Trang chủ»Kinh tế»Chứng khoán – Bất động sản

Chứng khoán – Bất động sản

Chỉ số S&P 500

S&P 500 (Standard & Poor’s 500) là chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin về sự chuyển động tổng thể của thị trường.

Chỉ số này được quản lý bởi Standard & Poor’s thuộc McGraw-Hill - công ty thành lập các chỉ số khác như S&P MidCap 400, S&P SmallCap 600 và S&P Composite 1500.


Ảnh minh họa của Jin Lee/Bloomberg

Standard & Poor’s là công ty dịch vụ tài chính được thành lập vào năm 1923 theo dõi giá trị thị trường của 233 công ty. Sự xuất hiện của S&P 500 bắt đầu từ năm 1957 khi số lượng công ty tăng lên con số 500. Kể từ đó, S&P 500 trở thành một trong những chỉ số hàng đầu cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Mục đích ban đầu của những người sáng lập S&P 500 là muốn tạo ra một chỉ số cho các công ty có mức vốn hóa lớn, phản ánh tốt hơn thị trường chứng khoán Mỹ. Ở thời điểm đó, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones là chỉ báo hàng đầu, nhưng vấn đề ở chỗ nó là một chỉ số giá và chỉ có 30 công ty thành phần.

Bằng cách định danh 500 cổ phiếu được giao dịch rộng rãivào chỉ số và tính toán những thay đổi dưới dạng một chỉ số giá trị thị trường gia quyền, S&P 500 đã dần đại diện cho khoảng 70% tổng giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ.

Các nhà quản lý quỹ tương hỗ sử dụng S&P 500 như một chỉ dẫn để xác định tình trạng giao dịch đang diễn biến như thế nào. Ngoài ra, các quỹ như Vanguard 500 Index và ETF cũng dựa trên S&P 500.

Một ủy ban các nhà phân tích, nhà kinh tế của Standard & Poor’s sẽ xét theo quy mô thị trường, thanh khoản và nhóm ngành của một công ty để quyết định chọn làm công ty thành phần của chỉ số.

Để được định danh trong chỉ số, một công ty phải có giá trị vốn hóa thị trường ít nhất từ 4,0 tỷ USD. Khi đánh giá tính thanh khoản, ủy ban sẽ xem xét tỷ lệ giá trị đồng đô la thường niên của công ty giao dịch trên vốn hóa thị trường điều chỉnh thả nổi với yêu cầu tỷ lệ này phải lớn hơn 1.0. Các công ty thành phần của S&P 500 thuộc những ngành như năng lượng, công nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, tài chính và sản phẩm tiêu dùng.

Giá trị của chỉ số S&P 500 liên tục thay đổi dựa trên sự chuyển động của 500 cổ phiếu thành phần. S&P 500 sử dụng vốn hóa thị trường trung bình gia quyền khi tính toán ảnh hưởng của từng công ty thành phần lên chỉ số.

Vốn hóa thị trường được tính bằng cách sử dụng công thức: số lượng cổ phiếu x giá mỗi cổ phiếu. Nếu một công ty có 800 triệu cổ phiếu được bán với giá 50 USD/ cổ phiếu, thì giá trị vốn hóa thị trường tương đương là 40 tỷ USD.

Sau khi giá trị vốn hóa thị trường của 500 công ty được tính toán, chúng được cộng lại với nhau để có được một tổng số cho S&P 500. Từ đó, mỗi công ty được chỉ định một tỷ lệ phần trăm của tổng số, đại diện cho ảnh hưởng của công ty đó đối với chỉ số. Tỷ lệ phần trăm càng lớn thì tác động của công ty đó đối với chỉ số S&P 500 càng nhiều.

Ưu điểm chính của S&P 500 là nó bao gồm các công ty hàng đầu ở các ngành công nghiệp hàng đầu, chiếm khoảng 70% giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số gồm một sự phân hạng đa dạng các công ty lớn phản ánh tất cả các lĩnh vực có liên quan của nền kinh tế Mỹ. Điều này làm cho S&P 500 trở thành một trong những chuẩn đánh giá tốt nhất thế giới cho các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn.

Về nhược điểm, mặc dù Standard & Poor’s cố gắng bao trùm tất cả các lĩnh vực, thể hiện ở số lượng công ty thành phần là 500 công ty, nhưng trong thực tế 45 công ty thành phần chiếm hơn 50% giá trị của chỉ số. Do đó, S&P 500 có xu hướng phản ánh sự biến động giá của một nhóm khá nhỏ các công ty.

Trần Hồng Điệp
Theo www.allbusiness.com
en.wikipedia.org

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán