Hẳn nhiều người nghĩ huy chương Olympic thì phải cất kín cẩn trong hộp gỗ sang trọng lót vải nhung. Kim Ye-ji không phải một trong số đó, cô giữ huy chương bạc ngay trong ba lô của mình.

Kim ngắm bắn tại vòng chung kết hạng mục 10 mét súng hơi nữ - Ảnh: Charles McQuillan/Getty Images
Đứng tại trường bắn tĩnh mịch khuất sau rừng cây tại vùng núi tỉnh Jeolla Bắc (cách Thủ đô Seoul 200 km về phía Nam), thiện xạ 32 tuổi rút chiếc huy chương sáng chói khỏi ba lô và rạng rỡ: “À thì ra là cái huy chương này! Thảo nào ba lô nặng đến thế.”
Biểu ngữ Quận Imsil mừng Kim chiến thắng tại Olympic vẫn treo, gợi lại mùa hè năm nay, lúc cô bỗng trở thành cơn sốt cộng đồng mạng. Hào quang vẫn còn đó, cô vẫn nhận hàng loạt buổi chụp hình cho các hãng nổi tiếng và quay phim cho nhiều chương trình truyền hình.
Hồi tháng 5/2024, cõi mạng biết đến xạ thủ người Hàn với vẻ ngoài lạnh như tiền qua giải World Cup tại Baku, Azerbaijan. Nhưng Kim thực sự bùng nổ khi xuất hiện trong kỳ Olympic tại Paris. Nhiều người bàn tán về “hào quang nhân vật chính” của cô hay “lần đầu tiên thấy được khi chất ngồn ngộn toả ra từ một bức ảnh”.
Song, khi buông súng, vẻ mặt lãnh đạm kia trở nên hiền hoà, gần gũi. Kim đặc biệt hay nhướn mày phải mỗi khi nói - thói quen ít khi được giới truyền thông bắt được. Kim chia sẻ: “Sau Olympic, mọi thứ vẫn như trước giờ thôi.”
Năng khiếu thiên bẩm
Kim bắt đầu dấn thân vào con đường thể thao từ khoảnh khắc mạnh dạn giơ tay khi nghe thầy thể dục ở trường tiểu học hỏi: “Ai muốn thử bắn súng nào?” Lúc đó bắn súng chưa phải môn thể thao phổ biến tại Hàn Quốc. Tính đến thời điểm Kim tham gia thi đấu chính thức vào năm 2005, đất nước Đông Á này chỉ giành được 7 huy chương trong 4 kỳ Olympic - 2 vàng, 4 bạc, 1 đồng.
Kim bồi hồi: “Khi ấy tôi còn nhỏ, cứ nghĩ là chỉ bắn cho vui, không ngờ có ngày trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Ban đầu tất cả chỉ để cho vui mà thôi.”
Có thể đúng là Kim không ấp ủ dự định lớn lao nào lúc mới cầm súng, nhưng rõ ràng cô có năng khiếu, vì vậy mới đủ sức biến nó thành nguồn thu nhập chính. Cô nhớ lại: “Nếu thời học sinh, sinh viên tôi xem nó như trò giải trí thì bây giờ đó là công việc, là cần câu cơm của tôi.”
Cô vẫn xem bắn súng không gì khác hơn công việc cho tới khi gặp Kwak Min-su, huấn luyện viên đội tuyển Quận Imsil gắn bó với cô từ năm 2019 đến giờ. Kim bộc bạch: “Tôi cố gắng hơn dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Kwak. Ông là người đáng cảm kích, tôi luôn cố gắng hết mình để không phụ lòng ông.” Được biết, huấn luyện viên Kwak còn tận tuỵ đến mức tự tay là ủi đồng phục Olympic của Kim trước giờ đấu.
Kết hợp nỗ lực tập luyện với năng khiếu thiên bẩm, Kim ngày càng ngắm bắn chuẩn xác hơn. Đến tháng 4/2024, cô trở thành vận động viên Hàn Quốc duy nhất đủ điều kiện thi hai nội dung tại Olympic Paris - 10 mét súng hơi và 25 mét súng ngắn - nhờ về nhì ở cả hai mục này trong đợt tuyển quốc gia tại Hàn. Vào tháng 5, cô phá kỷ lục 25 mét súng ngắn của nữ khi thi đấu tại Baku - cũng là lúc video lột tả độ ngầu của cô lan khắp mạng xã hội X.
Cảm xúc khi tham gia Olympic
Quy mô Olympic thường khiến nhiều thí sinh chùn bước, đặc biệt là những ai mới tham gia lần đầu. Một lần nữa, Kim không nằm trong số đó. Đứng chờ thi đấu cùng 7 người khác, trong đó có đồng hương Oh Ye-jin cách cô chỉ 2 làn, Kim chắc nịch: “Tôi không có nhiều cảm xúc với nội dung 10 mét; chủ yếu tôi vẫn tận hưởng cơ hội được tham dự Olympic lần này.”
Sau nhiều phát súng đồng loạt và các thí sinh dần rút lui vì điểm thấp, trường bắn chỉ còn lại Kim và Oh tranh nhau huy chương vàng. Kim hoàn thành phần thi với tổng điểm 241,3, thua Oh 1,9 điểm nhưng cho rằng đó là “khoảnh khắc vui tột cùng”: “Tôi cũng có tiếc một chút, nhưng sau mỗi trận đấu nào tôi cũng thấy tiếc cả. Không phải tiếc vì mình không giành được huy chương vàng, mà tiếc vì mình đã không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”
Vài ngày sau khi bước lên bục nhận huy chương bạc, Kim trải qua “vài giây bấn loạn” trại vòng loại súng ngắn 25 mét, song cuối cùng vẫn giữ bình tĩnh. Không ghi được điểm nào trong loạt bắn thứ 11 do bấm cò trễ hơn khoảng thời gian 3 giây cho phép, Kim thấy cơ hội vào vòng chung kết thu hẹp đáng kể.
Cô nhớ lại: “Sai lầm đó vẫn chưa phải dấu chấm hết. Tôi tập trung nghĩ tới những loạt bắn sau.” Mặc dù bình tĩnh ghi trọn 10 điểm với 16 trong số 19 phát súng còn lại, Kim không may vẫn không đủ điểm lọt vào chung kết.
Biểu tượng về thần thái và phong cách
Kim không chỉ gây sốt vì thần thái “cool ngầu” mà còn vì phong cách thời trang “chất chơi”. Hẳn ai cũng đã chú ý đến chiếc khăn tay có thêu đầu voi nhồi bông luôn vắt bên thắt lưng, mũ lưỡi trai đội ngược, và kính bắn tối tân.

Kim trở thành hiện tượng mạng sau khi tham gia Olympic năm nay - Ảnh: Alain Jocard/AFP
Trông giống nhân vật bước ra từ bộ phim viễn tưởng nổi tiếng “Blade Runner” là thế, Kim lại cho rằng bản thân “thật ra ăn mặc rất đơn giản”. Cô thích mặc áo ngắn hở eo, quần jeans trắng trong ngày thường và đồng phục đội tuyển vào lúc luyện tập hay thi đấu. Theo cô: “Tôi mặc quần áo đơn giản vậy mà không hiểu sao người ta cứ nói tôi trông có phong cách.”
Song, Kim cho biết chiếc khăn thêu đầu voi là vật bất ly thân trong tất cả mọi giải đấu; mũ lưỡi trai, đôi giày, và bộ kính cũng tương tự. Cô giải thích: “Mỗi khi bắn xong là thuốc súng lại dính vào tay nên tôi mang theo khăn để lau.”
Mặc dù khá ngần ngại khi được gọi là “thần tượng thời trang”, Kim đã tạo mẫu cho nhiều thương hiệu từ Louis Vuitton đến Givenchy, liên tục đốn tim người hâm mộ. Một trong số đó còn bình luận trên hình chụp Louis Vuitton của cô đăng trên Instagram: “Hết bắn trúng bia thi đấu giờ cô lại bắn trúng tim fan à?”
Kim còn được Elon Musk ca tụng, cho rằng “cô nên góp mặt trong bộ phim hành động nào đó”. Và quả thật là như vậy, Kim vào vai một sát thủ (tất nhiên rồi) trong “Crush”, bộ phim dài tập có liên kết với phim “Asia”.
Trước khi thông tin trên được công bố, Kim từng chia sẻ: “Tôi là vận động viên thể thao nên chưa từng nghĩ mình sẽ đóng phim bao giờ cả. Nhưng nếu được làm xạ thủ trên màn ảnh và có cơ hội giúp khán giả hiểu hơn về kỹ thuật bắn súng, tôi sẽ vui vẻ đón nhận nó.”
“Mẹ con sẽ giành huy chương vàng cho mà xem”
Tất bật tham gia chụp ảnh, phỏng vấn, và các dự án quảng cáo là vậy, Kim không quên rằng trên hết, mình vẫn là một vận động viên: “Tôi cảm kích khi nghe người ta gọi mình là thần tượng thời trang. Nhưng tôi là vận động viên và bắn súng đã trở thành một phần cuộc sống của tôi.”
Tại kỳ Olympic ở Paris vừa qua, Hàn Quốc thu được số huy chương kỷ lục ở các nội dung bắn súng: 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc. Kim hy vọng theo đà phát triển của bộ môn này ở Hàn Quốc, nó sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Hiện cô đã rục rịch chuẩn bị cho kỳ Olympic 2028, bắt đầu từ giải World Cup ISSF tổ chức tại Ấn Độ vào cuối tháng 10/2024.
Được biết, Kim có hứa với cô con gái 6 tuổi của mình rằng huy chương vàng Olympic sắp tới sẽ nằm trong tầm tay. Lúc nhìn mẹ nhận huy chương bạc tại Olympic Paris, con gái cô có nói: “Mẹ được huy chương bạc rồi kìa mẹ!” Cô bé còn cổ vũ mẹ mình được huy chương vàng lần tới. Kim vui vẻ trả lời: “Cứ chờ đi, mẹ con sẽ giành huy chương vàng cho mà xem.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)