Âm nhạc

Sáo của người Dao Khâu

Dân tộc Dao Khâu ở miền núi phía Bắc tỉnh Lai Châu có nhiều loại nhạc cụ dân tộc, trong đó sáo là loại nhạc cụ khó chơi nhất.

Sáo là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tôn giáo của người Dao Khâu ở tỉnh Lai Châu. Nhạc cụ này thường chỉ được chơi trong lễ cưới hỏi và lễ trưởng thành của người con trai, và không bao giờ được chơi trong đám tang. Tiếng sáo thường nổi bật trong dàn nhạc nhưng vẫn hài hòa với trống, cồng chiêng và chũm chọe.



Người Dao Khâu coi sáo như là một tài sản quý giá của cộng đồng, góp phần tạo nên cuộc sống bình yên, hạnh phúc và ấm no - Ảnh: vietnamnet.vn/

Tại đám cưới, giai điệu ấn tượng nhất của sáo bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ cô dâu. Giai điệu trở nên chậm rãi và trầm buồn khi cha mẹ cô dâu nói lời chia tay với con gái và mong muốn cặp đôi mới cưới yêu thương và bảo vệ lẫn nhau.

“Việc thổi sáo yêu cầu nghệ nhân phải thực hành rất nhiều,” Tan A Senh, một nghệ nhân thổi sáo nổi tiếng ở huyện Sìn Hồ, cho hay. “Điểm mấu chốt là phải ngân vang như thể đang hát một giai điệu dân gian và không được hấp tấp khi nhấn nhá các phím nhạc. Ở đây có một vài kỹ thuật để thổi ra những âm thanh ngân vang và dễ chịu.”

Để làm ra một cây sáo với âm thanh trong trẻo, người nghệ nhân phải chọn gỗ lim loại tốt cho thân ống, kích thước phải dài từ 30 đến 40 cm và khoét 7 lỗ. Phần để miệng và phần chân ống được làm bằng đồng nguyên chất.

Theo Cheo A Si, một người đàn ông Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, cho biết việc sản xuất ra một cây sáo tốn rất nhiều thời gian.

“Phần quan trọng nhất là lưỡi gà. Bộ phận này được chế tác từ kén con tằm trên cây ổi,” Cheo A Si chia sẻ. “Khi chúng tôi tìm thấy chúng, chúng tôi phải bảo tồn chúng trong nhiều năm. Phần chân sáo được làm bằng đồng nguyên chất để tạo ra âm thanh vang xa. Khi một gia đình tổ chức lễ cưới, họ sẽ mời nghệ nhân chơi sáo để sự kiện này trở nên vui hơn.”

Để bắt đầu bất cứ sự kiện nào, người nghệ sĩ phải chơi một khúc nhạc dạo đầu bắt buộc trước khi chơi các giai điệu khác và học thổi sáo là một việc khó khăn.

Anh Cheo A Xoang ở huyện Sìn Hồ cho hay, “Tôi đã mê sáo từ khi còn nhỏ. Bất cứ khi nào tôi đến một đám cưới, tôi đều nhờ các nhạc công chỉ dạy cho tôi. Tôi đã học được một vài giai điệu. Kỹ thuật khó nhất là thổi ra trong khi hít vào. Chỉ có vài nhạc công thổi sáo có thể làm được điều này. Tôi luôn quyết tâm học chơi nhạc cụ này để bảo tồn truyền thống của chúng tôi.”

Người Dao Khâu xem sáo như là một tài sản có giá trị của cộng đồng. Sáo đã góp phần để có một đời sống bình an, hạnh phúc và thịnh vượng hơn.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán