Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Đổi mới tại các trường nghề ở Hà Nội

Các cơ sở đào tạo nghề tại Hà Nội đã bắt đầu đổi mới, phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, ký hợp đồng làm việc cho học viên, sinh viên ngay khi các bạn còn đang theo học tại trường.



Sinh viên Cao đẳng nghề Cơ Điện Hà Nội tham gia giờ thực hành - Ảnh: Hoàng Hiếu/VNA

Là học viên chuyên làm bánh tại Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội, Phan Thị Bích Hiền đã có dịp trổ tài cũng như giới thiệu sản phẩm của mình tại buổi tư vấn, trao đổi nghề nghiệp ở Thị xã Sơn Tây gần trường.

Bên cạnh trường nghề, cô bạn trẻ vẫn tiếp tục học chương trình cấp 3. Hiền chia sẻ: “Tham gia sự kiện này không chỉ giúp chúng em luyện tay nghề mà còn học được các kỹ năng tìm kiếm việc làm, lắng nghe lời khuyên về cách chọn nghề cho tương lai.”

Giang Huyền Trang, học viên lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Thị xã Sơn Tây, vô cùng phấn khởi khi điều khiển được máy xúc dưới sự hướng dẫn của giảng viên đến từ Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I. Em bày tỏ: “Trải nghiệm này cho thấy em có thể chọn theo học những ngành nghề tưởng chỉ dành cho nam giới khi mới nghe qua tên. Quả thật các bạn trẻ có tay nghề cơ khí, kỹ thuật sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.”

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Khoa Điện - Điện tử tại Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, nhận xét mô hình “Một ngày làm sinh viên” đã thu hút nhiều sự chú ý từ các học sinh cấp 2-3 bởi các em được dịp tiếp cận các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và phương pháp giảng dạy nghề nghiệp tiên tiến. Bà cho hay sau khi trải nghiệm, nhiều học sinh đã có thể chọn trường, hướng đi nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế của bản thân.

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, phát biểu trường đang đẩy mạnh cơ hội tiếp cận trực tiếp cho các học sinh cấp 2-3 đến thăm khuôn viên và trải nghiệm môi trường học nghề, giúp các em chọn được ngành nghề phù hợp để theo học. Trường còn tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, cho phép người học trực tiếp thực tập thực tế.

Gắn kết chặt chẽ

Hiện Hà Nội có 313 trường nghề, đặt mục tiêu trong năm 2024 phải đào tạo được 235.000 tay nghề, nâng tỷ lệ người lao động có tay nghề lên 74,2%. Để thực hiện nhiệm vụ trên, công tác trọng tâm là củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước, trường, doanh nghiệp về mặt giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu về những đổi mới trong khâu tuyển sinh năm 2024, bà Hồng nhấn mạnh: “Nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp, và sinh viên, các em có thể kết hợp học tập với thực hành một cách hiệu quả hơn ngay trong thời gian đào tạo.”

Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả đào tạo của Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, ngỏ ý cho thuê dây chuyền giúp sinh viên trường thực tập. Được biết cuối tháng 3/2023, Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty TNHH XtechFuture.

Sinh viên Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội năm 2 sẽ được đào tạo làm chuyên viên kỹ thuật tự động hoá tại công ty. Trang thiết bị dạy học được Xtechfuture cung cấp; một phần chi phí đào tạo cũng được công ty hỗ trợ cho nhà trường. Cuối mỗi khoá đào tạo, những sinh viên xuất sắc sẽ có cơ hội thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp lớn như Apple, Compal, Justech, và Luxshare.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán