẫn có một số cách giúp giảm thiểu các triệu chứng, bao gồm kê đơn thuốc và can thiệp hành vi. Chẩn đoán và chữa trị sớm có thể tạo nên sự khác biệt lớn về lâu dài.

Các triệu chứng

Những biểu hiện chính của ADHD bao gồm mất khả năng tập trung và hành vi tăng động bốc đồng. Triệu chứng ADHD thường bộc phát ở độ tuổi 12 và sớm nhất là 3 tuổi ở một số trẻ nhỏ. Triệu chứng của ADHD có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng và có thể tiếp tục theo trẻ tới độ tuổi trưởng thành.

ADHD xuất hiện nhiều ở nam hơn là ở nữ, và một số hành vi có thể khác biệt giữa hai giới tính. Ví dụ như, các bé trai có xu hướng tăng động và các bé gái thường hay lẳng lặng mất tập trung.

Có 3 dạng ADHD:

Dạng trội về giảm chú ý: đa số các triệu chứng là mất khả năng tập trung.

Dạng trội về hành vi tăng động bốc đồng: đa số các triệu chứng là hành vi bốc đồng và tăng động.

Dạng phối hợp: các triệu chứng sẽ bao gồm khá đồng đều cả mất khả năng tập trung lẫn tăng động/bốc đồng.

Mất khả năng tập trung

Trẻ nhỏ mất tập trung thường:

• Không chú ý đến chi tiết hoặc mắc những lỗi cẩu thả trong bài tập.

• Gặp rắc rối trong việc tập trung khi làm bài hoặc vui chơi.

• Không lắng nghe, cho dù người đối diện đang nói chuyện trực tiếp.

• Gặp rắc rối trong việc làm theo hướng dẫn và không thể hoàn tất bài tập hoặc việc nhà.

• Gặp khó khăn khi sắp xếp các hoạt động và việc được giao.

• Tránh né những công việc cần sự tập trung như làm bài tập về nhà.

• Hay làm mất đồ cần thiết cho các hoạt động, như đồ chơi, bài tập về nhà, bút chì.

• Dễ dàng bị phân tâm.

• Quên làm những hoạt động hàng ngày, ví dụ như làm việc nhà.

Tăng động và bốc đồng

Trẻ có những hành vi năng động và bốc đồng thường:

• Bồn chồn hoặc hay cựa quậy tại chỗ ngồi.

• Gặp khó khăn ngồi yên trong lớp học hoặc các nơi khác.

• Luôn cử động và đi lại.

• Chạy hoặc leo trèo trong những lúc không phù hợp.

• Khó có thể ngồi im lặng để chơi hay làm việc riêng.

• Buột miệng trả lời, ngắt lời người hỏi.

• Gặp khó khăn khi phải đợi tới lượt của mình.

• Ngắt ngang cuộc trò chuyện và hoạt động của người khác.

Những nguy cơ gây ra ADHD

Những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây ra ADHD gồm:

• Di truyền từ cha mẹ hoặc anh chị em mắc chứng ADHD hoặc những vấn đề tâm lý khác.

• Tiếp xúc với chất độc hại ví dụ như chì (hóa chất được dùng trong nước sơn hoặc ống nước trong các tòa nhà cũ).

• Thuốc sản phụ, rượu hoặc hút thuốc khi mang thai.

• Sinh non.

Mặc dù đường cũng bị nghi ngờ là một trong những yếu tố gây ra sự tăng động ở trẻ nhưng vẫn chưa có chứng cứ xác thực thông tin này. Nhiều vấn đề xảy ra thời thơ ấu cũng có thể dẫn tới khó khăn trong việc giữ tập trung nhưng đó không được xem là ADHD.

Biến chứng

ADHD có thể làm trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Những trẻ mắc ADHD thường gặp phải những vấn đề như:

• Thường gặp khó khăn trong lớp học, dẫn tới sa sút trong học tập và bị đánh gía bởi bạn bè và người lớn.

• Thường gặp tai nạn và chấn thương nhiều hơn những trẻ khác.

• Thường tự ti.

• Gặp vấn đề khi tương tác và khó được bạn cùng tuổi và người lớn kết thân.

• Có nguy cơ tìm đến rượu, chất kích thích và có những hành vi tự hại bản thân khác trong tương lai.

Quỳnh Nhi
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán