Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

Mối liên hệ giữa việc bắt nạt trên mạng và ý định tự tử ở các bạn thanh thiếu niên

Các bạn thanh thiếu niên là nạn nhân của những vụ bắt nạt trực tuyến cho biết bản thân thường có ý định và hành vi tự tử nhiều hơn so với những bạn bị bắt nạt trực tiếp. Đó là kết quả của nghiên cứu do Viện Não bộ Cuộc sống (LiBI) thuộc Bệnh viện Nhi Philadelphia (CHOP) phối hợp với Đại học Pennsylvania thực hiện.



Ảnh: vietnaminsider.vn

PGS.TS. Ran Barzilay, hiện công tác tại LiBI, cho biết: “Trước tình hình ngày càng nhiều bạn trẻ dành phần lớn thời gian trên mạng, nghiên cứu này chỉ ra tầm ảnh hưởng của hành vi bắt nạt trên không gian mạng đối với các nạn nhân. Từ kết quả này, ta có thể khuyến cáo các bậc phụ huynh nên dò xét bất cứ hành vi bắt nạt trực tuyến nào như cách họ dò xét các nguồn cơn khác dẫn con trẻ đến lối suy nghĩ tiêu cực. Cả thầy cô lẫn cha mẹ cũng nên chú trọng đến tâm trạng căng thẳng mà bắt nạt trực tuyến có thể đè nặng lên các bạn thanh thiếu niên.”

Tỷ lệ tự tử ở các bạn trẻ ngày càng gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong năm 2018, tự tử là nguyên do phổ biến thứ hai dẫn đến cái chết ở các bạn độ tuổi 10-24. Các tác nhân ảnh hưởng đến ý định tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên hiện chưa được tìm hiểu kỹ nhưng các tác nhân căng thẳng từ môi trường bên ngoài chắc chắn góp phần quan trọng, theo nhiều nghiên cứu. Hành vi bắt nạt trực tiếp và bạo hành bạn đồng trang lứa từ lâu đã được xem là tác nhân gia tăng nguy cơ tự tử.

Trong thời đại công nghệ, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn tương tác đồng trang lứa nói chung và hành vi bắt nạt nói riêng diễn ra trên mạng, thông qua tin nhắn cũng như các nền tảng mạng xã hội. Song, trước nghiên cứu này, chưa một ai khẳng định chắc chắn việc bị bắt nạt trực tuyến có phải biến số độc lập có tác động đến ý định tự tử hay không.

Để kiểm chứng bắt nạt trên mạng có liên hệ độc lập và trực tiếp đến ý định tự tử ở các thanh thiếu niên, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Anat Brunstein Klomek, Tiến sĩ Khoa Tâm lý Baruch Ivcher thuộc Đại học Reichman ở Israel. Nhóm bắt tay vào phân tích dữ liệu thu thập trong khoảng tháng 7/2018 - 01/2021 từ Nghiên cứu Tri nhận Não bộ Thanh thiếu niên (hay Nghiên cứu ABCD), với mẫu là 10.000 thanh thiếu niên Mỹ độ tuổi 10-13.

Trong Nghiên cứu ABCD, đối tượng tham gia hoàn thành bảng hỏi với các câu như họ có từng là nạn nhân hay thủ phạm gây ra các vụ bắt nạt trên mạng hay không. Hành vi bắt nạt trực tuyến được định nghĩa “cố ý làm hại hay đối xử tệ với người khác trên mạng, qua tin nhắn cá nhân hoặc nhóm, hay qua các mạng xã hội (như Instagram hay Snapchat)”. Hành vi bắt nạt trực tiếp nằm ở một bảng hỏi khác, được chia thành các nhóm hành vi: bạo lực, như đe doạ hay đánh đấm; bạo lực quan hệ, như không mời tham gia các sự kiện hay cố ý bỏ mặc một cá nhân nào đó; và bạo lực danh tiếng, như tung tin đồn sai trái hay nói xấu.

Với mức độ ý định tự tử, nhóm nghiên cứu yêu cầu đối tượng nêu ra các suy nghĩ, hành vi tự tử đã hoặc đang trải qua.

Trong số 10.414 đối tượng tham gia Nghiên cứu ABCD, 7,6% cho biết đã từng trải qua các suy nghĩ hay hành vi tự tử, 8,9% cho biết từng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, và 0,9% cho biết từng bắt nạt người khác trên mạng. Nhóm tác giả tìm ra mối liên hệ giữa nạn nhân các vụ bắt nạt trực tuyến và ý định tự tử; trong khi những đối tượng thực hiện hành vi bắt nạt lại không có các suy nghĩ và hành vi này. Kết quả này khác với hành vi bắt nạt trực tuyến, bởi cả nạn nhân lẫn thủ phạm trong trường hợp đó nều trải qua ý định tự tử.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện những đối tượng liên quan đến bắt nạt trực tiếp và bắt nạt trực tiếp thường không trùng nhau, cho thấy hai hiện tượng này tách biệt hẳn. Điều đó cũng có nghĩa nạn nhân bắt nạt trực tuyến có thể chịu những ảnh hưởng khác với nạn nhân bắt nạt trực tiếp.

Tiến sĩ Barzilay nhận xét: “Kết quả nghiên cứu cho thấy bị bắt nạt trực tuyến là một nguy cơ độc lập tác động đến ý định tự tử ở thanh thiếu niên. Giới làm chính sách mong muốn ngăn chặn tối đa tự tử ở trẻ có thể dựa vào kết quả nghiên cứu này mà có những động thái can thiệp thích đáng đối với những trường hợp bắt nạt trực tuyến.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán