Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Ngày Quốc tế Cờ vua

Ngày Quốc tế Cờ vua rơi vào 20/7 hàng năm, là sự kiện vinh danh sự ra đời của Hiệp hội Cờ vua Quốc tế (FIDE). Hãy cùng nhau tìm hiểu về lịch sử và vị thế môn thể thao trí tuệ này nhé.



Ngày Cờ vua Quốc tế - Ảnh: https://www.europechess.org/international-chess-day-20th-july

Cờ vua

Xuyên suốt lịch sử, các trò giải trí và thể thao đã giúp nhân loại vui sống mặc cho lo âu, khủng hoảng. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khoẻ tinh thần của chúng ta. Khi dịch Covid-19 bùng phát và khiến các hoạt động vui chơi thể thao bị dừng đột ngột, cờ vua vẫn không bị ảnh hưởng gì mà còn nhanh chóng thích nghi với thời cuộc, trở thành môn thể thao thịnh hành nhất thời đại dịch.

Cờ vua là một trong những môn cổ xưa và mang nhiều đặc trưng văn hóa nhất, kết hợp hài hòa giữa thể thao, trí tuệ, và cả nghệ thuật nữa. Là một bộ môn bất kỳ ai cũng có thể chơi ở bất kỳ đâu, cờ vua không quan tâm người chơi nói ngôn ngữ nào, bao nhiêu tuổi, giới tính gì, thể trạng ra sao, hay địa vị xã hội như thế nào. Cờ vua là môn thể thao toàn cầu đề cao sự công bằng, thái độ bao dung, và lòng tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy mà nó xuất hiện trong một số kế hoạch phát triển bền vững được Liên Hiệp Quốc đề xuất như Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 hay Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (bao gồm đẩy mạnh giáo dục, hiện thực hóa bình đẳng giới, trao quyền cho nữ giới và bồi dưỡng sự hòa hợp, lòng khoan dung, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau).

Cờ vua là một trò chơi chiến thuật, một màn đấu trí giữa hai người chơi. Trên bàn cờ 8×8, mỗi người chơi có 16 quân cờ; mỗi quân có cách di chuyển khác nhau. Người chơi bên các quân cờ màu trắng luôn đi đầu tiên. Trò chơi kết thúc khi một bên bắt được quân “vua” của bên còn lại. Hiện có hơn 2.000 cách chơi cờ vua khác nhau mà bất cứ kỳ thủ nào cũng có thể thử qua.

Lịch sử cờ vua

Phiên bản cờ vua hiện đại ngày nay bắt nguồn từ Chaturanga, hay “4 đội quân”. Có thể hiểu 4 đội quân ở đây là bộ binh, kỵ binh, tượng binh, xa binh (lần lượt là tiền thân của tốt, mã, tượng, và xe sau này); mà cũng có thể cho rằng trò này có tên 4 đội quân vì lúc trước số người chơi lên đến 4. Vào khoảng năm 600 sau Công Nguyên, trò này được du nhập vào Ba Tư với tên gọi Chatrang, và sau đó đổi thành Shatranj. Một văn bản tiếng Ba Tư có thuật lại chuyện sứ giả từ tiểu lục địa Ấn Độ mang trò chơi này đến dâng cho vua Khosrow I (531 - 579 SCN) làm quà. Trò chơi sau đó men theo Con đường Tơ lụa lan rộng khắp Bán đảo Ả Rập và Byzantium.

Vào năm 900 sau Công Nguyên, đại kiện tướng al-Suli và al-Lajlaj của nhà Abbas tổng hợp các kỹ thuật và chiến thuật chơi cờ vua. Đến năm 1000, cờ vua lan rộng khắp các nước Châu Âu. Tác phẩm “Libro de los Juegos” (tạm dịch: “Sách trò chơi”) là một quyển tuyển tập bao gồm nhiều trò chơi khác nhau thịnh hành vào thế kỷ 13 sau Công Nguyên. Trong quyển này, môn cờ vua được mô tả rất giống với trò Shatranj ở Ba Tư về cả luật và cách chơi.

Lịch sử Ngày Quốc tế Cờ vua

Hiệp hội Cờ vua Thế giới (FIDE) được thành lập ngày 20/7/1924 tại kỳ Thế vận hội Mùa hè lần thứ 8 tổ chức tại Paris, Pháp. Đến năm 1966, ngày thành lập hiệp hội cũng bắt đầu được lấy làm Ngày Quốc tế Cờ vua. Ngày 12/12/2019, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí chính thức chọn ngày 20/7 làm Ngày Quốc tế Cờ vua thông qua nghị quyết số 74/22. Với động thái trên, Liên Hiệp Quốc không chỉ công nhận vai trò vô cùng to lớn của FIDE trong tiến trình thúc đẩy hợp tác quốc tế tổ chức các cuộc thi cờ vua cũng như nâng cao tinh thần hữu nghị, mà còn đặt ra nền tảng cho các đối thoại xây dựng tình đoàn kết và nền hòa bình thế giới.

Những câu nói nổi tiếng liên quan đến cờ vua

“Trong cờ vua, kiến thức và kinh nghiệm là một thứ gì đó rất chóng vánh. Chỉ cần chạm sai một quân cờ đã khiến mọi sự đánh giá thay đổi.”

Viswanathan Anand


“Cờ vua là một trận chiến thu nhỏ. Bạn có nhiệm vụ đánh bại trí tuệ của đối thủ.”

Bobby Fischer


“Cờ vua có khả năng xiềng xích, cầm tù cả những bộ óc mạnh mẽ nhất, khiến nội tâm dù thanh thản đến đâu cũng phải dậy sóng.”

Albert Einstein



Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán