Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế

Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế rơi vào 02/4 mỗi năm, với nhiệm vụ chính là lên tiếng đính chính thông tin sai lệch, giúp công chúng không hiểu sai tin tức, bảo vệ họ trước các tin giả. Các cá nhân, hội nhóm kiểm chứng thông tin còn bảo vệ uy tín của các trang tin, giúp các cơ quan này xác thực, không lan truyền thông tin sai sự thật, hay mắc bẫy truyền thông “bẩn”.



Ảnh: Getty Images

Trong thời đại mà bất kỳ nền tảng trực tuyến nào (từ Twitter, đến Instagram, đến Reddit) đều có thể trở thành nguồn tin, các kẻ xấu dễ dàng thao túng thông tin, truyền thông nhằm định hướng, “dắt mũi” dư luận. Vì vậy, những cá nhân, tổ chức kiểm chứng thông tin chính là các anh hùng đời thường, bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng mạng.

Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế ra đời như thế nào?

Ngược dòng lịch sử, kiểm chứng thông tin cũng chỉ mới tồn tại khoảng một thế kỷ trở lại đây. Vào đầu thế kỷ 20, báo chí Mỹ bắt đầu rộ lên phong trào đưa tin giật gân nhằm thu hút sự chú ý của độc giả và thu về lợi nhuận mà không còn quan tâm nhiều đến tính xác thực của sự kiện diễn ra. Khi tờ “TIME” ra mắt vào những năm 1920, kiểm chứng thông tin cũng bắt đầu trở thành một vị trí cố định trong tòa soạn. Trước đây, công việc này chủ yếu do nữ giới thực hiện.

Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức vào hôm 02/4/2017. Tuy nhiên, ý tưởng về một ngày đính chính thông tin sai lệch đã được thai nghén từ năm 2014 tại Học viện Kinh tế London, Anh sau buổi hội thảo giữa các nhà báo và chuyên gia kiểm chứng thông tin. Hội thảo đặc biệt chú trọng các hiểm họa tiềm tàng khi thông tin chính trị sai lệch được phát tán, đặc biệt trên không gian mạng xã hội, nơi hàng triệu người dùng lướt qua mỗi ngày. Sau khi hàng loạt tin giả được phát tán với tốc độ chóng mặt trong suốt kỳ bầu cử Mỹ 2016, câu chuyện kiểm chứng thông tin lại trở nên nóng sốt hơn bao giờ hết. Đó cũng là xuất phát điểm của ngày đặc biệt này.

Tổ chức đứng sau thúc đẩy sự kiện trên chính là Mạng lưới Kiểm chứng Thông tin Quốc tế (IFCN). Thành viên tổ chức là các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới. Họ chọn ngày 02/4 bởi nó theo ngay sau Ngày Quốc tế Nói Dối 01/4, từ đó nhấn mạnh hai thái cực đối lập “giả” và “thực”. Nhiều đơn vị truyền thông hưởng ứng Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế bằng cách phổ biến một số công cụ cho phép công chúng tự mình khám phá, tìm ra sự thật, giúp mọi người, đặc biệt là các mầm non tương lai, có thể dễ dàng xác định đâu là tin giả để kịp thời giải độc thông tin, ngăn ngừa phát tán những nội dung sai sự thật.

Vì sao việc kiểm chứng thông tin lại quan trọng đến thế?

Nhằm ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch

Chúng ta cần hiểu rõ tầm ảnh hưởng của tin tức. Việc kiểm chứng nội dung những bản tin trôi nổi trên các nền tảng truyền thông đảm bảo mọi người có thể tiêu thụ thông tin một cách có chọn lọc, giảm thiểu tình trạng nhiễu thông tin cùng các lời tuyên truyền, tiêm nhiễm độc hại.

Nhằm củng cố quan hệ giữa công chúng và giới chuyên gia

Vì Internet là mạng lưới vô cùng rộng lớn, cho phép thông tin được lan truyền với tốc độ vũ bão bằng nhiều cách khác nhau, các chuyên gia kiểm chứng tự họ khó có thể rà soát hết mọi ngóc ngách, và vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ chông chúng. Bên cạnh đó, công chúng càng có tư duy phê phán và càng cảnh tỉnh trước thông tin tiếp nhận được bao nhiêu, thông tin nhiễu càng khó có cơ hội lan xa bấy nhiêu.

Nhằm thu hút độc giả đến các tin tức thời sự

Sự thật là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, số người đọc báo giấy hay mở ti vi coi điểm tin ngày càng ít đi. Đa số mọi người sẽ tiếp xúc nhiều hơn với các nền tảng mạng xã hội. Vì vậy, Ngày Kiểm chứng Thông tin Quốc tế này sẽ là sự kiện thu hút mọi người chú ý hơn đến cách tiếp cận, tiêu thụ thông tin thật đúng đắn, tránh mắc bẫy truyền thông trực tuyến.

Bạn có thể làm gì vào ngày này?

Tự mình kiểm chứng thông tin

Khi lướt mạng xã hội và thấy một thông tin nghe có vẻ mới lạ, hãy dừng lại một chút và tìm trên Google xem đó có phải thông tin xác thực hay không. Làm được như vậy là bạn đã bắt đầu có khả năng tự bảo vệ mình trước thông tin sai lệch rồi đấy.

Hỗ trợ các đơn vị kiểm chứng

Hiện có rất nhiều trang thông tin trực tuyến chuyên kiểm chứng thông tin giúp công chúng như FactCheck.org hay PolitiFact.com. Bạn có thể giới thiệu với bạn bè, người thân về những trang tin này để truyền các tin đính chính tới được nhiều độc giả hơn.

Tìm hiểu thêm về hoạt động kiểm chứng thông tin

Bạn cũng có thể tìm đọc cuốn “The Lifespan of a Fact” (tạm dịch: “Tuổi thọ tin tức”) của Jim Fingal và John D’Agata hay cuốn “The Fact Checker’s Bible” (tạm dịch: “Kinh Thánh kiểm chứng thông tin”) của Sarah Harrison Smith để biết thêm về lịch sử, thực trạng, và các phương pháp khác nhau giúp kiểm chứng thông tin.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán