Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Đóng góp của các đại học vào xã hội được đánh giá như thế nào?

Trong Hội nghị Thượng đỉnh về Trách nhiệm Xã hội của Đại học (TNXHĐH), với tiêu đề “Giáo dục và hành động vì một tương lai bền vững”, nhiều diễn giả đã nêu lên những thách thức trong đánh giá tác động xã hội của các trường đại học, đặc biệt nhấn mạnh đóng góp của những cơ sở này đối với xã hội.



Ảnh: pixabay.com

Đây này là sự kiện diễn ra mỗi hai năm của Mạng lưới TNXHĐH, vốn bao gồm 20 cơ sở giáo dục thành viên. Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/11, và được Đại học Bách khoa Hong Kong tổ chức. Nhiệm vụ đặt ra là “bồi dưỡng, dẫn dắt thế hệ lãnh đạo tương lai trở thành động lực của những thay đổi”. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là đặt ra một hệ thống chuẩn xác hơn nhằm đánh giá trách nhiệm xã hội của các trường đại học.

Trong phiên chung mang tên “Đánh giá và củng cố tác động của TNXHĐH”, cuộc thảo luận xoay quanh câu hỏi liệu các trường đại học có các phương pháp và khung chính sách giúp nắm bắt, tạo động lực, và tuyên dương các tác động kinh tế, xã hội mà trường khởi phát hay không. Các tổ chức xếp hạng đại học ngày càng chú ý đến vấn đề tác động xã hội và phát triển bền vững, quan tâm đến việc các trường đã tiếp cận biến đổi khí hậu hay các thách thức địa phương và toàn cầu nêu ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) như thế nào.

Phil Baty, Trưởng ban tri thức tại tổ chức Time Higher Education (THE) - nổi tiếng với bảng xếp hạng THE World University và THE Impact - nêu bật nhiều thay đổi đáng chú ý trong cộng đồng xếp hạng đại học: “Các xếp hạng đại học thế giới của chúng tôi được dùng làm tiêu chuẩn đánh giá năng lực giảng dạy và nghiên cứu toàn cầu nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phá đi và xây lại một hệ thống đánh giá, xếp hạng mới hơn.”

Xây lại như thế nào?

Đã đến lúc nhìn nhận lại cách các trường đại học đóng góp cho xã hội, điều ai cũng thấm thía sau đại dịch vừa qua, theo Baty.

SDG đề xuất những chuẩn tắc mới giúp đánh giá đại học phục vụ xã hội và khảo sát mới đây của THE cũng cho thấy 82% sinh viên đại học cho rằng các cơ sở giáo dục đại học sẽ góp phần vào phát triển bền vững trong tương lai.

Baty cho biết các xếp hạng của THE về sau sẽ chuyển sang cân nhắc nhiều hơn các thông số về ảnh hưởng kinh tế - xã hội mà đại học mang lại cho xã hội.

Ông có nêu xếp hạng THE Impact, mới ra đời năm 2019, xét đến những dữ liệu về đầu ra nghiên cứu của các trường đại học, được tập hợp theo 17 mục tiêu thuộc SDG. Dữ liệu được thu thập từ 1.524 trường đại học tại 110 quốc gia.

Baty cho biết: “Chúng tôi muốn biết các trường đang thực hiện SDG thông qua chính sách, việc làm, và hoạt động như thế nào.” Ông còn bổ sung các tiêu chí như hoạt động giảng dạy tại trường sẽ tạo ra các thế hệ sinh viên tốt nghiệp hiểu và áp dụng những tri thức đã học vào mục tiêu phát triển bền vững như thế nào.

Theo trang web của mình, THE sử dụng nhiều yếu tố làm thước đo trong 4 mảng quan trọng: nghiên cứu, quản lý (tài nguyên vật chất và nhân lực), hoạt động cộng đồng (nhắm tới địa phương, vùng, quốc gia, hay thậm chí là quốc tế), và hoạt động giảng dạy.

Muốn được đánh giá, các trường chỉ việc cung cấp các dữ liệu liên quan đến mục tiêu SDG số 17 (Hợp tác vì mục đích bền vững) cùng ba mục tiêu SDG khác.

Ở mỗi mục tiêu, kết quả đánh giá sẽ dựa trên dữ liệu nghiên cứu thu được từ trang Elsevier cùng các bằng chứng về chính sách và sáng kiến, đặc biệt là những ví dụ về chuẩn tác nghiệp, do trường đại học cung cấp, cùng với nhiều “thang đo liên tục” khác thể hiện những đóng góp có ảnh hưởng của trường, ví dụ như số sinh viên y tế tốt nghiệp từ trường.

Hai bảng xếp hạng khác về phát triển bền vững

Trong tháng 10/2022, bảng xếp hạng đại học cạnh tranh với THE là Quacquarelli Symonds (QS) có đề ra hạng mục “Sustainability” cho xếp hạng năm 2023, chú trọng đến các ảnh hưởng môi trường và xã hội mà trường đại học mang lại.

Thang đo ảnh hưởng môi trường của QS xét đến 3 yếu tố: cơ sở đào tạo, hoạt động giáo dục, và nghiên cứu. Giáo dục bền vững chiếm 20% tổng điểm; cơ sở đào tạo bền vững chiếm 17,5% tổng điểm; và nghiên cứu bền vững chiếm 12,5% tổng điểm.

Thang đo ảnh hưởng xã hội của QS xét đến 5 yếu tố: bình đẳng, trao đổi kiến thức, ảnh hưởng đến giáo dục, cơ hội việc làm, và chất lượng cuộc sống. Yếu tố bình đẳng chiếm 15% tổng điểm; trao đổi kiến thức, ảnh hưởng giáo dục, và cơ hội việc làm, mỗi yếu tố chiếm 10% tổng điểm; và chất lượng cuộc sống chiếm 5% tổng điểm.

Mới ngày 16/11 vừa qua, tổ chức phi lợi nhuận Globethics.net cho ra mắt Bảng xếp hạng Đại học Globethics.net với mục tiêu “đưa ra chuẩn mới” giúp đánh giá các yếu tố như “uy tín, lãnh đạo dựa trên giá trị, và cam kết phát triển bền vững” của các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học trên toàn thế giới, thay vì chú trọng các yếu tố thứ cấp trước đây như số ấn phẩm khoa học chẳng hạn.

Ở bảng xếp hạng này, sinh viên các trường sẽ được yêu cầu đánh giá xem trong những trải nghiệm với trường (bao gồm hoạt động giảng dạy, kiểm tra, phát triển kỹ năng, trải nghiệm xã giao, và hoài bão), đâu là yếu tố làm tăng uy tín, giúp các bạn theo đuổi mục tiêu bền vững nhiều hơn.

Globethics.net cũng yêu cầu giảng viên, nhân viên nhà trường đánh giá các yếu tố: đầu tư vào môi trường nội bộ, hệ giá trị của trường, và mức độ hài lòng của đội ngũ nhân viên. Kết quả tổng hợp sẽ cho thấy yếu tố nào ảnh hưởng nhiều nhất đến việc giảng viên, nhân viên cam kết đóng góp cho thành công của cơ sở giáo dục.

Kết nối cộng đồng

Tại hội nghị TNXHĐH, Tiến sĩ Marisol Morales - Giám đốc điều hành tổ chức Carnegie Elective Classifications - giải thích hệ thống mới được Quỹ Carnegie áp dụng cho các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ có xét đến các hoạt động kết nối cộng đồng, sử dụng các quy tắc thể hiện cam kết phục vụ cộng đồng tại cấp cơ sở được nâng cấp nhờ các nhiệm vụ giảng dạy, học tập, và hoạt động hàn lâm như thế nào.

Bà phát biểu: “Kết nối cộng đồng là khi các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với cộng đồng nhằm trao đổi tri thức và tài nguyên cho nhau, tạo thành quan hệ cộng tác.”

Vấn đề thiên vị các cơ sở giáo dục phương Tây

Khi được hỏi bảng xếp hạng Impact, vốn dựa trên SDG, sẽ đối phó như thế nào với các nhận xét cho rằng hầu hết những xếp hạng hiện tại đều thiên vị các cơ sở giáo dục phương Tây, Phil Baty cho rằng các tiêu chí của Impact và kết quả các khảo sát gần đây cho thấy hệ thống đánh giá mới tỏ ra công bằng hơn.

Ông cũng chỉ ra World Reputation 2022 - bảng xếp hạng dựa hoàn toàn vào chất lượng đào tạo hàn lâm, ra mắt đúng ngày diễn ra hội nghị - cho thấy nhiều thay đổi lớn: “Chúng ta có thể thấy bảng xếp hạng có nhiều trường tại Tokyo, Singapore, hay Hàn Quốc xuất hiện, ngoài ra còn có các trường của Trung Quốc. Đó là những thay đổi rất đáng kể so với những bảng xếp hạng truyền thống trước đây.”

Baty còn bổ sung: “Với hệ thống xếp hạng mới này, chúng tôi cũng bắt đầu nhận thấy nhiều thay đổi rõ rệt. Lượng hồ sơ nhập học đổ dồn vào các trường phương Tây giờ không còn được ưu tiên cao nhất nữa. Độ nổi tiếng cũng không còn là một yếu tố hệ trọng. Vì vậy mà bảng xếp hạng đa dạng hơn, nghiêng về khu vực Đông Á hơn.”

Morales tỏ vè phấn khởi khi cấu trúc tầng bậc truyền thống giữa các trường bắt đầu “đổ vỡ”, cho rằng các cơ sở giáo dục ngày càng có cơ hội bình đẳng để thể hiện tác động của mình đối với xã hội.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán