Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục đại học

Giáo dục đại học

Ngủ đủ giấc, sinh viên sẽ học tốt hơn

Đại học là quãng thời gian đầy biến động với các bạn trẻ. Đó có thể là lúc các bạn tự do sử dụng thời gian của mình, song lại phải quán xuyến nhiều công việc từ học tập, hoạt động xã hội, hay thậm chí là ngủ.



Ảnh: LA Johnson/npr

Một nhóm gồm nhiều nhà nghiên cứu từ các đơn vị khác nhau đã hợp tác tìm hiểu xem quãng thời gian ngủ mỗi tối trong một học kỳ ảnh hưởng đến kết quả học tập trung bình (GPA) cuối kỳ của các sinh viên năm nhất như thế nào. Kết quả nghiên cứu được công bố trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences số phát hành ngày 13/02/2023.

Các nghiên cứu trước đây đã xác định tổng thời gian ngủ là chỉ dấu quan trọng cho sức khoẻ và thành quả học tập, làm việc của một cá nhân. Các bạn vị thành niên thường được khuyến cáo nên ngủ 8-10 tiếng mỗi đêm. Song, nhiều bạn sinh viên bị mất ngủ hay ngủ không đủ giấc.

David Creswell, Giáo sư Tâm lý học và Khoa học Thần kinh William S. Dietrich II tại Trường Cao đẳng Nhân học và Khoa học Xã hội, dẫn đầu nhóm nghiên cứu khám phá mối quan hệ giữa giấc ngủ và GPA. Ông nhận định: “Quan sát động vật cho thấy giấc ngủ ảnh hưởng trọng yếu đến tiến trình học hỏi và ghi nhớ. Ở đây, chúng tôi muốn chứng minh điều tương tự cũng đúng với người. Số giờ ngủ mỗi tối đầu học kỳ càng ít thì khả năng càng cao là bạn sinh viên năm nhất sẽ đạt GPA thấp khoảng 5-9 tuần sau đó. Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng học tập trong lớp của các bạn.”

Các công trình trước đây với đối tượng là động vật cũng phát hiện những gì chúng ghi nhớ trong ngày sẽ được củng cố lúc chúng ngủ. Khi chu kỳ ngủ bị gián đoạn, nội dung học được trong ngày sẽ bị mất. Áp dụng cho người, các nhà nghiên cứu tò mò không biết ngủ chập chờn hay không đủ giấc có ảnh hưởng đến khả năng học tập và có thể hiện qua thành tích của các bạn sinh viên hay không.

Công trình của Creswell khảo sát hơn 600 sinh viên năm nhất tham gia vào 5 cuộc nghiên cứu tại 3 đại học khác nhau. Sinh viên được đeo vòng Fitbit có khả năng theo dõi chu kỳ ngủ. Nhóm nghiên cứu phát hiện trung bình các bạn ngủ 6,5 tiếng mỗi tối. Ngạc nhiên hơn, những bạn sinh viên ngủ ít hơn 6 tiếng có học lực thấp hơn rõ rệt so với chuẩn. Theo tính toán, mỗi giờ không ngủ tỷ lệ với 0,07 điểm GPA bị mất vào cuối kỳ.

Creswell nhận xét: “Một khi các bạn ngủ ít hơn 6 tiếng, số giờ ngủ bị thiếu sẽ bắt đầu cộng dồn lại, ảnh hưởng đến sức khỏe và thói quen học tập của các bạn, từ đó gây hiệu ứng dây chuyền. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là ảnh hưởng vẫn sẽ tồn tại dù chúng tôi có dùng bất kỳ phương pháp “chữa cháy” nào.”

Nghiên cứu này đã kiểm soát các biến phụ thuộc như kết quả học tập trước đó, giờ ngủ ban ngày, sắc tộc, giới tính, và tình trạng cư trú của sinh viên. Một số nghiên cứu còn kiểm soát cả khối lượng tín chỉ trong chương trình học tập. Không nhân tố nào tác động đến ảnh hưởng của giấc ngủ lên GPA.

Creswell nói: “Sinh viên đại học, cao đẳng thường đề cao việc học hay tiệc tùng thâu đêm hơn là ngủ đều đặn. Công trình của chúng tôi lại cho thấy giảm giờ ngủ mỗi tối sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến thành tích học tập. Ngủ đủ giấc mỗi đêm, vì vậy, là chuyện quan trọng hơn ta tưởng.”

Nghiên cứu cũng khuyến cáo cấu trúc các chương trình học và phụ đạo tại bậc đại học nên thiết kế sao cho các bạn sinh viên chú trọng đến giấc ngủ của bản thân hơn.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán