Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Chương trình thí điểm ở các trường trung học nhằm cải thiện sức khoẻ tinh thần

Chương trình ngăn chặn, giảm thiểu ý nghĩ và hành vi tự tử hiện đang được thí điểm tại một số trường trung học ở New South Wales (NSW), Úc, có dấu hiệu khả quan. Mang tên Youth Aware of Mental Health (Giới trẻ Hiểu biết về Sức khoẻ Tinh thần - YAM), chương trình hiện được Viện Black Dog và Sở Giáo dục NSW triển khai ở 18 trường trung học khắp bang này.



Bryndice, Harriet, và Abi từ Trường Trung học Asquith đều cho rằng chương trình rất hữu ích - Ảnh: ABC News/Niall Lenihan

Harriet Kingham, học sinh lớp 10 ở Trường Nữ sinh Asquith toạ lạc tại bờ biển phía Bắc Sydney cho biết: “Chương trình do học sinh làm chủ và rất thu hút. Các bạn có thể tham gia các cuộc thảo luận mở một cách thoải mái, bàn về những vấn đề quan trọng, có liên quan đến đời sống học sinh.” Đứng đầu chương trình là các chuyên gia ngoài trường và vì vậy mà Harriet cảm thấy an tâm hơn.

Tham gia vào chương trình, học sinh sẽ được chia thành các nhóm nhỏ và được khuyến khích nêu lên vấn đề muốn bàn luận. Các chủ đề thường được thảo luận là bạo lực học đường, áp lực đồng trang lứa, các vấn đề về gia đình. Các bạn học sinh sau đó sắm vai để có thể phát triển tư duy phản biện nhằm ứng phó với các tình huống cụ thể đã nêu.

Chương trình hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ tích luỹ được vốn kiến thức và từ ngữ cần thiết để nhận diện và hiểu rõ về các vấn đề tâm lý và biết được khi nào cần giúp đỡ người khác hay cần được giúp đỡ. Chương trình không bắt buộc nên các bạn học sinh ái ngại về nội dung của các cuộc thảo luận có thể không tham gia.

Hiệu quả của chương trình



Một số học sinh cho biết trải nghiệm này đã giúp họ gắn kết hơn - Ảnh: ABC News/Niall Lenihan

Bryndis Pastars, bạn cùng lớp của Harriet, cho biết chương trình giúp các bạn chung khối gắn kết với nhau hơn: “Chúng em ngồi thành vòng tròn, có thể nhìn rõ nhau và thấy được câu hỏi đặt ra có ảnh hưởng thế nào đến các bạn. Thế là bọn em biết được: ‘À, thì ra tụi mình gặp phải cùng một vấn đề’.”

Các bạn trẻ ngày nay phải đối diện với nhiều trở ngại và đương đầu với chúng là chuyện không hề đơn giản, theo Pastars.

Cô bạn cho rằng: “Vì mạng xã hội làm ta xa cách nhau và xa rời thế giới thực hơn, ta cũng trở nên ít nói đi và vì vậy khó xây dựng các mối quan hệ hơn.”

Abi Morgan, một học sinh khác có tham gia chương trình, cho rằng đây là kênh hữu ích giúp bạn tìm được hướng giải quyết cho các vấn đề của mình.



Abi Morgan cho biết chương trình đã khiến em thích nghi tốt hơn với các tình huống căng thẳng - Ảnh: ABC News/Niall Lenihan

Morgan phát biểu: “Hiện em đã tìm được người để trải nỗi lòng mình. Trong kỳ phong tỏa vừa qua, em chật vật với chuyện bài vở và trường lớp và vì vậy mà xuống tinh thần rất nhiều.”

Nhà tâm lý Lauren McGillivray tại Viện Black Dog chịu trách nhiệm giám sát chương trình dành cho các học sinh khối 9 và khối 10 này. Cô nói: “Các em học sinh sau khi tham gia chương trình cho biết bản thân đã ít nghĩ đến chuyện tự tử hơn, ít triệu chứng trầm cảm nặng hơn, và chủ động tìm sự giúp đỡ mỗi khi đối mặt với các vấn đề về cảm xúc hay cá nhân.”

Hai tuần trước khi tham gia chương trình, các học sinh trả lời câu hỏi khảo sát liệu các bạn có nghĩ đến hay có ý định tự tử không. Được biết 51% học sinh trả lời “có” cho câu hỏi trên. Con số này giảm xuống còn 39% sau 6 tháng sau đó, khi một câu hỏi tương tự được đem đi khảo sát.

Tuy nhiên, McGillivray cũng thận trọng với kết quả vì các trường được thí điểm là những trường có tỷ lệ học sinh có hành vi bất ổn cao và vì vậy không đại diện cho đại đa số các trường học.

McGillivray cho biết thêm: “Con số thống kê cũng bao gồm những em cũng có nghĩ về việc tự tử, nhưng theo kiểu thụ động hơn, tức các em không lên kế hoạch tự sát. Song, con số đó vẫn đáng quan ngại. Hiện có rất nhiều khảo sát và dữ liệu từ bệnh viện cho thấy các bạn trẻ 15-19 tuổi dễ có các suy nghĩ tiêu cực và tự làm tổn thương bản thân hơn là các em ở lứa tuổi nhỏ hơn. Vậy nên nếu muốn ngăn chặn tình trạng tự tử học đường, ta nên tập trung vào lứa học sinh trung học này.”

Kết quả từ đợt thí điểm đã được công bố trên tạp chí quốc tế Mental Health Systems.

Bắt đầu cuộc đối thoại

Melanie Farrugia, chịu trách nhiệm vấn đề sức khoẻ toàn diện tại trường Asquith, cho rằng ngoài các môn trọng tâm là toán và văn, nhà trường cũng nên dạy học sinh cách tự chăm sóc bản thân.

Farrugia cho rằng: “Chúng ta sống trong một thế giới thay đổi nhanh đến chóng mặt, nào là đại dịch, nào là mạng xã hội với những hình ảnh đôi khi không biết là thực hay là ảo. Vì vậy mà các em học sinh có rất nhiều câu hỏi cần giải đáp. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp các em biết mình được quyền bàn luận về các vấn đề bản thân quan tâm, được quyền nhờ giúp đỡ, cũng như tự giúp đỡ bản thân và hỗ trợ bạn bè của mình tìm được lối đi trong thời kỳ vô cùng bối rối như hiện nay.”

Tổ chức Ngăn chặn Tự tử ở Úc (SPA) hiện kêu gọi chính phủ đầu tư hơn vào các chương trình do học sinh làm chủ như YAM khắp toàn bộ quốc gia.

Matthew McLean, giám đốc bộ phận chính sách và đối thoại với chính phủ tại SPA, cho biết: “Nhiều bằng chứng cho thấy lần đầu tiên một người nào đó tâm sự về vấn đề tự sát hay chuyện họ có ý định làm tổn thương bản thân là thời điểm quan trọng nhất. Chính lần trò chuyện đó, và quan trọng hơn, cách ta phản ứng trước câu chuyện, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc liệu người đó có tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để nhờ giúp đỡ hay không.”

McLean cũng cho rằng khi những ngày lễ cuối năm ngày càng gần, những đối tượng như vậy lại cần chủ động tìm sự hỗ trợ về mặt tinh thần hơn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán