Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Kịch nghệ giúp các bạn trẻ mở lòng về vấn đề tự tử

Theo Young Minds - tổ chức thiện nguyện tại Anh chuyên giúp đỡ trẻ em và các bạn vị thành niên gặp vấn đề về sức khoẻ tinh thần, tự tử đứng thứ hai trong số các nguyên do gây thiệt mạng cho những cá nhân độ tuổi 15-29 trên toàn thế giới.



Ảnh: Alamy

Theo dự báo, tiếp sau đại dịch Covid-19 sẽ là “đại dịch” khủng hoảng tinh thần bởi nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, cảm thấy suy sụp trong và sau thời gian dịch bệnh vừa qua. Có rất nhiều nguyên do dẫn đến não trạng này: chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, không được giao lưu với bạn bè, nỗi lo âu không biết khi nào lệnh giãn cách được dỡ bỏ. Tuy nhiên, kịch nghệ có thể là lời giải cho vấn đề đang ngày một lớn nói trên.

Sau đại dịch, nhiều bạn trẻ có thể nảy sinh ý định tự tử, và trong một số trường hợp, đi đến thực hiện ý định đó. Các nghiên cứu gần đây cho thấy 7% trẻ em dưới 17 tuổi tại Anh đã từng tự kết liễu đời mình.

Năm 2019, James Layton, giảng viên sân khấu, có thực hiện dự án thúc đẩy học sinh tại các trường ở South Ayshire mở lòng về tự tử. Trái với những gì ta nghĩ, Young Minds khuyến khích rằng khi gặp một người nào đó có những dấu hiệu đáng lo ngại, hãy trực tiếp hỏi họ có ý định tự tử hay không.

Dự án Layton thực hiện có tên “Read Between The Lines” (tạm dịch: “Thấu hiểu uẩn khúc”) là một phần trong chiến dịch sức khoẻ tinh thần của Cơ quan Y tế Công cộng Scotland nhằm giúp các bạn trẻ có thể thoải mái trò chuyện về vấn đề tự tử hơn.

Kịch là giải pháp

Trong dự án “Read Between The Lines” (RBTL), các bạn trẻ từ 11 đến 18 tuổi sẽ được xem một vở kịch ngắn. Qua đó, các bạn có thể nhận ra nhân vật có những dấu hiệu muốn tự tử sẽ được hỗ trợ thế nào khi mở lòng trò chuyện với người xung quanh.

Sau khi tâm sự với bạn bè, nhân vật nữ trong vở kịch đã đươc động viên vượt qua nghịch cảnh, ngừng nghĩ ngợi về chuyện tự tử. Vấn đề nhạy cảm và đáng sợ là vậy, nhưng qua ngôn ngữ kịch nghệ, khán giả có thể hiểu thêm về nó một cách an toàn, đầy cảm thông.

Nếu không có những cơ hội thảo luận về tự tử như thế này, các bạn trẻ sẽ tìm đến những ấn phẩm hư cấu khác cùng chủ đề, tiếp cận với những cách hiểu sai, cường điệu hóa về tự tử. Chẳng hạn vào năm 2019, sau phản ứng mạnh mẽ từ nhiều tổ chức y tế, Netflix phải gỡ bỏ một phân đoạn trong bộ phim “13 Reasons Why” có cảnh nhân vật thực hiện hành vi tự tử.

Nhận ra tính nhạy cảm của vấn đề nhiều bạn trẻ phải đối mặt, Netflix phát triển trang web nhằm hỗ trợ, tham vấn người dùng về sức khỏe tinh thần và thể chất. Mặc dù vậy, các giải pháp giáo dục phòng chống tự tử sâu sát từng địa phương, sử dụng cả hướng tiếp cận trực tuyến lẫn trực tiếp, vẫn là điều cần thiết.

Từ dự án “RBTL” và các sáng kiến của những tổ chức ngăn ngừa tự tử như Grassroots Suicide Prevention, Layton muốn tìm hiểu tài nguyên số có thể giúp giải quyết vấn đề ra sao. Phần lớn các tài nguyên như vậy hướng đến nam giới, giúp họ có thể an tâm mở lòng về vấn đề nhạy cảm này.

Song, tài nguyên số chỉ mới là một phần của giải pháp. Hoạt động sắm vai cũng là một hướng đi hữu hiệu kiến tạo thay đổi.

Kịch đưa ta vào thế giới khác

Augusto Boal, đạo diễn sân khấu và nhà hoạt động xã hội tại Brazil cho rằng kịch cho phép ta tồn tại ở hai thế giới cùng một lúc, tức ta có thể sắm vai một nhân vật mà không đánh mất hoàn toàn bản thân mình cho vai diễn đó. Nhờ vậy mà qua kịch nghệ, ta có thể khám phá những tình huống khó xử, hay thậm chí đầy thử thách.

Tương tự, công trình giáo dục kịch của Dorothy Heathcote vào những năm 1970 đã giúp trẻ có cơ hội sắm vai các chuyên gia đào sâu tìm hiểu nhiều vấn đề khác nhau. Trong một thước phim tài liệu chiếu trên kênh BBC năm 1971, bạn trẻ tham gia vào một trong các lớp học của Heathcote nhận xét bà thích tự tạo ra các vở diễn hơn là cho học sinh diễn một vở đã có sẵn bởi “vở kịch sẵn có không phải là câu chữ của các em”.

Cho phép trẻ diễn lại thế giới thực của mình qua thế giới ảo của kịch nghệ là chìa khóa giúp hướng tiếp cận của Heathcote khơi gợi nhiều cuộc đối thoại hữu ích.

Kịch có thể giúp ta tích cực thảo luận về tự tử và các vấn đề sức khoẻ tinh thần liên quan. Không gian kịch của Heathcote cho phép “diễn viên” nhập vai một cách tự nhiên, và quan hệ giữa vai “chuyên gia” và vai “người học” là quan hệ ngang hàng. Lằn ranh giữa người có chuyên môn và người học hỏi, tìm hiểu vấn đề theo đó được xóa nhòa, tạo điều kiện cho các đối thoại chân thực, trải lòng được diễn ra.

Để tạo dựng được môi trường nơi các bạn trẻ có thể thoải mái trao đổi, lắng nghe người khác nói về các vấn đề nhạy cảm như tự tử, ta cần phải có hướng tiếp cận cân bằng và tế nhị. Là phương tiện giúp khám phá những thế giới mới, kịch là một trong lựa chọn khả dĩ, có tiềm năng trở thành giải pháp cho vấn đề tự tử, giảm thiểu những cái chết thương tâm.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán