Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục trung học

Giáo dục trung học

SAT và ACT có thật sự quan trọng?

Bài thi đầu vào đại học dần trở thành hướng đi lỗi thời.



Các bài kiểm tra chuẩn hóa, dù thi trên giấy hay trên máy tính, cũng ngày một ít phổ biến hơn - Ảnh: Klaus Vedfelt / Getty Images

Hơn 80% trường đại học và cao đẳng tại Mỹ không yêu cầu ứng viên phải có điểm các bài kiểm tra chuẩn hóa như SAT hay ACT. Tỷ lệ các cơ sở giáo dục nới lỏng chính sách về bài thi đầu vào tăng gấp đôi trong học kỳ xuân năm 2020.

Đến học kỳ thu năm 2023, khoảng 85 cơ sở giáo dục cao đẳng/đại học, trong đó có các trường thuộc Đại học California, còn không chú ý đến kết quả bài thi chuẩn hóa khi xét hồ sơ ứng viên. Hiện tại, chỉ 4% những trường sử dụng dịch vụ nộp đơn Common Application bắt buộc ứng viên phải có điểm thi của SAT, ACT, hay các bài thi tương tự.

Ngay cả trước kỳ đại dịch, hơn 1.000 trường cao đẳng và đại học đã áp dụng chính sách không bắt buộc hay “bỏ qua” kết quả thi. Đến khi đại dịch bùng nổ, hơn 600 cơ sở thực hiện chủ trương này.

Nhiều lãnh đạo đại học/cao đẳng cho biết quan ngại về sức khỏe thí sinh và công tác chuẩn bị cho kỳ thi là hai lý do họ không muốn tiếp tục tổ chức thi chuẩn hóa. Một lý do khác nữa là vấn đề bất công giữa các thí sinh thuộc các sắc tộc khác nhau.

Một số cơ sở chọn phương án “linh động kết quả”, tức cho phép ứng viên nộp kết quả Chương trình Nâng cao (AP) hay Tú tài Quốc tế (IB) thay cho điểm SAT và ACT.

Tranh cãi xoay quanh các bài thi

Suốt thời gian dài, nhiều nhà hoạt động và học giả đã lên tiếng phản đối phương án kiểm tra chuẩn hóa nói chung và việc lấy kết quả đó làm cơ sở xét đầu vào cao đẳng/đại học nói riêng.

Lập luận phổ biến nhất là bài kiểm tra chuẩn hóa không đo được tiềm năng của học sinh. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy điểm trung bình (GPA) cấp 3 mới là chỉ dấu đáng tin cậy cho thấy ứng viên sẽ thành công hay thất bại khi học lên cao.

Bên cạnh đó còn có vấn đề về công bằng và bình đẳng sắc tộc. Lần về lịch sử, bài kiểm tra chuẩn hóa là sản phẩm của phong trào ưu sinh - vốn cho rằng mỗi chủng tộc khác nhau sở hữu trình độ học thuật khác nhau, rồi ngụy tạo hay diễn giải sai lệch dữ liệu để củng cố luận điểm đó.

Ibram X. Kendi, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chống Phân biệt Chủng tộc tại Đại học Boston, giải thích: “Các dạng kiểm tra chuẩn hóa là vũ khí hiệu quả nhất giúp ngăn chặn các tài năng da màu tiến vào các trường học nổi tiếng.”

Kendi không phải là người duy nhất lên tiếng về sợi dây liên hệ giữa bài kiểm tra chuẩn hóa và nạn phân biệt chủng tộc. Joseph A. Soares, biên tập quyển sách “The Scandal of Standardized Tests: Why We Need to Drop the SAT and ACT” (tạm dịch: “Vấn đề kiểm tra chuẩn hóa: Vì sao chúng ta cần bãi bỏ bài thi SAT và ACT”), có nói về việc bài thi SAT từng được sử dụng để loại bỏ các ứng viên Do Thái khỏi các trường Ivy League như thế nào và giờ đây các câu hỏi được lựa chọn nhằm gây khó dễ cho các thí sinh da đen ra sao. Trong cuốn sách, Soares nêu bật hiện trạng những câu hỏi trong đề thi thử nào dễ với thí sinh da đen hơn là thí sinh da trắng sẽ bị loại bỏ trong bài thi thật.

Joshua Goodman từ Đại học Boston phát hiện học sinh gốc Phi và gốc Latin khó có cơ hội thi SAT và ACT lần 2 hơn so với thí sinh da trắng và gốc Á. Vì điểm số không cao, tỷ lệ sinh viên được vào cao đẳng/đại học của nhóm thu nhập thấp và nhóm sắc tộc thiểu số cũng vô cùng khiêm tốn.

Những nhân tố này, kèm thêm mồi lửa là vụ kiện xoay quanh nạn phân biệt chủng tộc qua điểm số, là nguồn cơn thúc đẩy Ban Uỷ nhiệm Đại học California bãi bỏ quy định bắt buộc điểm SAT và ACT trong khâu xét tuyển hồ sơ nhập học vào tháng 5/2020.

Vấn đề kinh tế

Đại học và cao đẳng thường tuyển chọn các ứng viên điểm cao và thành tích tốt, thuộc nhiều cộng đồng khác nhau. Những trường không yêu cầu ứng viên đầu vào phải nộp điểm bài thi chuẩn hóa kể từ học kỳ thu 2021 “thường thu hút nhiều tân sinh viên hơn, tất cả đều đạt chuẩn mà lại có xuất thân đa dạng”. Đó là nhận định của Bob Schaeffer, Giám đốc điều hành FairTest - nhóm hoạt động vì mục tiêu “chấm dứt khuyết điểm và việc dùng sai mục đích các bài kiểm tra” trong chương trình phổ thông lẫn cao học.

Cũng đáng chú ý là do tỷ lệ sinh giảm sút, số lượng ứng viên 18 tuổi nhập học đại học cũng ít hơn trước. Vì vậy mà nhiều cơ sở tìm cách giúp các bạn dễ ứng tuyển cao đẳng/đại học hơn.

Trước các nhân tố này, ta có thể thấy trong tương lai gần, các em học sinh có thể cân nhắc mình nên nộp đơn vào trường nào: bắt buộc phải có điểm bài thi chuẩn hóa, chỉ xem qua điểm bài thi, hay thậm chí không xét điểm thi chuẩn hóa. Theo trang tin U.S. News & World Report, hầu hết các đại học/cao đẳng vẫn còn bắt buộc điểm thi đầu vào tại Mỹ là những trường thuộc miền Nam, cao nhất là ở Bang Florida.

Ngành công nghiệp thi cử

Ngành công nghiệp thi cử, bao gồm các lò luyện thi, lớp phụ đạo, cũng như số tiền lớn đổ vào công tác tổ chức thi, trước giờ vẫn là ngành thu về triệu đô.

Khi các cơ sở giáo dục ít chú trọng đến bài thi hơn, những doanh nghiệp nêu trên buộc phải tìm cách làm dịch vụ của mình trông có vẻ hữu dụng hơn. College Board (CB), đơn vị tổ chức SAT cùng nhiều bài thi khác, vừa qua đã cải tiến các bài thi sao cho “phù hợp với học sinh” hơn. Tháng 01/2022, CB công bố dạng SAT trực tuyến được cho là dễ dàng hơn trong khâu tổ chức đối với các địa điểm thi và “dễ thở” hơn cho các thí sinh dự thi.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán