Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Ngày Quốc tế Thiếu nhi

“Xã hội an toàn không tự nhiên mà có. Nó chỉ được hình thành khi mọi người thấu hiểu và bỏ công sức gầy dựng nên. Chúng ta nợ thế hệ mai sau - những công dân dễ tổn thương nhất - một xã hội không còn bạo lực và nỗi sợ hãi.” - Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi.

Ngày dành cho trẻ em

Ngày Quốc tế Thiếu nhi nhằm ngày 1 tháng 6 hàng năm. Song, nhiều quốc gia không công nhận đây là Ngày Trẻ em. Tại Mỹ chẳng hạn, Ngày Trẻ em sẽ rơi vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 6. Đó là do vào năm 1856, Đức Cha Charles Leonard, mục sư Nhà thờ Phổ thế của Đấng Cứu rỗi tại Chelsea, Massachusetts, chọn ngày này để cử hành lễ ban phước cho trẻ nhỏ.

Ngày Quốc tế Bảo vệ Trẻ em cũng được ấn định là ngày 1 tháng 6, vì vậy mà nhiều nước trên thế giới mới công nhận đây là ngày dành cho trẻ em. Ngày Quốc tế Bảo vệ Trẻ em đầu tiên là vào năm 1954, được đặt ra nhằm ghi nhận cuộc đấu tranh vì quyền trẻ em, kêu gọi chấm dứt vấn nạn lao động trẻ em, và đảm bảo quyền được học tập của trẻ.

Ngày Quốc tế Trẻ em khác với Ngày Thiếu nhi Thế giới, được tạo ra nhằm thay đổi quan niệm và cách ứng xử của xã hội đối với trẻ nhỏ, cũng như cải thiện phúc lợi cho trẻ. Được nhắc đến lần đầu trong Nghị quyết Liên Hiệp Quốc năm 1954, Ngày Thiếu nhi Thế giới tôn vinh quyền trẻ em, cũng là quyền cơ bản của con người. Trẻ em cũng cần được nhìn nhận là một con người xứng đáng được trân trọng và được đối xử tận tâm.



Ảnh: www.compassion.com/

Chúng ta phải dành cho trẻ những gì tốt nhất

Năm 1925, Hội nghị Thế giới vì Hạnh phúc Trẻ em ấn định ngày 1 tháng 6 sẽ là ngày kêu gọi toàn thế giới hãy quan tâm đến những vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em. Các quốc gia tham dự đều thừa nhận “chúng ta phải dành cho trẻ những gì tốt nhất”. Vì lẽ đó, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Geneva về Quyền Trẻ em, với nội dung:

1. Trẻ cần phải được cung cấp những gì cần thiết để đảm bảo phát triển bình thường, cả về vật chất lẫn tinh thần;

2. Trẻ đói cần được cho ăn; trẻ bệnh cần được chăm sóc; trẻ thua thiệt cần được giúp đỡ; trẻ phạm tội cần được giáo huấn; trẻ mồ côi cơ nhỡ cần một mái ấm và vòng tay yêu thương;

3. Trẻ là đối tượng đầu tiên cần được viện trợ trong thời khắc khó khăn;

4. Trẻ cần được đảm bảo sinh sống hạnh phúc và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bóc lột;

5. Trẻ cần dạy dỗ và ý thức tài năng của mình là nhằm phục vụ cho cộng đồng, cho người khác.

Năm 1959, Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn về Quyền trẻ em, trên cơ sở là nội dung bản Tuyên ngôn Geneva. Tuyên ngôn mới này đưa ra 10 quy tắc bảo vệ trẻ cả giai đoạn trước lẫn sau khi sinh, tạo lập nền tảng cho Công ước về Quyền Trẻ em thông qua năm 1989. Công ước này là văn bản về nhân quyền được thông qua nhanh nhất và được chấp thuận rộng rãi nhất trong lịch sử.



Ảnh: www.compassion.com/

Vì trẻ em

Hiện hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới phải sống trong cảnh nghèo khó cùng cực. Gia đình các em phải xoay xở qua ngày với số tiền ít hơn 1,25 USD/ngày. Những trẻ em này không có cơ hội nhận được hỗ trợ y tế, giáo dục, mái ấm, và thậm chí là nước sạch. Các em là những đối tượng phải chịu thiệt thòi nặng nề mà không được bảo vệ, không được yêu thương, không được cho cơ hội, không thể thoát khỏi vòng tròn lẩn quẩn đã tồn tại suốt bao thế hệ, đó là nếu các em sống sót qua thời thơ ấu. Song, tình trạng này không nên mãi tiếp diễn như thế.

Từ khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em được thông qua, tỷ lệ trẻ em qua đời trước 5 tuổi đã giảm xuống còn một nửa. Thế giới đang cố gắng hết mình trao cho trẻ những điều tốt nhất, cải thiện hoàn cảnh của trẻ, cho trẻ cơ hội để được giáo dục, vươn mình khỏi bất lợi và nạn phân biệt, đẩy lùi những kẻ bóc lột và lạm dụng, chống lại bệnh tật, đói kém, khiến trẻ tự tin sống hết mình và bộc lộ hết tiềm năng của bản thân.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán