Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Nhà văn Miguel de Cervantes và “Don Quixote”

Miguel de Cervantes, hay Miguel de Cervantes Saavedra, là nhà văn nổi tiếng người Tây Ban Nha sinh ra tại Alcalá de Henares vào tháng 9 năm 1547 và mất tại Madrid, vào ngày 22/4/1616. Người ta biết đến ông qua hai phần tiểu thuyết bất hủ “Don Quixote” - được dịch sang hơn 60 thứ tiếng. Cả hai phần vẫn được tái bản đều đặn và những luận bàn, phân tích xoay quanh tác phẩm này vẫn không ngừng sôi nổi trong suốt nhiều thế kỷ. Là một người thích khám phá, Cervantes đã thử nghiệm với gần như mọi thể loại văn học (ngoại trừ sử thi) chuyển tải bằng nhiều phương tiện, từ những tập truyện ngắn cho đến các bộ tiểu thuyết đồ sộ.



Chân dung Miguel de Cervantes khoảng năm 1590 - Ảnh: Getty Images

Những năm tháng đầu đời

Cervantes sinh ra trong một gia đình nghèo khó và là người con thứ tư trong 7 người con. Vì gia cảnh khó khăn, ông phải thường xuyên đổi chỗ ở. Con đường học vấn của ông vẫn còn là một ẩn số; hiện ta chỉ biết rằng khác với những nhà văn Tây Ban Nha cùng thời, Cervantes không theo học bất kỳ trường đại học nào. Tuy vậy, ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã vô cùng ham mê đọc sách.

Những năm tháng chiến đấu và làm nô lệ

Tác phẩm đầu tay của ông được công chúng biết đến là bài thơ tưởng nhớ Elisabeth xứ Valois, hoàng hậu của vua Felipe II. Ông sáng tác bài thơ này năm 1569, khi 21 tuổi. Cũng trong năm đó, ông lên đường sang Ý và trong năm sau, ông đi tòng quân tại chốt Naples - khi đó vẫn còn nằm dưới quyền cai trị của Tây Ban Nha. Đến năm 1571, ông mới trực tiếp tham gia chiến trận.

Một trong những sự kiện lịch sử mà Cervantes tham gia là Trận Lepanto năm 1571. Trên chiếc thuyền La Marquesa, ông đã sát cánh cùng đồng đội đánh bại đoàn quân của Đế chế Ottoman. Theo lời kể, ông không hề màng đến chuyện mình đang bị sốt mà vẫn xông pha chiến trận. Trong một trận giao tranh, Cervantes còn bị thương ở ngực; chưa kể, một viên đạn găm trúng tay trái khiến ông không còn sử dụng được cánh tay này trong suốt phần đời còn lại. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục tại ngũ suốt 4 năm liền sau đó. Ông luôn tự hào về khoảng thời gian phục vụ quân đội của mình. Năm 1575, theo thư tiến cử do Công tước vùng Sessa và Don Juan trình lên đức vua, Cervantes được mời quay trở lại Tây Ban Nha để được thăng chức.

Trên đường trở về quê hương, Cervantes cùng anh trai Rodrigo bị bắt và bán làm nô lệ ở Algiers, Algeria - nơi các chủ nô Hồi giáo trao đổi các nô lệ Ki-tô giáo. Thư thăng chức trong tay Cervantes khiến ông trở thành một tù binh đắt giá, với số tiền chuộc cao ngút trời. Vì vậy mà ông phải chịu cảnh nô dịch suốt 5 năm ròng. Đến tháng 9/1580, khoảng 3 năm sau khi anh trai Rodrigo của ông được trao trả tự do, gia đình Cervantes mới có thể xoay xở đủ số tiền chuộc. Khoảng thời gian 5 năm làm nô lệ vừa là biến cố lớn, vừa là nguồn cảm hứng giúp ông chấp bút thành công các tác phẩm của mình, nổi tiếng nhất trong số đó là “Don Quixote”. Bên cạnh còn có thể kể đến hai vở kịch “El trato de Argel” (tạm dịch: “Buôn người tại Algiers”) và “Los baños de Argel” (tạm dịch: “Ngục tù Algiers”) cùng nhiều mẩu truyện khác; tuy vậy, ông chưa bao giờ kể lại những ngày tháng gian khó này dưới dạng hồi ký hay tự truyện.

Trở thành viên chức và sáng tác văn học

Trở về Tây Ban Nha, rời xa những tháng ngày sóng gió, Cervantes buồn bã nhận ra quê nhà đã khác trước. Gia đình ông vẫn nghèo khó mà vật giá ngày càng leo thang. Chiến công lẫy lừng của ông cũng không được đền đáp xứng đáng. Sau nhiều lần liên tiếp tìm việc không thành, cựu chiến binh cuối cùng được giao chức vụ người đưa thư hoàng gia vào năm 1581. Cùng năm, ông theo vua Felipe II đến Lisbon, Bồ Đào Nha - vừa lúc nơi đây vừa được Tây Ban Nha sáp nhập.

Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu năm 1585, với tiểu thuyết lãng mạn đồng quê mang tên “La Galatea”. Tuy được trả nhuận bút khá hậu hĩnh, tác phẩm không tạo nên tiếng vang nào. Kịch nghệ là thú tiêu khiển thời thượng tại Tây Ban Nha lúc bấy giờ, Cervantes lấn sân sang biên kịch, song cũng không khả quan. Vở kịch đầu tiên của ông là “La confusa” (tạm dịch: “Nỗi bối rối”), cũng là vở ông tâm đắc nhất. Về sau, ông có cho biết khi còn hăng say với thế giới kịch nghệ, ông đã sáng tạo nên 20-30 vở. Tuy nhiên, hầu hết đã bị thời gian chôn vùi, ngoại trừ “La Numancia” và “El trato de Argel”. Cùng thời với ông, tác giả Lope de Vega lại là cái tên nổi bật hơn hẳn. Kịch bản của nhà văn này lấn át những tác phẩm đi theo hướng cổ điển, trong đó có các tác phẩm của Cervantes. Đến năm 1587, Cervantes nhận thấy rằng nghề cầm bút không giúp ông và gia đình cầm cự về lâu dài trong xã hội ngày càng đắt đỏ và vì thế, ông đành rẽ hướng sang sự nghiệp khác.

Những năm cuối cùng của thập niên 1580, Cervantes đảm trách công việc thu mua ngô thóc và dầu làm hàng dự trữ cho hạm đội hùng mạnh của Tây Ban Nha. Công việc này cũng không đem lại hạnh phúc gì cho nhà biên kịch lỡ thời. Ông thậm chí còn nhiều lần bị khiển trách vì không ghi sổ sách cẩn thận. Sau khi Hạm đội Tây Ban Nha bị đánh bại năm 1588, Cervantes di chuyển đến trung tâm thương mại Sevilla nhưng vẫn tiếp tục làm công việc quản lý hậu cần. Tháng 9/1592, các sai phạm trong cân đối sổ sách đã khiến ông bị giam vài ngày tại Castro del Río.

Năm 1594, Cervantes được tuyển làm nhân viên thu thuế tại Andalusia. Vốn không có tố chất làm những công việc liên quan đến tài chính, Cervantes chẳng mặn mà gì với vị trí mới và sớm bỏ nghề năm 1596. Một năm sau, ông lại tiếp tục bị bắt và phải ngồi tù vì các sai phạm tài chính trong những năm hành nghề thu thuế. Có lẽ chính trong giai đoạn này mà ông mới nảy ra những ý tưởng đầu tiên cho “Don Quixote”.

Tác phẩm “Don Quixote”

Tháng 01/1605, Cervantes cho xuất bản phần đầu tiên của “El ingenioso hidalgo don Quijote de la Mancha” (tạm dịch: “Dũng sĩ Hidalgo Don Quixote xứ La Mancha”), hay “Don Quixote”. Tiểu thuyết kể về một quý ông có tên Don Quixote. Do quá ám ảnh với những câu chuyện hiệp sĩ, ông tự làm nên “chuyến phiêu lưu” của riêng mình. Ảo tưởng bản thân là hiệp sĩ, ông ta thuyết phục người nông dân nghèo tên Sancho Panza làm cận vệ hộ tống trên suốt chặng đường. Tại điểm cao trào, Quixote còn chiến đấu với cối xay gió, cho rằng đó là một tên khổng lồ. Cuối tiểu thuyết, Quixote chấp nhận thực tại không như những gì ông tưởng tượng ra. Được biết, bản quyền tác phẩm được bán cho nhà xuất bản Francisco de Robles và bản in có nhiều lỗi sai, đa số là do tác giả.

Tuy không gây chấn động bằng tác phẩm “Guzmán de Alfarache” của Mateo Alemán xuất bản 6 năm trước đó, “Don Quixote” vẫn đạt được thành công nhất định. Cuốn sách được xuất bản tại nhiều nơi và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Ý,…, tên tuổi của Cervantes vì thế mà cũng lan rộng đến những quốc gia này. Bản dịch tiếng Anh của Thomas Shelton được xuất bản năm 1612. Với phần lớn độc giả, tiểu thuyết này là bức biếm hoạ các nghi thức, truyền thống lỗi thời của giới hiệp sĩ Tây Ban Nha; nhưng với những nhà văn học lãng mạn tại Đức, Don Quixote lại là bản khắc họa hoàn mỹ hình tượng anh hùng bi tráng.

Sau khi bán bản quyền cuốn tiểu thuyết, Cervantes cũng đánh mất quyền hưởng nhuận bút từ những lần tái bản và vì vậy thu nhập của ông chủ yếu đến từ giới tài trợ văn sĩ. Tuy nhiên, với máu văn cuồn cuộn chảy trong mình và đam mê khám phá nhiều thể loại văn học hư cấu khác nhau, Cervantes vẫn miệt mài sáng tác dù đã ở tuổi xế chiều. Đây cũng là khoảng thời gian ông cho ra nhiều tác phẩm nhất trong sự nghiệp. Năm 1613, ông cho xuất bản “12 Truyện Kinh điển” tập hợp những câu chuyện thuộc hai mảng, lãng mạn và tả thực. “El coloquio de los perros” (tạm dịch: “Cuộc đối thoại của những con chó”) và câu chuyện dẫn vào nó, “El casamiento engañoso” (tạm dịch: “Cuộc hôn nhân lọc lừa”) được xem là áng văn bất hủ không hề kém cạnh so với “Don Quixote”.

Hiện vẫn chưa rõ Cervantes bắt đầu sáng tác phần hai của “Don Quixote” từ khi nào nhưng chắc chắn ông đã xong gần một nửa bản thảo vào tháng 7 năm 1614. Cuối năm 1615, phần hai của tác phẩm ăn khách một thời được xuất bản bởi chính đơn vị đã xuất bản phần đầu. “Don Quixote” phần hai cũng liên tục được tái bản và dịch sang các ngôn ngữ khác. Bản dịch tiếng Pháp đầu tiên xuất bản năm 1618 còn bản dịch tiếng Anh đầu tiên ra mắt năm 1620. Xây dựng trên nền tảng cốt truyện phần đầu, phần hai phát triển và đa dạng hoá nhân vật mà vẫn mang lại cảm giác thân thuộc cho người đọc. Phần lớn độc giả đồng tình rằng phần hai đầy đặn và sâu sắc hơn phần đầu.

Nếu Don Quixote trong phần đầu tưởng tượng nên những chuyến phiêu lưu do đọc quá nhiều các tiểu thuyết hiệp sĩ lãng mạn, Don Quixote trong phần hai lại biết được những trò hiệp sĩ mình làm đã được xuất bản thành sách và được công chúng đua nhau tìm đọc. Trong tiểu thuyết còn có chi tiết Don Quixote đến Barcelona gặp trực tiếp nhà xuất bản những mẩu chuyện về những cuộc “phiêu lưu” của ông mà chỉ trích rằng những ấn phẩm như vậy sẽ gây hại cho độc giả, cũng như đòi lại quyền tác giả cho những mẩu chuyện như thế. Điều đó cho thấy Cervantes quan tâm đến các ảnh hưởng về mặt văn hoá cũng như về mặt kinh tế của việc xuất bản các tác phẩm văn học hư cấu như thế nào. Thực tế, từ những tiểu thuyết lãng mạn đồng quê như “La Galatea”, cho đến những mẩu chuyện ngắn, cho đến hai phần “Don Quixote”, và đến tác phẩm “Persiles y Sigismunda” xuất bản sau khi ông mất, tất cả cho thấy một Cervantes không chỉ am hiểu thị trường văn học thế kỷ 17, mà còn nhận thức rõ tác động của văn học đối với xã hội. Tuy nổi tiếng là vậy, cho đến cuối đời, nghề cầm bút vẫn không giúp Cervantes thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Những năm tháng cuối đời

Cervantes vẫn tâm huyết với văn học cho đến những năm cuối đời. Tác phẩm cuối cùng, được xuất bản vào năm 1617, khoảng một năm sau khi ông mất, mang tên “Los trabaios de Persiles y Sigismunda, historia setentrional” (tạm dịch: “Những chiến công của Persiles và Sigismunda: Câu chuyện phương Bắc”). Ông thổi làn gió mới vào sử thi lãng mạn, đón đầu làn xu hướng nở rộ các tác phẩm thuộc thể loại này vào thế kỷ 17 ở Pháp. Miguel de Cervantes qua đời vào ngày 22/4/1616. Ông được an táng tại một ngôi mộ không tên ở tu viện Discalced Trinitarians ở Calle de Cantarrans (nay là Calle de Lope de Vega). Được biết ông không để lại bất kỳ di chúc nào.

Tầm ảnh hưởng

“Don Quixote” đến giờ vẫn thường được cho là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên trên thế giới, khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, như vở nhạc kịch “The Man of La Mancha” hay bức họa “Don Quixote” do Pablo Picasso vẽ nên chẳng hạn. Nhà phê bình Gyorgy Lukács người Hungary cho rằng Don Quixote là “quyển tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên trong lịch sử văn học”, trong khi nhà văn Carlos Fuentes người Mexico xem Cervantes là “ông tổ” giới văn học Mỹ Latin.



Tượng Miguel de Cervantes ở Valladolid - Ảnh: Marek Slusarczyk/Fotolia

Phong cách văn học của ông cũng có sức ảnh hưởng sâu rộng, tác động đến những tác giả sinh sống tại nhiều quốc gia trong nhiều thời kỳ khác nhau, như Gustave Flauberg, Henry Fielding, Fyodor Dostoyevsky, hay nếu chỉ tính ở Anh, ta cũng đã có những “cây đại thụ” như Daniel Defoe, Laurence Sterne, hay Tobias Smollett. Đáng buồn là giới học giả Tây Ban Nha thế kỷ 19 không công nhận Cervantes, mặc cho phong cách và ngôn từ ông sử dụng là khuôn mẫu cho các nhà văn xứ sở bò tót này. Mãi cho đến thế kỷ 20, những lời khen ngợi của giới phê bình nước ngoài lẫn của những người Tây Ban Nha hải ngoại mới trả lại thanh danh cho Cervantes.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán