Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Khó khăn đọc chữ ở những trẻ thuộc tầng lớp khác nhau

Nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy trẻ em ở những tầng lớp kinh tế - xã hội khác nhau có kiểu hình não khác nhau liên hệ với các khó khăn đọc chữ khác nhau.



Ảnh: news.mit.edu

Nhiều trẻ em gặp khó khăn với việc đọc chữ và hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra trẻ thuộc tầng lớp kinh tế - xã hội (TLKT-XH) thấp hơn sẽ gặp nhiều thử thách hơn so với những trẻ TLKT-XH cao hơn.

Nhóm nhà khoa học thần kinh MIT vừa phát hiện thêm rằng xét về trung bình, các khó khăn mà trẻ TLKT-XH thấp hơn gặp phải khi đọc cũng như đặc điểm não bộ của các bạn cũng khác với những trẻ có vấn đề đọc chữ nhưng thuộc TLKT-XH cao hơn.

Sau khi tiến hành chụp não bộ hơn 150 trẻ em đang thực hiện các hoạt động đọc, nhóm nghiên cứu phát hiện trẻ TLKT-XH cao hơn nếu có gặp phải các vấn đề về đọc chữ thì chúng thường liên quan đến khả năng ghép các âm với nhau lại thành từ hoàn chỉnh, hay còn gọi là xử lý âm vị.

Song, nếu trẻ TLKT-XH thấp hơn gặp vấn đề đọc chữ thì nguyên do phổ biến nhất lại là thiếu đi khả năng nhận diện và phát âm các từ và chữ cái, tức xử lý ký tự hay diễn giải tín hiệu thị giác từ ngữ và chữ cái. Xu hướng này được xác nhận khi khảo sát hoạt động của não bộ trong các khâu xử lý âm vị và xử lý ký tự.

Những khác biệt nêu trên cho thấy hướng can thiệp với mỗi nhóm trẻ gặp khó khăn khi đọc chữ là khác nhau. Nghiên cứu cũng nêu bật tầm quan trọng của việc xem xét trẻ từ các TLKT-XH khác nhau khi khảo sát trình độ đọc chữ hay các vấn đề học tập khác.

Rachel Romeo, cựu học viên Chương trình Khoa học Y tế liên kết Harvard-MIT, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Trong lĩnh vực khoa học thần kinh, chúng tôi thường chọn mẫu nào thuận tiện cho việc nghiên cứu nhất, vì vậy mà các dữ liệu thần kinh thu được về việc đọc nói chung, và các vấn đề đọc chữ nói riêng, đa số đến từ những gia đình TLKT-XH cao. Nếu chỉ nhìn những mẫu không mang tính đại diện thế này, chúng ta sẽ đi đến rất nhiều nhận định sai lệch về cách não bộ vận hành.”

Hiện tại, Romeo là phó giáo sư thuộc Khoa Phát triển Con người và Phương pháp luận Định lượng tại Đại học Maryland. Một tác giả khác tham gia nghiên cứu là John Gabrieli, Giáo sư Khoa học và Công nghệ Y tế kiêm giáo sư não bộ và khoa học nhận thức tại MIT.

Hai thành tố quan trọng

Suốt nhiều năm, giới nghiên cứu đã biết điểm bài kiểm tra chuẩn hoá về khả năng đọc chữ có tương quan với những yếu tố kinh tế - xã hội như trung bình ngân sách nhà trường dành cho mỗi em và số lượng các em học sinh được miễn hoặc giảm chi phí suất ăn trưa.

Các nghiên cứu về trẻ gặp vấn đề đọc chữ, với phần lớn đối tượng là trẻ TLKT-XH cao, cho thấy vấn đề lớn nhất nhất là tri nhận âm vị. Romeo giải thích: “Phân tích âm vị là thành tố chính yếu của hoạt động đọc, là dấu hiệu của chứng khó đọc hay các rối loạn đọc hiểu khác.”

Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm MIT muốn phát hiện TLKT-XH có ảnh hưởng thế nào đến quá trình xử lý âm vị cùng một thành tố chủ chốt khác của hoạt động đọc - xử lý ký tự.

Để tiến hành khảo sát, nhóm nghiên cứu chọn học sinh lớp một và lớp hai thuộc nhiều TLXH-KT khác nhau tại khu vực Boston. Trong bài nghiên cứu, TLKT-XH được xác định bằng số năm cha mẹ trẻ theo học tại các cơ sở chính thống, vốn được nhiều nghiên cứu khác lấy làm thước đo cho TLKT-XH của một gia đình.

Romeo làm rõ: “Khi bắt đầu nghiên cứu, chúng tôi không đặt ra giả thuyết về mối liên hệ giữa TLKT-XH và hai quá trình xử lý mà chỉ muốn xem TLKT-XH có ảnh hưởng đến quá trình nào hơn, hay là ảnh hưởng đến cả hai cùng lúc.”

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu cho trẻ thực hiện hàng loạt bài kiểm tra chuẩn hóa về xử lý âm vị và xử lý ký tự. Sau đó, họ bắt đầu chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) khi trẻ thực hiện một số bài tập xử lý âm vị và xử lý ký tự khác. Loạt kiểm tra đầu tiên giúp nhóm nghiên cứu xác định được năng lực xử lý hai khía cạnh trên ở từng trẻ. Còn việc chụp MRI cho phép họ tìm hiểu các phần khác nhau của não bộ liên quan đến quá trình xử lý nào.

Kết quả cho thấy trẻ thuộc TLKT-XH càng cao thì khác biệt ở những trẻ đọc tốt và đọc kém phần lớn nằm ở khâu xử lý âm vị. Hoạt động não bộ ở các phân khu chịu trách nhiệm xử lý âm vị cũng khác nhau ở những trẻ đọc vững và những trẻ gặp khó khăn.

Kết quả phân tích những trẻ thuộc TLKT-XH thấp hơn cho thấy tình hình hoàn toàn khác. Việc xử lý ký tự giữa các học sinh đọc tốt và học sinh đọc kém ở nhóm này là lớn hơn. Hình chụp não bộ cũng cho thấy giữa hai nhóm đối tượng này, hoạt động tại phân khu xử lý ký tự có sự khác biệt rõ rệt.

Tối ưu hóa phương hướng can thiệp

Theo nhóm nghiên cứu, có nhiều lý do vì sao trẻ thuộc TLKT-XH thấp hơn lại gặp khó khăn xử lý ký tự. Đó có thể là vì trẻ có ít sách báo ở nhà để đọc hơn, ít khả năng đến thư viện hay tiếp cận được các nguồn tài liệu đọc khác.

Với những trẻ TLKT-XH thấp gặp khó khăn khi đọc, những hướng can thiệp khác tỏ vẻ hữu hiệu hơn so với những biện pháp xoay quanh khâu xử lý âm vị thường dùng.

Trong một nghiên cứu năm 2017, Gabrieli, Romeo, cùng các cộng sự phát hiện lớp bổ túc hè tập trung vào việc phát triển các kỹ năng giác quan và tri nhận cần thiết cho việc đọc chữ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các trẻ TLKT-XH thấp so với các trẻ TLKT-XH cao hơn.

Gabrieli giải thích: “Chúng tôi biết rằng có hai lý do khiến trẻ chật vật với việc đọc chữ khi còn nhỏ tuổi. Một là các hội chứng gây khó khăn trong học tập, chứng khó đọc chẳng hạn. Hai là những bất lợi về mặt kinh tế - xã hội. Theo tôi, nhà trường có nhiệm vụ giúp tất cả mọi trẻ đọc trôi chảy nhất có thể, và vì vậy mà các nguyên do gây khó khăn cho học sinh khi đọc chữ nên là cơ sở cho trường xây dựng các phương pháp và chính sách phù hợp, tối ưu hóa các phương pháp can thiệp và hỗ trợ.”

Gabrieli và Romeo hiện tại làm việc với nhóm khoa học tại Viện Sau đại học Harvard nhằm đánh giá các phương pháp can thiệp vào kỹ năng đọc nói riêng và kỹ năng ngôn ngữ nói chung nhằm giúp trẻ thuộc TLKT-XH thấp hơn dễ dàng đọc chữ hơn.

Tại phòng thí nghiệm mới ở Đại học Maryland, Romeo cũng hy vọng sẽ đào sâu tìm hiểu về những khía cạnh khác nhau mà nền tảng kinh tế - xã hội thấp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng đọc và kỹ năng ngôn ngữ nói chung.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán