Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Hoạ sĩ biển cả Ivan Aivazovsky

Ivan Aivazovsky là họa sĩ trường phái lãng mạn người Nga được công nhận là một trong những bàn tay xuất sắc chuyên vẽ về biển cả. Thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia Châu Âu, dấu ấn phương Tây thể hiện đậm nét ở các tác phẩm do ông sáng tác. Nhờ vậy mà gia đình Nga hoàng vô cùng ưa chuộng những bức họa của ông. Song, cũng vì lý do đó mà dòng tranh của ông dần xa rời trào lưu hiện thực ở Nga kêu gọi những nét cọ đậm bản sắc Nga hơn vào lúc đó.



Bức tranh tự họa của Ivan Aivazovsky được thực hiện vào năm 1874 - Ảnh: Wikimedia Commons

Gia cảnh

Ivan Aivazovsky sinh ngày 29/7/1817 tại Feodosia, Bán đảo Krưm. Tuy làm lễ báp-têm với tên Hovhannes Aivazian, cậu bé sau này tự gọi mình là Ivan - phiên bản tiếng Nga của Hovhannes. Cha cậu là Konstantin, một thương nhân người Armenia bị mất phần lớn của cải trong trận dịch 5 năm trước khi Ivan ra đời. Ngoài Ivan, Konstantin còn có hai người con trai lớn. Cả gia đình sống trong căn nhà nhỏ một tầng trên mỏm đồi nhìn ra biển.

Hành trình học vẽ

Tuy không khá giả, gia đình Konstantin vẫn lo chuyện học hành của cậu út Ivan đến nơi đến chốn. Tương truyền tài năng hội họa của cậu bé thể hiện qua những nét vẽ than chì trên tường nhà trắng. Thấy vậy, ông bạn Jacob Koch của Konstantin, một kiến trúc sư, mới dạy cho Ivan về điểm nhìn. Cũng nhờ Koch, những tác phẩm đầu tiên của Aivazovsky mới đến tay thị trưởng. Cậu được thị trưởng tặng cho màu nước tập vẽ và cả gia đình cậu sau đó chuyển đến Simferopol sinh sống, cũng là nơi Ivan nhận được học bổng 6 năm tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia ở St. Petersburg.

Mặc dù cho rằng chương trình đào tạo tại St. Petersburg quá cứng nhắc và các lề thói tại đây khác xa quê nhà, Ivan vẫn xem môi trường này cho cậu cơ hội hiếm thấy. Cậu kiên trì khổ luyện với Alexander Sauerweid, người dạy cậu cách vẽ chiến trận, và Maxim Vorobyov, người dạy cách vẽ tranh phong cảnh. Vorobyov đặt nặng “bầu không khí” trong những tác phẩm của mình, điều mà cậu học trò ông sau đó thuộc nằm lòng.

Năm 1835, họa sĩ biển cả người Pháp Philippe Tanneur được Sa hoàng Nicholas I mời đến St. Petersburg và Ivan được cử làm người đi theo hộ tá danh họa này. Ivan sau đó làm phật ý Tanneur vì báo bệnh để hoàn thành bức vẽ của bản thân nộp cho cuộc triển lãm của Học viện. Tác phẩm sau đó được giải bạc nhưng lại bị Tanneur yêu cầu loại bỏ. Sa hoàng phải đích thân xem bức tranh của Ivan mới trầm trồ, mua về treo trong Cung điện Mùa đông. Nicholas I sau đó còn cử cậu họa sĩ trẻ với tương lai xán lạn đi đến vùng Biển Baltic để có nhiều dịp vẽ cảnh biển hơn.

Tháng 10/1937, Ivan tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Hoàng gia với huy chương vàng cho hai tác phẩm “Calm in the Gulf of Finland” (tạm dịch: “Biển lặng tại Vịnh Phần Lan”) và “The Great Roads at Kronstadt” (tạm dịch: “Đường sá tại Kronstadt”). Được Học viện Mỹ thuật Hoàng gia hậu thuẫn, Ivan bắt đầu hành trình học vẽ của mình ở các nước Tây Âu, lúc bấy giờ vẫn là trung tâm mỹ thuật rực rỡ tại phương Tây. Năm 1842, Ivan gặp được họa sĩ người Anh J. M. W. Turner tại Rome, Ý. Ngoài Turner, nhiều tên tuổi khác như William Martin người Anh hay Théodore Géricault người Pháp cũng ảnh hưởng rất lớn đến phong cách vẽ của Ivan.

Chàng họa sĩ trẻ ghi đậm dấu ấn tại Ý khi sáng tạo các tác phẩm xuất hiện ở nhiều sự kiện triển lãm khác nhau. Cũng tại đây, Ivan phát triển nét vẽ riêng của mình, nắm bắt cái hồn lãng mạn trong những cảnh biển hùng vĩ. Vịnh Naples trở thành đối tượng được Ivan lột tả kỹ càng nhất vào đầu những năm 1840. Họa sĩ trẻ có đến ba bức tranh vẽ cảnh vịnh vào ban đêm, nêu bật nét đẹp hút hồn, thanh lặng của ánh trăng lan tỏa khắp các con sóng, phía xa thấp thoáng hình bóng núi Vesuvius.



Bức tranh sơn dầu “Vịnh Naples” được vẽ vào năm 1842 - Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy tranh của Ivan đẹp kỳ ảo đến vậy, ông lại thu hút được phương Tây nhiều hơn là đồng bào Nga. Ở vùng văn hoá Slav vào đầu những năm 1840 nổi dậy làn sóng thúc đẩy bản sắc Nga trong nghệ thuật, tách bạch với gu thẩm mỹ Tây Âu lúc bấy giờ. Làn sóng này đối đầu khá gay gắt với những họa sĩ Nga muốn hòa mình vào truyền thống Lãng mạn của phương Tây khi ấy bắt đầu đi đến hồi kết. Các tác phẩm của Ivan chắc chắn thuộc về phe thứ hai: nhấn mạnh vào bầu không khí hỗn độn (học hỏi từ Turner), cảm hứng từ các cảnh biển khoáng đạt dọc Hà Lan, và tư tưởng thu nhỏ con người trước thiên nhiên bao la của chủ nghĩa lãng mạn. Đó là chưa kể, Ivan còn chú trọng thể hiện cái tôi thay vì tôn lên mỹ cảm của người dân Nga đương đại trong các bức vẽ.

Sự nghiệp họa sĩ

Năm 1845, Ivan Aivazovsky quay lại St. Petersburg và được Học viện Mỹ thuật Hoàng gia trao cho danh hiệu Học giả. Lúc này ông đã nổi tiếng hơn những người cùng thời như Alexey Tyranov, họa sĩ vẽ chân dung Ivan năm 1841. Sau đó, ông được phong chức họa sĩ trưởng của Bộ Hải quân, đảm trách sứ mệnh đồng hành các hạm đội vẽ lại những cảnh biển, cảnh bờ, cảnh hải chiến - những chủ đề ông thích nhất. Cũng nhờ những tác phẩm này, ông được ghi nhận là anh hùng của Nga. Đến năm 1847, ông còn được phong chức giáo sư chuyên vẽ biển tại Học viện.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ra đời 3 năm sau đó, tức 1850. Bức “The Ninth Wave” (tạm dịch: “Con sóng thứ 9”) tả cảnh một số người cố gắng bám trụ vào một mảnh vỡ hình Thánh giá lênh đênh trên biển vào buổi sớm. Có thể cho rằng đây là phép ẩn dụ cho nỗ lực của con người lấy tôn giáo làm chiếc phao cứu sinh giúp họ thoát khỏi những lầm lỗi trần tục.



Bức tranh sơn dầu “Con sóng thứ 9” được vẽ vào năm 1850 - Ảnh: Bảo tàng Nga

Khi Chiến tranh Krưm nổ ra năm 1853, Ivan lại lên đường cùng hải quân để vẽ lại những cảnh chiến trận bi tráng. Hai tác phẩm đáng chú ý của ông giai đoạn này là “Battle of Sinop” (tạm dịch: “Trận Sinop”) sáng tác năm 1853 và “The Capture of Sevastopol” (tạm dịch: “Chiếm đóng Sevastopol”) sáng tác năm 1856.



Bức tranh sơn dầu “Trận Sinop” thuật lại trận hải chiến ngày 18/11/1853 - Ảnh: Bảo tàng Hải quân Trung ương ở St. Petersburg, Nga

Lúc chiến sự kết thúc, ông sang Pháp vẽ tranh và gây được tiếng vang. Hoàng đế Pháp lúc bấy giờ vì ngưỡng mộ các tác phẩm của ông mà trao tặng huân chương Bắc đẩu Bội tinh, thành quả hiếm có mà người nước ngoài nào nhận được. Vậy nên Ivan bấy giờ không chỉ là trụ cột trong giới mỹ thuật tại Nga, ông còn là gương mặt cộm cán của giới tinh hoa hội họa Tây Âu.

Đến những năm 1860 và 1870, Ivan dần trở thành họa sĩ của thời quá vãng. Sau khi Alexander II - thường được gọi là “Vị Sa hoàng Giải phóng” - lên ngôi, xã hội Nga dần thoát khỏi gọng kìm quân chủ. Nô lệ được trao trả tự do. Các cuộc cải tổ xã hội được phát động, trong đó có mục tiêu “đưa nghệ thuật đến gần với quần chúng hơn”, yêu cầu các họa sĩ chú ý hơn đến hiện thực đời sống người dân quê hương họ. Là một người giữ vững lập trường và mỹ cảm cổ điển, Ivan nhất quyết kiên định với những bức vẽ cảnh biển lãng mạn, cảnh Constantinople hoa lệ, cảnh những thảo nguyên vô cực, hay cảnh thủy quân can trường trước thiên nhiên hùng vĩ.

Tuổi càng cao, Ivan càng thuần thục và điêu luyện. Ông vẫn tiếp tục sáng tác mãi cho đến khi qua đời năm 1900 tại St. Petersburg. Có thể nói ba thập kỷ cuối đời cũng là lúc tay nghề ông chín hơn bao giờ hết. Nét vẽ của Ivan cũng dần ngả theo trường phái Hiện thực nhiều hơn, nhất là trong những bức tranh được ông vẽ mỗi lần trở về quê nhà Feodosia ở Bán đảo Krưm.

Di sản

Ivan Aivazovsky được xem là danh họa lịch sử của cả Nga, Ukraina, và Armenia. Suốt sự nghiệp mình, ông kiên trì vẽ tranh biển cả, và sáng tác tổng cộng hơn 6.000 tác phẩm - một kho tàng thật sự đồ sộ. Ông qua đời ngày 02/5/1990 tại nơi chôn rau cắt rốn Feodosia và được chôn cất tại Nhà thờ Tông đồ Armenia St. Sargis theo di nguyện.

Có thể xem Ivan Aivazovsky là một trong những cành cọ cuối cùng của trường phái Lãng mạn. Ông thường vẽ tranh trong xưởng bằng các ký họa và trí nhớ của mình chứ không vẽ ngay lúc thực địa. Nhờ vậy mà tranh của ông vừa mang nét hiện thực, vừa mang vẻ mơ mộng, kỳ ảo. Bầu trời trong tranh của Ivan lúc nào cũng là một mảng mỏng. Trong khi mặt nước biển lại được tạo nên từ các nét cọ dày chồng lên nhau, tản ra từ một điểm khởi nguồn.

Khác với những họa sĩ thế kỷ 19 nhẹ nhàng cẩn thận với từng chi tiết trong tranh vẽ, Ivan bộc phát hơn. Những người nào từng có dịp thăm xưởng vẽ đều biết ông dùng nhiều lực thế nào để hoàn thành tác phẩm của mình. Cũng vì vẽ nhanh và vận động nhiều lúc sáng tác mà ông cũng thường mệt mỏi rã rời. Những bức tranh đầy giông tố của ông là thành quả của những buổi vẽ hết mình như vậy. Sống động và chân thực, chúng là bằng chứng cho thấy tranh vẽ có thể đạt đến đỉnh cao nào từ các chất liệu đầu vào có phần không mấy ấn tượng.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán