Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Các bài kiểm tra ở bậc tiểu học “ít ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của trẻ”

Theo nghiên cứu mới đây, các bài kiểm tra ở trường tiểu học dường như không có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ tinh thần và cảm giác hạnh phúc nơi trẻ. Những học sinh tham gia làm bài kiểm tra cho biết không cảm thấy thay đổi lớn nào trong suốt những tuần trước và sau khi làm bài kiểm tra.



Kết quả nghiên cứu được công bố khi nước Anh đang bàn về việc bãi bỏ các bài kiểm tra đầu vào - Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu do trường University College London (UCL) thực hiện cho thấy mức độ hạnh phúc và sức khoẻ tinh thần của trẻ không khác biệt lắm dù trẻ có thực hiện các bài thi ở chương trình lớp 3 - lớp 6 (Key Stage 2) hay không. Các học sinh lớp 6 tại Anh (10 - 11 tuổi) tham gia các bài thi SAT không cảm thấy có nhiều thay đổi về cách các em cảm nhận bản thân, về cuộc sống gia đình và nhà trường trong các tuần thi cử.

Nhóm nghiên cứu kết luận chưa có đủ bằng chứng thuyết phục ngành giáo dục bãi bỏ các bài SAT dựa trên lý do “sức khoẻ tinh thần” của trẻ, đi ngược lại lời kêu gọi từ các bậc phụ huynh và giáo viên.

Được biết nghiên cứu trên được tiến hành ngay khi dư luận bắt đầu lên tiếng về các bài kiểm tra chất lượng dành cho trẻ 4-5 tuổi trong những ngày đầu tiên đến trường. Những người phát động phong trào đã đệ đơn kiến nghị lên Dinh Thủ tướng kêu gọi bãi bỏ các bài kiểm tra bắt buộc này.

Sau một năm bị gián đoạn học tập, vào tháng 4 năm nay, một nhóm các thầy cô, phụ huynh, và nghị sĩ đã kiến nghị các bộ trưởng tạm ngừng SAT và các bài kiểm tra bắt buộc tại bậc tiểu học ở Anh. Nếu làm vậy thì các em nhỏ sẽ có cơ hội bắt kịp bài vở, theo luận điểm của nhóm này.

Bài nghiên cứu trên tiến hành phân tích thông tin từ 2.500 trẻ sinh sống tại Vương quốc Anh và 600 trẻ khác tại Bắc Ireland, Scotland, và Wales. Một trong số các câu hỏi được đưa ra là về cảm nghĩ của các em về bản thân và về cuộc sống của mình trong những tuần trước và sau đợt thi. Chỉ khoảng ¼ (24%) trong số 2.500 em tại Vương quốc Anh cho biết các em cảm thấy tiêu cực về chuyện học hành ở nhà trường, tương tự như 28% các em ở ba vùng còn lại. Con số này không dao động đáng kể dù là trước hay sau kỳ thi.

Giáo sư John Jerrim từ Viện Nghiên cứu Xã hội UCL, đồng thời là chủ nhiệm bài nghiên cứu, giải thích kết quả khảo sát đi ngược lại “suy đoán của nhiều người” rằng chuyện thi cử ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tinh thần ở trẻ.

Trong khi đó, các công đoàn giáo dục và người ủng hộ giảm nhẹ thi cử đã chỉ ra các dữ liệu trong bài nghiên cứu đã cũ và vì vậy, không phản ánh được những cải cách mới đây trong hệ thống giáo dục tiểu học. Kevin Courtney, Tổng Thư ký Liên đoàn Giáo dục Quốc gia (NEU), cho biết kết quả “sẽ hữu ích hơn nhiều” nếu các chuyên gia sử dụng các dữ liệu thu thập gần đây nhất. Được biết các đại biểu của NEU cũng nhất trí bãi bỏ SAT tại bậc tiểu học.

Tại hội nghị thường niên diễn ra vào tháng 4, các đại biểu trên đã bỏ phiếu tán thành “thúc đẩy chiến dịch kêu gọi một phương pháp kiểm tra thay thế, trước thực tế là các em học sinh tiểu học không làm bài kiểm tra bắt buộc nào trong suốt 2 năm qua vì Covid-19”.

Ngược lại, phát ngôn viên Bộ Giáo dục Anh cho rằng các bài kiểm tra như thế “đặt nền móng giúp các em đạt nhiều thành tích tốt khi lên trung học và các cấp độ cao hơn”.

Theo Bộ: “Cải cách phương hướng kiểm tra đánh giá được đặt ra nhằm đảm bảo các em học sinh trước khi rời bậc tiểu học ít nhất phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng đọc, viết, và toán học. Chỉ có vậy, các em mới có đủ nền tảng để tiếp tục học lên trung học và các bậc cao hơn. Nhà trường nên là nơi khuyến khích các em nỗ lực học tập và cố gắng đạt thành tích tốt. Song, bộ chúng tôi chưa từng khuyến cáo các trường phải dành quá nhiều công sức giúp học sinh ôn tập cho các kỳ thi.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán