Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Nhật ký của Anne Frank

Anne Frank, tên đầy đủ là Annelies Marie Frank (12/6/1929 - 02/03/1945) là nạn nhân của vụ diệt chủng Do Thái (Holocaust) dưới bàn tay của phát-xít Đức. Cô cũng là tác giả cuốn “The Diary of Anne Frank” (Nhật ký của Anne Frank) nổi tiếng thế giới, được dịch ra hơn 65 thứ tiếng và thu hút hàng triệu độc giả toàn cầu. Tác phẩm kể về trải nghiệm và hy vọng của cô trong 2 năm trốn chạy phát-xít. Gia đình cô bị bắt và đưa đến trại tập trung. Tại đây, cô qua đời khi chỉ mới 15 tuổi.

Tiểu sử

Anne Frank được sinh ra tại Frankfurt, Đức, trong một gia đình Do Thái trung lưu. Khi đó, nền kinh tế Đức vẫn chật vật phục hồi, phần lớn vì Hoà ước Versailles quy định những lệnh trừng phạt áp lên các quốc gia thua trận trong Thế chiến I. Trong bối cảnh này, Đảng Quốc xã do Adolf Hitler đứng đầu nổi lên giành được quyền kiểm soát chính phủ vào năm 1933. Hitler trở thành Thủ tướng Đức vào ngày 20/01/1933. Bởi chính đảng này mang nặng tư tưởng bài Do Thái, nhà Frank cảm thấy quê hương không còn là một nơi an toàn và tất cả phải chuyển đến Amsterdam, Hà Lan, sinh sống vào mùa thu năm 1933.

Nhiều năm sau, Anne có viết lại trong nhật ký của mình: “Bởi chúng tôi là người Do Thái, bố tôi phải di cư đến Hà Lan năm 1933. Tại đây, ông trở thành giám đốc quản lý cho công ty Opekta chuyên làm các sản phẩm sử dụng trong dây chuyền sản xuất mứt.” Sau nhiều năm trốn chạy khỏi làn sóng bài Do Thái, nhà Frank nghĩ rằng họ đã tìm được chốn yên bình cho mình tại Amsterdam.

Tại Amsterdam, Anne Frank theo học tại trường Montessori từ năm 1934. Thập niên 30 là khoảng thời gian hạnh phúc đối với cô, khi cô làm quen được rất nhiều bạn mới thuộc nhiều quốc tịch, tôn giáo khác nhau. Anne Frank còn được ghi nhận là cô bé sáng dạ, ham học hỏi.

Đức Quốc xã xâm lược Hà Lan

Ngày 01/9/1939, Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, làm bùng lên cuộc xung đột khơi mào cho Thế chiến II. Đến ngày 10 tháng 5 năm 1940, quân Đức tấn công Hà Lan. Quân đội Hà Lan quy phục trước lực lượng phát-xít, bắt đầu chuỗi ngày Đức Quốc xã chiếm đóng đất nước này.

Anne Frank sau đó có viết trong nhật ký: “Sau tháng 5 năm 1940, những ngày tốt lành ngày càng hiếm đi. Đầu tiên là cuộc chiến, sau đó là chuyện đầu hàng, rồi binh lính Đức tiến đến nhiều hơn, cũng là lúc người Do Thái gặp càng nhiều rắc rối hơn.”

Từ tháng 10 năm 1940, Đức Quốc xã áp đặt những luật lệ phân biệt đối xử lên người Do Thái tại Hà Lan như bắt họ phải mặc áo có “Ngôi sao David” màu vàng, đặt lệnh giới nghiêm hà khắc, ngăn cấm sở hữu các doanh nghiệp.

Otto Frank vẫn giữ được công ty của mình bằng cách chuyển quyền sở hữu qua cho hai cộng sự Ki-tô hữu nhưng vẫn đứng sau điều hành mọi thứ.

Năm 1941, Anne Frank và chị cô buộc phải chuyển từ trường công lập sang học tại một trường chuyên biệt dành cho người Do Thái.

“Chái nhà bí mật”

Ngày 12 tháng 6 năm 1942, bố mẹ Anne tặng cô một quyển sổ tay bìa caro đỏ trắng làm món quà sinh nhật năm cô 13 tuổi. Những dòng đầu tiên cô viết trong cuốn nhật ký vào cùng ngày có nội dung như sau: “Tớ ước tớ có thể bộc bạch mọi thứ cho cậu, điều trước đây tớ chưa từng làm được với bất cứ ai. Mong là cậu sẽ là chỗ dựa tuyệt vời cho tớ.”



Ảnh: motsach.vn/

Ngày 5 tháng 7 năm 1942, Margot, chị của Anne, nhận lệnh trục xuất đến một trại lao động cưỡng bức của Đức Quốc xã. Hôm sau, cả nhà Frank lánh vào khu vực nhà kho thuộc công ty của Otto Frank nhằm trốn khỏi cuộc truy lùng của Đức Quốc xã. Đây là nơi được gọi là “chái nhà bí mật”

Cùng với gia đình Anne còn có 3 người khác là Hermann van Pels, đối tác của Otto, cùng vợ và con trai của Hermann. Một vài nhân viên của Otto không theo đạo Do Thái như Miep Gies và Bep Voskuijl bí mật tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm cho gia đình ông và gia đình van Pels. Trong suốt 2 năm, cả hai gia đình phải sống chật vật trong chái nhà tối tăm, ẩm thấp mà không một lần bước chân ra bên ngoài.

Trong suốt 2 năm ẩn náu tại “chái nhà bí mật” ở Amsterdam, Anne Frank viết nhật ký hàng ngày. Cô viết về những ngày lẩn trốn và nỗi sợ bị quân Đức bắt. Một vài trang nhật ký thể hiện những khoảnh khắc cô như bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng. Trang nhật ký vào ngày 3 tháng 2 năm 1944 có ghi: “Trái Đất này rồi vẫn tiếp tục xoay dù tôi có ra sao, mà tôi cũng chẳng thể làm gì để thay đổi tình hình hiện tại.”

Tuy nhiên, cô cũng viết về những vấn đề hết sức đời thường, những trăn trở của một cô bé mới lớn, và hy vọng về một tương lai xán lạn, nơi cô có thể trở thành một nhà báo hay một nhà văn. Những dòng nhật ký này giúp tâm trí của cô được ổn định và tinh thần cô được phấn chấn trong chuỗi ngày tuy vẫn tự do nhưng sống trong không gian không khác gì tù đày. Cô có viết hôm 5 tháng 4 năm 1944: “Khi đặt bút viết, tôi có thể rũ bỏ mọi ưu phiền.”

Ngoài những dòng nhật ký, Anne Frank còn ghi cả những câu trích dẫn từ những tác giả cô yêu thích, các câu chuyện do cô tự sáng tác, và phần mở đầu cho một cuốn tiểu thuyết viết về những tháng ngày ở “chái nhà bí mật” - một cuốn tiểu thuyết mãi chẳng bao giờ hoàn thành. Lối hành văn trong quyển nhật ký cho thấy cô là một cô bé đầy sáng tạo, giàu cảm xúc, mà cũng không kém phần thông minh. Bút lực của cô hơn hẳn những bạn đồng trang lứa.

Những tháng ngày ở trại tập trung

Trang nhật ký cuối cùng của Anne Frank được viết vào ngày 1 tháng 8 năm 1944. Ba ngày sau, cảnh sát bí mật của Đức Quốc xã (Gestapo) phát hiện ra “chái nhà bí mật” và bắt tất cả mọi người. Được biết một kẻ chỉ điểm đã khai ra nơi nhà Frank ẩn náu, tuy nhiên tung tích của hắn đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Gia đình Anne Frank bị đưa đến trại trung chuyển Westerbork tại Hà Lan trước khi bị tống vào trại Auschwitz tại Ba Lan vào ngày 3 tháng 9 năm 1944. Đó cũng là lần cuối Otto Frank được gặp mặt vợ và con gái mình. Sau một tháng bị bắt làm việc khổ sai như kéo đá tảng hay các thảm cỏ, Anne và chị Margot lại bị chuyển trại. Bergen-Belsen, trại tập trung mới của hai chị em, là một nơi tồi tàn, bẩn thỉu, thiếu thốn lương thực nhưng lại đầy mầm mống dịch bệnh. Mẹ của hai cô bé, bà Edith, không được phép theo hai con. Edith ngã bệnh và qua đời tại trại giam Auschwitz ngày 6 tháng 1 năm 1945, trước khi trại này được giải phóng khoảng 2 tuần sau đó, vào ngày 18 tháng 1.

Theo kết luận của chính phủ Hà Lan, Anne và Margot mắc phải bệnh sốt phát ban vào đầu năm 1945. Hiện vẫn chưa có căn cứ chỉ ra chính xác thời điểm hai chị em qua đời. Giả thuyết trước đây là cả hai mất vào tháng 3 năm 1945, vài tuần trước khi đội quân Anh đến giải phóng trại Bergen - Belsen. Tuy nhiên, chứng cứ gần đây cho thấy có thể cả hai đã chết vì bệnh sốt vào tháng 2 năm 1945. Dù sao đi nữa, lúc mất, Anne cũng mới chỉ 15 tuổi. Cô là một trong hơn một triệu trẻ em Do Thái chết thảm do nạn diệt chủng của Đức Quốc xã.

Nhật ký Anne Frank

Ngày 27 tháng 1 năm 1945, Otto Frank được Hồng quân Liên Xô tìm thấy khi giải phóng Auschwitz. Vào tháng 7 năm 1945, ông nhận được tin báo chính thức rằng hai cô con gái của mình đã qua đời tại trại Bergen - Belsen. Trở lại Hà Lan, ông tìm lại “chái nhà bí mật” từng là nơi ẩn náu 2 năm về trước. Ông tìm lại được cuốn nhật ký bìa ca-rô đỏ trắng, vốn được Miep Gies giữ kỹ suốt khoảng thời gian cả nhà Frank bị giam tại trại tập trung.

Khi đã có đủ can đảm để mở cuốn nhật ký ra đọc, ông ấn tượng với những gì con gái mình đã viết. Trong bức thư gửi mẹ, Otto bộc bạch: “Con được diện kiến một Anne hoàn toàn khác với cô con gái vừa mất. Con không ngờ con bé lại sâu sắc và nhạy cảm đến thế.”

Quyển nhật ký sau đó được Otto xuất bản thành sách vào ngày 25 tháng 6 năm 1947. “Nhật ký của Anne Frank”, vốn viết bằng tiếng Hà Lan, hiện đã được dịch ra hơn 65 ngôn ngữ khác nhau và là cuốn sách cảm động nhất và được nhiều người đọc nhất trong những tác phẩm kể về trải nghiệm của nạn nhân thảm hoạ diệt chủng Do Thái. Nhật ký được chuyển thành tác phẩm sân khấu ra mắt tại Broadway năm 1955. Vở kịch thu về Giải Tony cho vở diễn xuất sắc lẫn Giải Pulitzer cho chính kịch hay nhất.

Lối viết sâu lắng đầy chiêm nghiệm của cuốn nhật ký thể hiện rõ sự trưởng thành về mặt cảm xúc của Anne Frank. Những dòng nhật ký vẫn sống mãi trong lòng người đọc không chỉ vì những sự kiện khó quên được tường thuật lại, mà còn bởi cách kể chuyện đầy cảm xúc và tinh thần kiên cường của cô gái bé nhỏ bị đẩy vào nghịch cảnh trớ trêu. Như cô có viết một tháng trước khi bị bắt: “Tôi thấy thế giới quanh mình dần biến thành bình địa; tôi nghe thấy tiếng sấm rền, không biết chừng một ngày nào đó nó cũng xé toạc chúng tôi. Tôi thấu cảm cho nỗi đau của hàng triệu người. Dẫu vậy, mỗi khi nhìn lên bầu trời, không hiểu sao tôi lại cảm thấy mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn, sự tàn bạo này cuối cùng cũng sẽ chấm dứt, rồi hoà bình và sự yên ả sẽ trở lại.” Những dòng chữ trên nêu bật lý tưởng của cô: “Tôi tin tưởng rằng dù thế nào đi nữa thì mọi người đều có thiện tâm.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán