Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Giáo dục văn hoá: động lực mới cho các phân hiệu quốc tế của đại học đa quốc gia?

Trong những năm gần đây, dường như tốc độ mở rộng các phân hiệu quốc tế (PHQT) của các đại học đa quốc gia có phần chậm lại. Khi đại dịch đình trệ mọi hoạt động đi lại, làm nền kinh tế trượt dốc và chính phủ phải đau đầu, ý định thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế là một chuyện xa vời.



Ảnh: www.universityworldnews.com

Các quốc gia làm đối tác lý tưởng (như Qatar, UAE, Hàn Quốc, Singapore,…) đã có quá nhiều PHQT. Các thương vụ béo bở trước kia thu hút rất nhiều trường đại học giờ đây gần như không còn hiện hữu. Sau khi một loạt các PHQT đóng cửa và chính phủ đột ngột thay đổi chính sách, nhiều cơ sở đại học, nhất là tại Mỹ, đã xem xét lại quyết định hợp tác, báo hiệu một tương lai mờ mịt cho các PHQT.

Song, vẫn có một phân khúc các PHQT được dự kiến sẽ phát triển nhanh trong những năm tới đây: các PHQT chuyên về văn hoá, đặc biệt là nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật thị giác.

Các PHQT chuyên về nghệ thuật

Hiện trên toàn thế giới có 6 PHQT chuyên đào tạo các ngành nghệ thuật còn hoạt động; cộng thêm 3 PHQT chuyên nghệ thuật đã đóng cửa, tổng cộng có 9 PHQT từng thành lập chuyên về mảng này. Trong số các phân hiệu, một thuộc hệ thống đại học tại Anh, một thuộc hệ thống tại Canada, còn những PHQT còn lại nằm trong hệ thống các trường đại học tại Mỹ.

PHQT chuyên nghệ thuật có mặt ở nhiều quốc gia từ Trung Quốc đến Qatar, đến Pháp và Tây Ban Nha. Gần đây nhất, Cao đẳng Âm nhạc Berklee, tuy không thật sự là PHQT bởi không giảng dạy các chương trình cấp bằng, được thành lập tại Abu Dhabi, UAE.

Những cơ sở giáo dục này đào tạo nhiều ngành đại học và sau đại học khác nhau, đặc biệt có các chương trình về âm nhạc, nghệ thuật thị giác, điện ảnh, và sáng tác văn học. Các trường phân bổ đều chuyên môn cho các ngành, không có ngành nào chiếm ưu thế hơn các ngành còn lại.

Khi những quốc gia thuộc nhóm đang phát triển ngày càng đa dạng hoá kiến thức chuyên môn và chuyển mình thành các nền công nghiệp dựa trên tay nghề cao, chính phủ sẽ dần tìm đến những chương trình cao học chú trọng vào tiềm năng tuyển dụng ở các cơ sở đào tạo văn hoá - nghệ thuật nhằm phát triển một xã hội thế kỷ 21 hoàn thiện. Tình hình này thể hiện rõ nét nhất ở Châu Á và vùng Trung Đông, nơi nhiều quốc gia ngày càng đầu tư mạnh tay, hứa hẹn sẽ thành lập nhiều PHQT chuyên về các ngành nghệ thuật hơn.

Xu hướng đầu tư vào văn hoá

Theo Chỉ số Hạ tầng Văn hoá của tổ chức tư vấn AEA - nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về các khoản đầu tư vào hạ tầng văn hoá - hơn 8 tỷ USD được thông báo sẽ rót vào các ngân sách liên quan đến văn hoá trong năm 2020. Trong cùng năm, các dự án đô thị liên quan đến văn hoá có tổng trị giá hơn 5 tỷ USD được hoàn thành khắp thế giới, bao gồm bảo tàng, các cơ sở nghệ thuật đa dụng, phòng trình diễn, và các khu phố văn hoá. Chỉ riêng tại Trung Đông đã có khá nhiều các khu phố văn hoá được thiết lập hoặc trong giai đoạn phát triển.

Ả Rập Saudi là quốc gia chủ động nhất ở mảng này. “Thành phố phi lợi nhuận” là ý tưởng về một trung tâm đô thị thu hút các sáng kiến tối tân cũng như các sáng tạo nghệ thuật, và cũng chỉ là một trong số rất nhiều khoản đầu tư về văn hoá của Ả Rập Saudi.

Qatar vừa qua cũng nêu mục tiêu trở thành “Thánh địa Mecca vùng Trung Đông” trước thềm World Cup 2022, với hàng loạt những khoản đầu tư về văn hoá. Trong khi tại Khu phố Văn hoá Quốc gia ở Kuwait, dự án có chi phí hơn 1 tỷ USD, trung tâm văn hóa và nhà hát opera lớn nhất vùng Trung Đông được xây dựng.

Cũng theo báo cáo của AEA, Châu Á lần đầu tiên vượt Bắc Mỹ về khoản đầu tư được thông báo sẽ đổ vào mảng nghệ thuật. Số lượng các dự án đô thị chú trọng vào nghệ thuật tại Trung Đông cũng tăng qua từng năm. Nhiều bảo tàng mỹ thuật gần đây cũng mở chi nhánh quốc tế. Nhiều thương hiệu nghệ thuật và bảo tàng nổi tiếng có thể sẽ chớp lấy những cơ hội đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, cũng như các PHQT, không phải chi nhánh bảo tàng nào cũng thành công. Deutsche Guggenheim từng lên kế hoạch mở chi nhánh tại Guadalajara, Mexico; song vào năm 2009, chưa kịp xây dựng gì, dự án đã bị huỷ. Khoảng 4 năm sau, Guggenheim phải đóng cửa sau 15 năm hoạt động tại Berlin mà không tuyên bố lý do rõ ràng.

Lợi ích lâu dài cao hơn rủi ro trước mắt

Tuy nhiên, đặc thù của ngành giáo dục cao học là nếu lên kế hoạch cẩn thận và chọn đúng vị trí, lợi ích kinh tế dài hạn sẽ cao hơn các rủi ro đến từ việc thiết lập cơ sở đào tạo mới.

Một khi những trường nghệ thuật này phát triển và hệ sinh thái nghệ thuật sở tại hình thành và ngày một lớn mạnh thì lại cần có những cá nhân có chuyên môn dẫn dắt; và những cá nhân đó sẽ được đào tạo từ những PHQT như thế này.

Trước một thế giới ngày càng phức tạp và các giải pháp ngày càng mờ mịt, những sinh viên tốt nghiệp từ các PHQT chuyên về nghệ thuật có xu hướng chọn những chức vụ tại phòng ban quản lý hay chiến lược không thuộc mảng nghệ thuật. Từ đó, họ có thể đưa ra những góc nhìn đầy sáng tạo cho các thách thức hiện hữu hay đề xuất các dự án mới mẻ.

Trong kỳ đại dịch, cả thế giới đã phải trải qua những ngày không được thưởng thức nghệ thuật. Hiện nay, khi các lệnh giãn cách ngày càng nới lỏng, mọi người bắt đầu tụ tập trở lại và mong muốn chiêm ngưỡng nghệ thuật càng sớm càng tốt. Trong khi đó, các chính phủ vẫn tiếp tục lập kế hoạch cho một tương lai hậu Covid.

Thực tế này, cộng với đà phục hồi kinh tế nhanh hơn trông đợi, tạo ra một tương lai xán lạn hơn cho các hoạt động nghệ thuật trên toàn thế giới. Trước tình hình trên, các trường đại học chú trọng vào các ngành nghệ thuật rất có triển vọng mở thêm các PHQT.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán